Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: 'Cổ phần hoá, Nhà nước có khả năng đã mất cả triệu tỷ đồng'

Thời sựThứ Hai, 28/05/2018 18:28:00 +07:00

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cổ phần hoá DNNN là vấn đề rất nguy hiểm, trong những năm qua, Nhà nước có khả năng mất cả triệu tỷ đồng.

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận định bản báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016 là rất dũng cảm, phản ánh 85-90% bức tranh quản lý vốn Nhà nước cũng như Cổ phần hoá DNNN thời gian qua.  

"Cổ phần hoá DNNN là vấn đề rất nguy hiểm khi nói về công tác phòng, chống tham nhũng. Tôi từng khẳng định Nhà nước có khả năng mất hàng ngàn tỷ đồng. Nếu hôm nay, tôi nói, thì có khả năng, trong những năm qua, Nhà nước mất hàng triệu tỷ đồng về vấn đề này". 

Đại biểu Nhưỡng chỉ ra ví dụ việc cổ phần hoá một tổng công ty lớn của ngành giao thông với rất nhiều đơn vị thành viên cũng như tài sản Nhà nước nhưng chỉ được định giá 327 tỷ đồng, "nghĩa là chỉ tương đương với một căn nhà tại phố cổ Hà Nội".

hang phim truyen 3

  Cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam gây ầm ĩ suốt nhiều năm qua.

Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) cho rằng, quá trình cổ phần hóa DNNN đã xuất hiện một số hạn chế cần phải khắc phục nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước qua cổ phần hóa.

Do việc định giá giá trị doanh nghiệp thấp hơn giá trị thực tế, nhiều giá trị tài sản vô hình như thương hiệu doanh nghiệp, lợi thế thị trường, lợi thế độc quyền, giá trị đất đai ở một số vị trí đắc địa không được đánh giá đúng, nhiều doanh nghiệp bị bán với giá bèo bọt.

"Có một thực trạng, tài sản nhà nước mua vào thì luôn bị đánh giá cao lên, còn tài sản nhà nước bán ra luôn có xu hướng bị định giá thấp đi, thực tế này diễn ra không phải ít trong thời gian qua", đại biểu Lịch nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, vị đại biểu đoàn Bắc Giang đánh giá, thực tế những doanh nghiệp cổ phần hóa mà nhà nước giữ chi phối thì phương thức quản lý, huy động dù có thay đổi nhưng hiệu quả tăng lên cũng chưa nhiều, bản chất quản lý chưa đầy đủ, nhân sự, bộ máy vẫn do ông chủ một số cơ quan nhà nước nào đó quyết định.

"Những doanh nghiệp mà nhà nước không còn giữ vốn chi phối thì phần vốn nhà nước còn lại trong doanh nghiệp này thường bị một vài cổ đông lợi dụng để duy trì quyền lực lãnh đạo trong doanh nghiệp mà không phải bỏ vốn của cá nhân mình chi phối. Đây là vấn đề thực tiễn cần tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn cách thức quản lý, quản trị sao cho hiệu quả", đại biểu Lịch nói.

Chung quan điểm, đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hoá) khẳng định việc xác định giá doanh nghiệp trong cổ phần theo phương pháp định giá bằng tài sản có nhiều nguyên nhân phản ánh giá trị doanh nghiệp không đúng, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước.

Kết quả kiểm toán năm 2016 của kiểm toán nhà nước về định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi cổ phần hóa của 7 doanh nghiệp đã xác định vốn nhà nước tăng thêm 20.818 tỷ đồng đã minh chứng cho kẽ hở trong định giá doanh nghiệp thời gian vừa qua.

"Việc thiếu công khai minh bạch thông tin doanh nghiệp trong công bố 9 báo cáo định kỳ của doanh nghiệp nhà nước cũng là lực cản trong cổ phần hóa. Việc công khai minh bạch thông tin về doanh nghiệp là rất quan trọng nhằm hỗ trợ việc giám sát việc thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước, thu hút các nhà đầu tư trong cổ phần hóa.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu năm 2017 có 241 doanh nghiệp đã công bố thông tin theo Nghị định 81 năm 2015 chiếm 38,8% DNNN phải công khai, minh bạch thông tin.

Tuy nhiên, bình quân chỉ công bố 4 nội dung phải báo cáo của mỗi doanh nghiệp. Việc thiếu công khai, minh bạch là môi trường thuận lợi nảy sinh các hiện tượng tiêu cực như đầu cơ, thao túng giá giao dịch chứng khoán và thôn tính doanh nghiệp bất hợp pháp".

Phạm Thành
Bình luận
vtcnews.vn