Chuyên gia luật: 'Chưa ai gây oan sai phải mất một xu nào cả'

Thời sựThứ Bảy, 25/11/2017 07:26:00 +07:00

Chuyên gia luật cho rằng, Luật Bồi thường nhà nước có quy định những người gây ra oan sai phải tự bỏ tiền túi ra để bồi thường cho nhà nước, nhưng trên thực tế đến nay chưa có ai mất một xu nào cả.

Trả lời phỏng vấn VTC News, TS Đinh Thế Hưng – Trưởng phòng Pháp luật Hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật (VASS) cho biết, Luật Bồi thường nhà nước có quy định rõ đối tượng chịu trách nhiệm bồi thường khi án oan xảy ra nhưng thực tế rất khó quy trách nhiệm bồi thường cho từng cá nhân cụ thể.

- Thưa ông, tại sao trong vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén lại không thể quy trách nhiệm cho từng cá nhân cụ thể đã mắc sai phạm trong quá trình điều tra, tố tụng, xét xử, cụ thể buộc họ phải dùng tiền để bồi thường mà lại là nhà nước bồi thường? Điều này có vô lý quá chăng?

Vấn đề bồi thường nhà nước đã quy định rất rõ trong Luật Bồi thường nhà nước rồi. Trong luật này cũng có quy định những người gây ra oan sai phải tự bỏ tiền túi ra để bồi thường cho nhà nước. Nhưng trên thực tế như tôi biết, thì đến nay chưa có ai mất một xu nào cả. Về mặt nguyên tắc, vẫn là nhà nước bồi thường cho những nạn nhân bị oan sai như vụ ông Huỳnh Văn Nén.

Không riêng ở Việt Nam, mà trên thế giới cũng có nhiều nước gặp phải vấn đề này, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có quy định rất khác nhau.

Một số nước thì lập một quỹ riêng, và nếu xảy ra oan sai trong các vụ án thì nhà nước lấy quỹ này ra bồi thường cho người bị oan. Một số nước khác thì lại lấy trực tiếp từ ngân sách trung ương hoặc địa phương để bồi thường.

tshung

TS Đinh Thế Hưng: 'Chưa ai gây oan sai phải mất một xu nào cả'

Một điểm chung là rất hiếm, gần như không có nước nào bắt thẩm phán phải trực tiếp bỏ tiền túi ra để bồi thường cả. Tất nhiên, khi để xảy ra sai phạm, xảy ra án oan thì thẩm phán, điều tra viên và các bên liên quan đều bị xử lý. Mức nặng thường là sa thải, thậm chí khởi tố.

Để giải thích điều này, tôi cho rằng có rất nhiều nguyên nhân. Đó là luật pháp thì phải căn cứ trên tính thực tế. Thẩm phán là người thực thi công vụ, người của nhà nước, nghĩa là họ đại diện cho nhà nước. Nên khi họ thực thi sai thì nhà nước phải chịu và có trách nhiệm bồi thường. Còn về phương diện cá nhân, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước nhà nước.

- Ông vừa nói đến thẩm phán nếu xử sai thì phải chịu trách nhiệm trước nhà nước, vậy trách nhiệm cụ thể ở đây là gì, ví dụ như trách nhiệm phải hoàn trả lại tiền cho nhà nước vì đã dùng cho việc bồi thường những người bị oan?

Theo tôi, vấn đề này được xem là rủi ro nghề nghiệp trong hoạt động công vụ, nên nhà nước chịu trách nhiệm là chính. Nếu bắt buộc thẩm phán, tòa án phải chi trả thì rất khó thực hiện được.

Nghề nghiệp nào cũng có những rủi ro, có nghề nghiệp thì được bảo hiểm, có nghề nghiệp thì không. Thẩm phán cũng là một nghề nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, mà tôi tin chắc rằng cũng chẳng thẩm phán nào muốn án oan xảy ra để mình bị kỷ luật cả.

Còn trách nhiệm thẩm phán phải tự bỏ tiền túi ra để bồi thường hoặc trả lại tiền bồi thường cho nhà nước thì càng khó thực hiện, vì nếu quy định thế thì chẳng ai dám làm thẩm phán nữa. Tôi cũng nhắc lại là trên thế giới không có nước nào có quy định thẩm phán tự bỏ tiền túi ra để bồi thường, vì họ coi đây là rủi ro nghề nghiệp, nhà nước sẽ chịu trách nhiệm.

- Có ý kiến cho rằng nếu thẩm phán và những cá nhân liên quan để xảy ra án oan nếu không có khả năng tài chính để bồi thường thì con cháu, người thân của họ sẽ phải có trách nhiệm trả khoản tiền này, quan điểm của ông thế nào?

Trên thế giới cũng không có nước nào thực thi chính sách này cả. Vì đây là rủi ro nghề nghiệp, nhà nước phải chịu thôi. Thêm vào đó, yếu tố cơ bản nhất để xây dựng pháp luật là cần có tính nhân văn, hướng đến nhân văn.

Không thể có quy định pháp luật nào mà bắt cả ba đời đi trả bồi thường cả. Mà quy định như thế cũng không đúng, vì xâm phạm đến quyền và lợi ích của công dân khác. Ai sai phạm thì người đó chịu, không thể có quy định ông cha làm thì con cháu phải chịu thay được.

Tôi cho rằng nhà nước nên có một quỹ dành cho bồi thường các vụ án oan, giả sử có xảy ra. Vì như tôi đã nói ở trên, là rất nhiều nước họ có quỹ này. Còn quỹ này lấy tiền ở đâu? Theo tôi nên lấy tiền từ tham nhũng làm quỹ để bồi thường án oan như vụ ông Nén chẳng hạn.

- Dư luận cho rằng nếu không có sự giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm thì những vụ án oan như của ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long... sẽ còn xảy ra, phải chăng luật pháp của ta hiện nay đang có sự “nương tay” với thẩm phán, điều tra viên?

Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn và thực trạng “ép cung” đã khiến xã hội bức xúc và tốn nhiều giấy mực của báo chí. Vụ ông Huỳnh Văn Nén và ông Hàn Đức Long cũng vậy. Như vậy, chúng ta cần phải nhìn sâu hơn vào bản chất vấn đề. Mấu chốt ở đây không phải là bồi thường hay ai sẽ bồi thường, bởi bồi thường là giải pháp cực chẳng đã, là khi án oan đã xảy ra rồi.

Vậy sao không đặt câu hỏi cần phải làm thế nào để những án oan trên không bao giờ xảy ra hoặc nếu có thì cũng là ở mức thấp nhất như là chuyện hi hữu, để không ai bị đi tù oan và cũng không có thẩm phán, điều tra viên nào mắc những sai lầm như vừa qua?

dinhthehung

 

Những vụ án oan trên xảy ra vì đã thực hiện khi trong đầu thẩm phán, điều tra viên đã có những định kiến mà không có nguyên tắc suy đoán hình sự nên dẫn đến đưa ra bản án oan sai.

TS Đinh Thế Hưng

Tôi cho rằng trong quy trình tố tụng hình sự của ta hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện hơn. Bởi tố tụng hình sự là một quá trình chứng minh tội phạm và người phạm tội.

Nhưng hơn cả quá trình chứng minh thông thường, việc chứng minh trong tố tụng hình sự bị ràng buộc bởi nguyên tắc phải bảo vệ được quyền của người bị tình nghi. Trong tố tụng hình sự không thể dùng mọi biện pháp để chứng minh tội phạm.

Theo tôi, trong tố tụng hình sự hiện nay cần phải áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, vốn dĩ được ví như là nguyên tắc “vàng” trong tố tụng hình sự đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Khi có sự suy đoán về dấu hiệu tội phạm, các cơ quan tiến hành tố tụng phải đặt giả thiết, có thể có hoặc không có tội phạm và người phạm tội. “Có thể” chứ không phải là “chắc chắn” phạm tội hay vô tội.

Bởi vì ngay cả khi một nhân viên điều tra hay thẩm phán trực tiếp chứng kiến sự việc phạm tội đi chăng nữa, thì vẫn không thể vì thế mà không bắt đầu quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự bằng sự suy đoán.

Nhận thức của nhân viên điều tra hoặc thẩm phán trên là nhận thức của cá nhân anh ta về vụ án chứ không phải nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng và của người tiến hành tố tụng.

Ngoài ra, nếu cá nhân điều tra viên, thẩm phán trực tiếp chứng kiến vụ việc thì địa vị pháp lý của anh ta trong vụ án phải là người làm chứng chứ không phải là người tiến hành tố tụng.

Nên có thể khẳng định nhận thức trong tố tụng hình sự trước hết phải bắt đầu bằng sự suy đoán, đó là suy đoán có tội và suy đoán vô tội chứ không phải là những định kiến có sẵn là có tội hay vô tội.

Một điều nhận thấy là những vụ án oan trên xảy ra vì đã thực hiện khi trong đầu thẩm phán, điều tra viên đã có những định kiến mà không có nguyên tắc suy đoán hình sự nên dẫn đến đưa ra bản án oan sai.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Video: Người tù "thế kỷ" Huỳnh Văn Nén được bồi thường 4,2 tỷ đồng

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn