Chiến sĩ biệt động kể lần đón giao thừa trước cuộc tấn công Mậu Thân 1968

Thời sựThứ Sáu, 16/02/2018 16:13:00 +07:00

Trước khi bước vào trận đánh sinh tử cách đây 50 năm, các chiến sỹ đội 5 biệt động vẫn không quên ngồi với nhau để chia sẻ bữa ăn thân mật cuối năm theo đúng truyền thống dân tộc.

Cách đây đúng 50 năm, vào chiều 28 Tết, ngay sau khi được về phép để thăm người yêu và gia đình trước khi bước vào trận đánh sinh tử, ông Bảy Hôn (Phan Văn Hôn), chiến sỹ thuộc biên chế đội 5 biệt động lên đường trở về đơn vị.

Ngày 28 Tết Mậu Thân 1968, ông đến huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) để tập trung với đồng đội. Khi chuẩn bị giao thừa, đơn vị ông mua một con gà trống thiến để liên hoan.

Buổi liên hoan diễn ra vui vẻ, ấm cúng với sự tham gia của một số chỉ huy đứng đầu lực lượng biệt động. Lời động viên, chia sẻ của chỉ huy như tiếp thêm sức mạnh cho những người lính trẻ.

Ông Bảy Hôn kể: “Sau buổi liên hoan, chỉ huy đội tập trung anh em lại rồi ra một thông báo quan trọng là anh em gom hết đồ, lại đem cho những thanh niên ở đây, những gia đình khó khăn, chỉ chừa lại một bộ đồ sạch sẽ để mặc, mai đi Sài Gòn.

bay hon

 Ông Bảy Hôn hồi tưởng lại câu chuyện sau 50 năm.

Nếu ai có hỏi anh em cứ nói giờ lên chính quy rồi, không mặc đồ này nữa, giấy tờ tùy thân thì để lại dưới hầm”.

Bảy Hôn cùng đồng đội chấp hành mệnh lệnh của thủ trưởng mà không một thời thắc mắc, vì ai cũng hạ quyết tâm quyết tử cho tổ quốc. Ngay sau giao thừa, đội 5 được lệnh chuyển quân.

Sáng mùng 1 Tết, Chín Nghĩa (nữ Thiếu tá Vũ Minh Nghĩa) theo lệnh, tiến hành đưa toàn bộ chiến sỹ đội 5 về nội thành. Nhắc về sự kiện này, nữ biệt động duy nhất từng đánh vào Dinh Độc Lập vẫn nhớ từng chi tiết.

Bà Nghĩa kể: “Lúc đó những anh biết đường thì tự đi về Sài Gòn, đi bằng phương tiện gì thì đi. Còn 4 anh từ bộ đội chuyển về đội sau nên không biết đường, tôi có nhiệm vụ đưa các anh về Sài Gòn.

Video: Nữ chiến sỹ biệt động kể về lần đón Tết trước khi tấn công Dinh Độc Lập

Đi vất vả lắm, đâu có xe đò hay xe khách gì đâu mà bắt, mùng 1 Tết nên họ không chạy, chúng tôi phải xin quá giang. Mà họ đi được đến Hóc Môn thì dừng, không có xe nữa.

Tôi đưa các anh về nhà anh Nguyễn Luân ở Hóc Môn, còn tôi đi về Sài Gòn báo cáo thủ trưởng đưa xe xuống đón các anh lên”.

Về đến Sài Gòn, toàn đội tập trung về hầm vũ khí ở nhà ông Năm Lai (anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai). Tại đây, gia đình ông Năm Lai dọn bánh mứt cho toàn đội ăn uống, liên hoan.

Không khí vui vẻ đó kéo dài đến 12h đêm, lúc này đồng chí Ba Thanh (Tô Hoài Thanh) mới thông báo đội 5 sẽ nhận nhiệm vụ đánh vào Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của địch.

“Trước đó, toàn đội vẫn đinh ninh sẽ đánh vào căn cứ của ban chỉ huy quân sự quận 5, cho đến khi anh Ba phổ biến, ai cũng ngỡ ngàng”, bà Nghĩa chia sẻ.

Thế rồi tâm lý hoang mang ngay lập tức được thay bằng sự hào hứng, ai cũng mong muốn được đánh ngay.

“Lúc đó gương mặt ai cũng hào hứng hết. Chúng tôi đều tự nhủ sẽ đánh hết sức, dù hi sinh cũng đánh vì đâu phải ai cũng có cơ hội được đánh vào Dinh Độc Lập”, ông Bảy Hôn nhớ lại.

Nhưng đó cũng là lần đón Tết cuối cùng của 8 trong số 15 chiến sỹ đội 5. Họ đã vĩnh viễn nằm lại dưới làn đạn của quân địch, chưa kịp nhìn thấy địa điểm mà họ được lệnh tấn công bị vô hiệu hóa vào 8 năm sau.

27708165_2029596897253806_1418962483_o-8-1142237

 Căn hầm nơi các chiến sỹ biệt động tổ chức đón Tết trước  khi xuất trận.

Theo kế hoạch, 2h sáng mùng 2 Tết, toàn đội sẽ bắt đầu hành quân trên 3 xe tiến về Dinh Độc Lập. Nhưng giờ xuất phát được đẩy sớm hơn 15 phút vì sợ kế hoạch bị bại lộ.

“Lúc đó có 1 cảnh sát ngụy đứng trên lầu nhìn xuống nhà ông Năm Lai, thấy 3 xe với người ra vào hoài sinh nghi. Sợ bị lộ nên anh Ba Thanh họp đơn vị phải hành quân trước, vì nếu bị lộ thì phải nổ súng tại đây, như vậy là không hoàn thành được nhiệm vụ.

Bắt đầu xuất quân, toàn đội được lệnh: Bị lộ ở đâu, nổ súng tại đó. Chúng tôi đến địa điểm tấn công sớm hơn nên nổ súng sớm, sau khoảng 15 phút mới bắt đầu nghe các nơi khác nổ súng", bà Nghĩa kể.

Kế hoạch không thành công, quân ta không đến tiếp viện, chỉ huy Ba Thanh và 7 chiến sỹ khác hy sinh. Bà Chín Nghĩa, ông Bảy Hôn cùng những đồng đội còn lại bị thương nặng, bị địch bắt sống vào khoảng 8h sáng ngày mùng 3 Tết.

27798291_218231468726100_6728542897292218095_o 3

 Bà Vũ Minh Nghĩa, nữ biệt động duy nhất đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Bà Chín Nghĩa nhớ lại: “Chúng tôi đã cầm cự được hơn 1 ngày sau nhiều lần địch liên tiếp tấn công vào nơi ẩn nấp của anh em. Riêng trong ngày mùng 2, chúng tấn công 4 đợt, cả 4 đều bị chúng tôi đẩy lùi. Qua ngày hôm sau vì hết vũ khí, anh em ai cũng bị thương nặng nên phải rút vào một nhà dân.

Khi chúng tôi đang định nhờ người dân che chở cho anh Hai Thanh ra ngoài để đi tìm tiếp viện thì chúng lùng sục vào, bắt sống tất cả”.

Đối với những chiến sỹ biệt động còn sống như bà Chín Nghĩa, ông Bảy Hôn, có lẽ đó lần đón Tết cách đây 50 sẽ là ký ức mãi không bao giờ quên được. Cái ngày mà đồng đội chỉ vừa đón giao thừa, ăn tất niên vui vẻ với nhau, nhưng chỉ mấy tiếng sau thì người mất, người còn.

Sự hi sinh của các chiến sỹ biệt động đã tổ điểm thêm vào chiến công hào hùng của dân tộc, góp phần to lớn vào thắng lợi của toàn quân, toàn dân vào mùa xuân năm 1975.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn