Bộ trưởng Công an: Đã xử lý một số đối tượng xúc phạm nhân phẩm người khác trên không gian mạng

Thời sựThứ Năm, 01/11/2018 08:57:00 +07:00

Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông và các cơ quan chức năng, xử lý một số vụ việc, đối tượng xúc phạm nhân phẩm, cá nhân trên không gian mạng.

Tại phiên họp Quốc hội hôm nay, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương xung quanh việc xử lý cá nhân xúc phạm nhân phẩm, cá nhân trên không gian mạng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định, đơn vị đã phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông và các cơ quan chức năng, xử lý một số vụ việc, đối tượng.

Tuy nhiên, Bộ Công an thừa nhận chưa ngăn chặn hết được vấn đề nghiêm trọng này do tính nặc danh của thông tin trên mạng, vi phạm không chỉ ở trong nước mà quốc tế. Một số quy định trong hệ thống pháp luật về xử lý những thông tin này chưa hoàn thiện, ví dụ như vấn đề giám định, những thông tin vu khống, xuyên tạc cũng cần có cơ quan chức năng xác định, hay chứng cứ số…

to-lam

 Bộ trưởng Công an Tô Lâm phát biểu tại Quốc hội.

Từ đây, Bộ trưởng Tô Lâm đưa ra 4 giải pháp cụ thể: "Chúng tôi tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong đấu tranh xử lý với các hành vi tuyên truyền, xúc phạm danh dự của người khác, làm nhục, vu khống trên không gian mạng.

Vấn đề này Luật An ninh mạng đã được thông qua. Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật trên không gian mạng.

Thứ hai, phối hợp các các bộ, ngành tuyên truyền phản bác các hoạt động chống đối, bôi nhọ, xuyên tạc trên không gian mạng. 

Thứ ba, thực hiện quản lý nhà nước trên lĩnh vực đảm bảo an toàn thông tin mạng. Phối hợp với Bộ TT&TT, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin mạng ngăn chặn xử lý 3.000 trang mạng có nội dung xấu. Thanh tra xử lý vi phạm pháp luật trong đăng tải, cung cấp thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài chấp hành pháp luật Việt Nam trong xử lý những thông tin độc hại.

Thứ tư, thu thập thông tin các đối tượng có các hoạt động tuyền truyền chống phá nhà nước, xúc phạm, xuyên tạc, vu khống người khác trên không gian mạng để có hình thức đấu tranh, xử lý kịp thời".

Hôm qua, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu quan điểm về vấn đề này: "Cái khó là chúng ta có những mạng xã hội xuyên biên giới. Chúng ta phải mạnh tay về việc yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam, đặc biệt là yêu cầu gỡ bỏ thông tin. EU làm rồi, một số nước ASEAN làm rồi. Quan trọng nhất là chúng ta cương quyết thượng tôn pháp luật, đồng thời có chế tài xử lý người đưa thông tin sai trên mạng.

Mạng xã hội không còn ảo nữa mà là thật rồi, không nên bỏ trống trận địa này. Người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn trên không gian mạng. Cái tốt lớn lên, cái xấu sẽ giảm đi. Đồng thời, phải truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân, không thể cái gì ta xem cũng tin ngay".

Nhạc Dương
Bình luận
vtcnews.vn