World Cup 1986: 'Trò bịp' của FIFA khiến người Mỹ ôm hận

World Cup 2018Thứ Hai, 11/06/2018 06:58:00 +07:00

Người Mỹ tin rằng World Cup 1986 lẽ ra phải được tổ chức ở xứ cờ hoa, nếu FIFA không trắng trợn thiên vị Mexico khi lựa chọn quốc gia đăng cai.

Mỹ từng đăng cai World Cup vào năm 1994, một giải đấu được đánh giá là thành công về công tác tổ chức và tạo cú hích cho sự phát triển của nền bóng đá nước chủ nhà. Tuy nhiên người Mỹ vẫn tin rằng ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh lẽ ra phải được đưa đến xứ cờ hoa từ trước đó 8 năm, thay vì nước láng giềng chung biên giới là Mexico.

Mexico thật ra cũng không phải là lựa chọn đầu tiên của FIFA cho việc đăng cai World Cup 1986. Vinh dự này vốn được trao cho Colombia từ năm 1972 và tính đến tháng 10/1982, đất nước Nam Mỹ vẫn là chủ nhà của giải vô địch thế giới lần thứ 13.

mexico 1986 3

 World Cup 1986 được tổ chức ở Mexico. Argentina với Maradona là những nhà vô địch.

Colombia bắt tay vào chuẩn bị cho lần đầu tiên đăng cai World Cup từ năm 1974. Tuy nhiên năng lực tổ chức của nước này sớm bị đặt dấu hỏi bởi sự bất ổn về cả chính trị, kinh tế và xã hội. 

Chính phủ của Tổng thống Belisario Betancur phải dồn toàn bộ nguồn lực vào cuộc chiến với các băng đảng buôn ma túy, trong đó có băng Medellin Cartel của ông trùm khét tiếng Pablo Escobar. Chính trường Colombia khi đó cũng đang biến động dữ đội với phong trào vũ trang M-19 chống chính quyền.

Trong hoàn cảnh đó, việc FIFA mở rộng quy mô World Cup lên thành 24 đội càng khiến giải đấu trở thành một "cục nợ" với Colombia. Hầu hết các hạng mục trong kế hoạch đầu tư cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh như các sân vận động, khách sạn, hệ thống đường giao thông... không được thực hiện, hoặc dang dở. Ngày 2/11/1982, Colombia chính thức từ bỏ quyền đăng cai World Cup 1986.

“Tôi xin thông báo đến toàn thể đồng bào rằng giải bóng đá vô địch thế giới năm 1986 sẽ không được tổ chức ở Colombia. Chúng ta có quá nhiều việc phải làm và không còn thời gian để phung phí cho FIFA và các thành viên của họ”, Tổng thống Betancur tuyên bố.

Sự từ bỏ của Colombia không phải là điều bất ngờ. Mỹ, Canada và Brazil nhanh chóng ứng cử làm nước chủ nhà thay thế. Brazil sau đó rút lui, Mexico nhảy vào khiến cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 1986 trở thành cuộc đấu nội bộ của Bắc Mỹ.

 
Tập tài liệu đó giống như một trò đùa vậy.

George Schwartz, trưởng phái đoàn Canada nói về hồ sơ của Mexico.

Người Mỹ thể hiện sự hứng thú nhiều nhất và rất tự tin vào khả năng chiến thắng. Họ nhận được ủng hộ của hai huyền thoại bóng đá thế giới là Pele và Franz Beckenbauer. Người đứng đầu chiến dịch đưa World Cup về xứ cờ hoa là Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ thời Tổng thống Richard Nixon, một trong những nhà ngoại giao danh tiếng nhất.

Mỹ hoàn toàn vượt trội nếu so với hai đối thủ cạnh tranh về năng lực tài chính và điều kiện cơ sở vật chất. Ví dụ, yêu cầu tối thiểu của FIFA đối với nước chủ nhà World Cup là phải có ít nhất 14 sân vận động với sức chứa từ 4 vạn người trở lên. Mỹ thừa khả năng đáp ứng điều kiện này, trong khi Mexico chỉ có 6 sân đạt chuẩn còn Canada giống như chỉ đăng ký cho... vui. 

Ngày 20/5/1983, phái đoàn của Mỹ đến Stockholm với hồ sơ dày hơn 100 trang, được ví như "trang bị đến tận răng". Người Canada cũng mang theo bản kế hoạch 90 trang. Còn Mexico thì sao? "Tập tài liệu đó giống như một trò đùa vậy", George Schwartz, trưởng phái đoàn Canada nói về kế hoạch đăng cai dày... 10 trang kèm theo phần trình bày kéo dài vỏn vẹn một phút của Mexico.

Nhưng kẻ được nở nụ cười cuối cùng lại chính là Mexico. Toàn bộ các thành viên của Hội đồng điều hành FIFA đều bỏ phiếu cho Mexico. Một kết quả khó tin! Tạp chí World Soccer gọi kết quả bỏ phiếu này là một "trò bịp".

FIFA giải thích lý do không chọn Mỹ là bởi kế hoạch đăng cai World Cup của họ không nhận được đủ sự hậu thuẫn của chính phủ. Nhưng người Mỹ đương nhiên không chấp nhận lời biện minh đó. "FIFA khiến tôi nhớ về tình hình chính trị ở Trung Đông", ông Kissinger ám chỉ sự mập mờ phía sau quyết định được cho là thiên vị trắng trợn của FIFA.

kissinger 4

 Ông Henry Kissinger từng phụ trách chiến dịch chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 1986.

Một số nguyên nhân khác được chỉ ra, ví dụ như việc Chủ tịch FIFA Joao Havelange không ưa người Mỹ vì không chịu áp dụng luật việt vị và đá luân lưu. Bên cạnh đó, căng thẳng chính trị giữa Mỹ và các nước Mỹ Latin, dẫn đến việc một số đội tuyển Nam Mỹ dọa bỏ giải cũng được cho là có ảnh hưởng tới lựa chọn của FIFA.

Nhưng "thuyết âm mưu" được nhắc tới nhiều nhất có liên quan đến chuyện tiền bạc. Những nghi ngờ hướng về cái tên Guillermo Caneda, Phó Chủ tịch FIFA, cánh tay đắc lực của Havelange đồng thời là một "sếp lớn" của Televisa, công ty truyền thông lớn nhất Mexico và cũng là đơn vị phân phối bản quyền truyền hình World Cup 1986.

Chiến lược của Televisa, dưới sự điều hành của Caneda đảm bảo rằng FIFA có thể thu về một khoản tiền không hề nhỏ. Công ty này bày ra kế hoạch bán bản quyền truyền hình giải đấu cho các nước châu Âu và cũng vì chiều lòng các khách hàng phía bên kia Đại Tây Dương, nhiều trận đấu ở World Cup 1986 diễn ra vào khung giờ giữa trưa.

Lựa chọn của FIFA hóa ra lại chỉ là một quyết định đơn giản về tiền bạc, thậm chí đã được xác định ngay từ khi Colombia từ bỏ quyền đăng cai. Điều này được tiết lộ bởi Claudia Fernandez và Andrew Paxmar, những người chắp bút cho tự truyện của Emelio Azcarraga, ông chủ Televisa có mối quan hệ mật thiết với Havelange và Caneda.

Theo đó, hai nhân vật quyền lực nhất của FIFA đã bay đến Mexico gặp riêng Azcarraga chỉ vài ngày sau tuyên bố của Tổng thống Colombia Betancur. Giả thuyết về sự sắp đặt càng trở nên có lý hơn khi FIFA quên luôn cả việc ghé thăm hai nước ứng viên còn lại.

Mexico nhận quyền đăng cai World Cup 1986 trong sự mập mờ như vậy. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng nước này đã tổ chức một giải đấu tương đối thành công với nhiều chi tiết thú vị. Nếu nói về những tranh cãi của kỳ World Cup lần thứ 15 trong lịch sử, người hâm mộ ngày nay có lẽ sẽ nhắc đến "Bàn tay của Chúa" nhiều hơn là chiếc vé bị "cướp" của người Mỹ.

Ngân Hà
Bình luận
vtcnews.vn