WHO đạt thỏa thuận 2 tỷ liều vaccine COVID-19 cung cấp cho toàn thế giới

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 19/12/2020 12:12:31 +07:00
(VTC News) -

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, sáng kiên COVAX đã tiếp cận được gần 2 tỷ liều vaccine COVID-19 của một số ứng cử viên “có triển vọng”.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, sáng kiến COVAX - nhằm cung cấp vaccine COVID-19 cho tất cả các quốc gia có nhu cầu, đã đạt được thỏa thuận với gần 2 tỷ liều vaccine của các ứng viên “đầy hứa hẹn”.

Theo người đứng đầu WHO, các thỏa thuận mà WHO đạt được có nghĩa là khoảng 190 quốc gia và nền kinh tế tham gia vào sáng kiến ​​COVAX sẽ được tiếp cận với vaccine “trong nửa đầu năm tới”.

“Đây là tin tuyệt vời và là một cột mốc quan trọng cho sức khỏe toàn cầu”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói và cho biết WHO và các đối tác của mình trong COVAX đã “làm việc không ngừng để bắt đầu tiêm chủng vaccine vào đầu năm tới”, đồng thời nhấn mạnh vaccine sẽ bổ sung cho các giải pháp nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus.

WHO đạt thỏa thuận 2 tỷ liều vaccine COVID-19 cung cấp cho toàn thế giới - 1

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: AP)

Trong các ứng viên vaccine COVID-19 mà WHO tiếp cận, không có vaccine do Pfizer-BioNTech và Moderna phát triển, đã được phê duyệt ở Mỹ. Pfizer-BioNTech cũng đã được phê duyệt ở Canada và Anh và sắp được phê duyệt ở Liên minh châu Âu (EU).

Sáng kiến COVAX ​​do WHO dẫn đầu vẫn chưa nhận được cam kết chắc chắn và thời hạn từ các nước giàu để chia sẻ vaccine COVID-19 mà họ đã có sẵn cho tổ chức này.

Trong số khoảng 12 tỷ liều vaccine COVID-19 mà ngành công nghiệp dược phẩm dự kiến ​​sẽ sản xuất vào năm tới, khoảng 9 tỷ liều đã được các nước giàu dự trữ. Theo công ty phân tích khoa học Airfinity, Canada đang dẫn đầu với khoảng 10 liều dự trữ cho mỗi người Canada.

Chương trình COVAX do Liên hợp quốc hậu thuẫn cần thêm 6,8 tỷ USD để đảm bảo các hợp đồng vaccine và đảm bảo cung cấp các liều đã được phân bổ. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, việc đảm bảo tiêm chủng trên diện rộng là vì lợi ích tốt nhất của thế giới.

“Nếu chúng ta không diệt trừ căn bệnh này, thì loại virus có thể có đột biến. Và vaccine chỉ có hiệu lực tại một thời điểm nhất định và có thể không còn hiệu quả nếu mọi thứ thay đổi”, ông Antonio Guterres nói.

Trong số các đối tác mà WHO đạt được thỏa thuận cung cấp vaccine COVID-19 có các nhà sản xuất dược phẩm AstraZeneca của Anh  - Thụy Điển, Johnson & Johnson có trụ sở tại Mỹ và Viện Huyết thanh của Ấn Độ, trong khi đó các cuộc đàm phán với các công ty khác đang diễn ra.

“Chúng tôi đang thảo luận với Pfizer và Moderna. Chúng tôi hy vọng có thể đạt được thỏa thuận với họ. Nhưng chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng”, tiến sĩ Richard Hatchett, Giám đốc điều hành của CEPI - Liên hiệp đổi mới phòng chống dịch bệnh, cho biết.

Tiến sĩ Richard Hatchett thừa nhận, các thủ tục pháp lý của Mỹ, nhu cầu duy trì vaccine Moderna và Pfizer ở nhiệt độ dưới 0 và các vấn đề chi phí là "tất cả các vấn đề đang được thảo luận".

Kông Anh(Nguồn: AP)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp