WeFit: Từ tham vọng dẫn đầu đến phá sản cay đắng

Đầu TưThứ Hai, 11/05/2020 17:12:00 +07:00
(VTC News) -

Từng được kỳ vọng là nhân tố mới lạ, là startup nhiều hứa hẹn, song cuối cùng ứng dụng kết nối phòng gym và spa WeFit phá sản sau khi bị tố nợ tiền nhà cung cấp.

Từ mục tiêu dẫn đầu trong ngành fitness Việt Nam...

Sáng 11/5, Công ty công nghệ Onaclover – chủ sở hữu của ứng dụng WeFit sau được đổi tên thành WeWow - gửi email thông báo cho khách hàng về việc phá sản. Tuy từ lâu, công ty này đã dính "lùm xùm" nợ tiền nhà cung cấp xong thông tin phá sản vẫn gây nhiều bất ngờ cho dư luận. Bởi đây có lúc đã được coi là startup nhiều hứa hẹn.

Công ty cổ phần Công nghệ Onaclover được thành lập vào tháng 10/2016, bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2017. Địa chỉ trụ sở chính công ty tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội.

Ngành nghề kinh doanh chính của Onaclover là xuất bản phần mềm, cụ thể là sản xuất phần mềm. Bên cạnh đó, công ty đăng ký thêm 13 ngành nghề kinh doanh khác, bao gồm hoạt động tư vấn quản lý, lập trình máy vi tính, bán buôn tổng hợp hay đại lý, môi giới, đấu giá hàng hóa.

WeWow là ứng dụng trên điện thoại di động của công ty Cổ phần Công nghệ Onaclover, chính thức ra mắt từ tháng 7/2019, hoạt động như một nền tảng kết nối khách hàng với các phòng tập gym, phòng tập thể thao, spa làm đẹp theo cách thức như nhiều ứng dụng khác của nền kinh tế chia sẻ. Riêng WeFit chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2016.

Nền tảng này đã hợp tác với hơn 800 phòng tập và 500 spa tại Hà Nội và TP.HCM. Với ứng dụng WeWow (WeFit và WeJoy), khách hàng có thể trải nghiệm, tập luyện tất cả các môn thể thao như gym, võ thuật, khiêu vũ, yoga, zumba… và các dịch vụ làm đẹp như chăm sóc da mặt, tóc, móng… chỉ với một thẻ thành viên duy nhất. Hiểu đơn giản, WeFit giống như "Uber" trong lĩnh vực phòng tập

Tên tuổi của WeFit gắn liền với nhà sáng lập và cựu CEO Khôi Nguyễn – người từng lọt vào Top 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017 và Top 30 under 30 năm 2018 do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn. Khi thành lập WeFit, Nguyễn Khôi nuôi kỳ vọng trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành fitness Việt Nam. 

WeFit: Từ tham vọng dẫn đầu đến phá sản cay đắng - 1

Cựu CEO Khôi Nguyễn (Ảnh: WeFit)

Được xem là ứng dụng tiên phong trong việc đưa công nghệ vào lĩnh vực sức khỏe và thể hình, WeFit nhanh chóng "thăng hoa". Cuối năm 2016, công ty nằm trong top 3 cuộc thi startup tiềm năng do VTV tổ chức.

Chỉ sau hơn một năm hoạt động, WeFit đã đạt được mức tăng trưởng trung bình 40%/tháng, sở hữu khoảng 5.000 khách hàng sử dụng hàng tháng và 600 đối tác ở cả Hà Nội và TP.HCM, doanh thu năm 2017 đạt 700.000 USD. 

Năm 2017, WeFit được DealstreetAsia - tạp chí kinh tế uy tín châu Á – đánh giá là một trong những "startup đáng chú ý nhất năm".

Đầu năm 2019, Onaclover công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD từ CyberAgent Capital. Tháng 7/2019, vốn đăng ký của Onaclover tăng từ 1,66 tỷ đồng tăng lên 27,7 tỷ đồng. Trong đó, hơn 26 tỷ đồng là vốn đầu tư nước ngoài từ WeLife Holding PTE.LTD của Singapore, chiếm 94% cổ phần.

...đến "bê bối" nợ tiền, không có vốn và phá sản 

WeFit: Từ tham vọng dẫn đầu đến phá sản cay đắng - 2

WeFit từng được kỳ vọng là “kỳ lân” ứng dụng nền tảng kinh tế chia sẻ.

Đang phát triển mạnh mẽ thì đến cuối 2019, thông tin WeFit nợ nần bất ngờ rộ lên khi nhiều phòng tập, spa tố nợ đọng hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, khách hàng cũng phàn nàn cả tháng trời không xài được dịch vụ do các spa và phòng tập hủy liên kết. Nhiều người bức xúc, thông tin cho báo giới rằng số buổi tập của khách VIP trong 2 năm đã giảm từ "không giới hạn" siết dần xuống 25 buổi/tháng, và sau chỉ  còn 10 buổi/tháng/phòng tập.

Trong khi đang gặp khủng hoảng với mảng fitness năm 2019, bên cạnh lĩnh vực cốt lõi là kết nối phòng tập, WeFit mở thêm một loạt mảng mới như kết nối bể bơi, spa, ra mắt thương hiệu Wejoy và đổi tên startup thành WeWow.

Sự ra mắt thương hiệu Wejoy đã làm náo động thị trường beauty một thời gian, với lượng spa, salon liên kết với WeFit lên tới 500. Tuy nhiên, lĩnh vực beauty khác hoàn toàn với lĩnh vực fitness, với việc quản lý chất lượng sản phẩm khó khăn hơn nhiều.

Đầu tháng 2 năm nay, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hải Đăng thay nhà sáng lập Khôi Nguyễn đảm nhận vị trí CEO. Tuy nhiên, không lâu sau, WeFit tiếp tục khiến nhiều khách hàng bức xúc khi bất ngờ thay đổi chính sách sử dụng từ ngày 17/3. 

Trong thư xin lỗi khách hàng hồi tháng 3, CEO Nguyễn Hải Đăng thừa nhận bài toán kinh doanh với mô hình WeFit theo đuổi không hề dễ dàng. Khách hàng trả trước cho WeFit một khoản tiền cố định và startup này sẽ trả tiền cho các phòng tập đối tác trên mỗi lượt khách hàng sử dụng. Khách hàng đi tập càng nhiều, chi phí công ty phải bỏ ra càng lớn. Một startup nền tảng cần cân đối giữa khách hàng (end users) và doanh nghiệp bán hàng (merchants). Nhưng WeFit lại gặp khủng hoảng với cả 2 đối tượng này. 

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng có sự tác động không nhỏ đến sự phá sản của công ty này.  Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đại dịch đang xảy ra chỉ là cái cớ, thực chất công ty này vận hành không hiệu quả.

LAN HƯƠNG
Bình luận
vtcnews.vn