‘Vương quốc phụ nữ’: Nơi phụ nữ thoải mái cặp kè với nhiều nam giới

Phóng sựThứ Ba, 19/04/2016 06:47:00 +07:00

Phụ nữ là người quyết định các vấn đề trọng đại, họ kiểm soát tài chính trong gia đình và là người hợp pháp sở hữu đất đai, nhà ở.

Đây là bộ tộc mang đặc điểm văn hóa hiếm thấy trên thế giới. Sống không hôn nhân, nhưng gia đình mẫu hệ ở đây rất hòa thuận, đầm ấm cũng chẳng có chuyện ly hôn, ly thân...


Vương quốc nữ nhi không tin vào gia đình một vợ (chồng)

Mosuo là dân tộc thiểu số sống theo chế độ mẫu hệ duy nhất còn sót lại ở Trung Quốc, hiện nay gồm khoảng hơn 40.000 người. Người dân ở đây theo Phật giáo Tây Tạng. Với người Mosuo, phụ nữ là người quyết định các vấn đề trọng đại, họ kiểm soát tài chính trong gia đình và là người hợp pháp sở hữu đất đai, nhà ở cũng như có toàn quyền trong việc nuôi, dạy con trẻ.

Trong mỗi một gia đình lớn thường có một "nữ tướng" chỉ huy mọi người. Khi người phụ nữ này muốn "truyền ngôi" cho người khác trong nhà, họ sẽ trao cho cô gái chiếc chìa khóa của nhà kho - nơi chứa lương thực và các nhu yếu phẩm, cũng như thông báo cho mọi người về việc "chuyển giao quyền lực" này. Bộ tộc người Mosuo hoàn toàn khác biệt bởi lẽ họ không tin vào kiểu mẫu gia đình truyền thống với một vợ, một chồng cùng chăm sóc, nuôi dạy các con. Thay vào đó, phụ nữ của bộ tộc Mosuo có quyền ngủ với bất cứ người đàn ông nào họ muốn.

Được biết đến với cái tên "Vương quốc của phụ nữ", bộ tộc này hiện sống quanh hồ Lugu (Lô Cô), thành phố Lệ Giang, nơi giáp ranh giữa tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên, biên giới với Tây Tạng. Họ đã sinh sống tại đây và gìn giữ truyền thống bản địa trong suốt hơn 2.000 năm qua.

Theo một số tài liệu lịch sử, cuộc sống trong cộng đồng Mosuo đã tương đối ổn định trong hàng trăm năm. Bắt đầu từ thời nhà Nguyên cai trị Trung Quốc, từ năm 1271 đến 1368, tộc người Mosuo được quản lý bởi một hệ thống thủ lĩnh bản địa cùng một cơ chế phân cấp xã hội cứng nhắc. Dù sống cùng với các dân tộc thực hành hôn nhân thông thường khác, hầu như tất cả người Mosuo vẫn duy trì tập quán tiesese (phụ nữ là chủ gia đình và không kết hôn).

Phụ nữ Mosuo được phép có nhiều bạn tình cùng một lúc và có thể chia tay bất cứ khi nào họ muốn.
Phụ nữ Mosuo được phép có nhiều bạn tình cùng một lúc và có thể chia tay bất cứ khi nào họ muốn. 

Ở độ tuổi 13, các bé gái dậy thì sẽ trở thành phụ nữ và được phép ở phòng riêng tại nhà mẹ đẻ. Các em thậm chí còn có thể mời bất cứ chàng trai nào mình thích tới nhà và thẳng thừng từ chối những người không lọt vào "mắt xanh".

Mỗi khi có sự kiện giao lưu, người Mosuo sẽ cùng nhau nhảy nhiều điệu nhảy truyền thống, các cô gái sau đó sẽ chọn ra một chàng trai để kết bạn một đêm (cũng có thể là một năm hoặc cả đời). Nếu như chàng trai có cảm tình với cô gái trước, anh ta sẽ chạm vào tay cô để mời nhảy cùng. Nếu cô gái cũng có tình cảm, cô sẽ chấp nhận lời mời bằng cách chạm lại vào tay chàng trai. Nữ giới người Mosuo có quyền ngủ với nhiều đàn ông trong một khoảng thời gian và thay đổi người tình cho đến khi nào họ cảm thấy chán.

Người Mosuo không có tục cưới gả mà vẫn duy trì phong tục "tẩu hôn", tức là nam thanh niên đêm đêm sẽ cưỡi ngựa sang nhà cô gái ưng ý, leo lên chiếc thang mà cô gái bắc sẵn để vào căn gác của cô.

Họ sẽ ở bên nhau suốt đêm nhưng người con trai phải lặng lẽ về nhà trước khi gà gáy sáng. Khi đến nhà cô gái, các chàng trai thường mang theo một chiếc nón, một cây gậy và vài cái bánh bao. Cô gái sẽ treo chiếc nón ngoài cửa sổ để kẻ đến sau nhìn thấy mà rút lui. Còn chiếc gậy dùng để xua rắn rết hay hù dọa lũ chó nhà nàng, bánh bao cũng là "quà mua chuộc" lũ chó để dễ dàng "đột nhập".

Nếu không ưng ý chàng trai, cô gái có quyền đuổi hay không cho chàng leo vào gác của mình. Ngoài ra, các nàng có quyền đêm nay mở cửa, bắc thang cho chàng này, nếu chưa hài lòng thì "cấm cửa" và cho chàng khác lên gác vào đêm khác. Các đôi trai gái khi đến với nhau không phải vì tiền bạc, áp lực gia đình hay các vấn đề nào khác. Họ đơn giản chỉ vì cảm mến nhau và đến với nhau hoàn toàn vì tình yêu.

Chàng trai không có quyền bồng con về

Tục "tẩu hôn" dựa trên cơ sở đôi bên bằng lòng, không được phép ép buộc, nhưng cũng có quy định cấm người cùng hay gần huyết thống "tẩu hôn". Bên cạnh đó, nếu tình cảm không còn thì mối quan hệ giữa hai người cũng chấm dứt. Khi cô gái có thai, mối quan hệ giữa đôi nam nữ gắn bó hơn. Chàng trai sẽ thường xuyên lui tới đến thăm nom con, nhưng tuyệt đối không được bồng về nhà mình. Đêm đêm, chàng đến nhà "vợ", sáng sớm lại về nhà mình, bắt đầu một buổi làm việc như đồng áng, săn bắn, vào rừng…, còn cô gái ở nhà dệt thổ cẩm để mang ra chợ phiên bán.

Cùng với người mẹ, đứa bé sẽ sống suốt đời trong nhà gái, không làm dâu hay làm rể cho ai. Chẳng một người đàn ông nào được trở thành cha của những đứa trẻ mà họ sinh ra. Người đàn ông cũng sẽ không phải cấp dưỡng cho đứa con của mình, cũng không cần phải chăm sóc hay sống cùng chúng. Các chú bên mẹ sẽ làm nhiệm vụ thay người cha dạy dỗ đứa trẻ.

Do quan điểm độc đáo này nên người Mosuo không hề có khái niệm trọng nam khinh nữ hay con ngoài giá thú. Với họ, con nào cũng như nhau và chẳng ai bận tâm xem cha của đứa trẻ là ai. Họ cùng nhau lao động, kiếm sống và vui chơi giải trí trong các ngày rảnh rỗi và không ai thích bàn tán về cuộc sống của người khác.

Tập quán đó khiến bộ tộc Mosuo trở nên nổi tiếng. Nam giới từ những nơi khác trên lãnh thổ Trung Quốc coi "hôn nhân một đêm" là biểu tượng của tự do luyến ái và thường tìm đến các nhà thổ dành cho khách du lịch xuất hiện tại nhiều làng của người Mosuo, song phần lớn nhân viên tới từ nơi khác. Người Mosuo coi đó là sự sỉ nhục đối với họ.

Video bộ tộc bí ẩn trên đảo Bắc Sentinel  


Trên thực tế phụ nữ Mosuo không thay đổi người tình quá thường xuyên. Họ cũng hiếm khi quan hệ với hai người đàn ông trở lên cùng lúc. Việc phụ nữ Mosuo không kết hôn và những đứa trẻ không có cha có thể khiến nhiều người nghĩ rằng bộ tộc này không coi trọng cuộc sống gia đình. Nhưng điều này không đúng. Người Mosuo coi gia đình là thứ quan trọng hơn mọi mối quan hệ khác. Những gia đình gồm nhiều thế hệ chung sống dưới một mái nhà có cuộc sống tình cảm cực kỳ ổn định. Do không có hôn nhân nên người Mosuo không có khái niệm "ly dị" hay "ly thân".

Hồ Lulu, nơi nam nữ người Mosuo tự do tắm chung.
Hồ Lulu, nơi nam nữ người Mosuo tự do tắm chung. 

Do những ngôi làng của người Mosuo tách biệt với thế giới bên ngoài nên rất ít người biết đến phong tục của họ. Những năm 1950-1970, với sự can thiệp của chính phủ, làng Mosuo dần thay đổi. Từ khi Cách mạng Văn hóa kết thúc vào năm 1976, sự hiện diện của nhà nước gần như biến mất khỏi cuộc sống thường nhật của người Mosuo. Giới chuyên gia đánh giá sự tăng cường giám sát trước đó đã để lại thái độ mâu thuẫn về tiesese cho các thành viên trong tộc người.

"Vào những năm cuối thập niên 1980, người Mosuo rất e dè, thậm chí phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của hôn nhân", Chuan-Kang Shih, chuyên gia về người Mosuo kiêm giáo sư nhân chủng học tại Đại học Florida nói. "Đến giữa những năm 1990, khi ngành du lịch nhen nhóm tại khu vực hồ Lô Cô, họ lại nhìn nhận nó như một vốn liếng để thu hút khách và bắt đầu tự hào về nó". Theo NYTimes, không phải ai cũng than khóc cho sự suy tàn của tiesese.

Bây giờ, chế độ một vơ,å một chồng dù không tồn tại nhưng nhiều phụ nữ đã có quan hệ gắn bó với một người đàn ông duy nhất. Xã hội "ngược đời" của Musuo thu hút sự tò mò của khách du lịch đến vùng đất này mỗi năm càng nhiều, và công nghiệp du lịch đang dần dần làm thay đổi nền văn hóa lâu đời của họ.

Niềm tin phụ nữ có nhiều khả năng hơn nam giới

Theo Chuan-Kang Shih, hệ thống xã hội trên được củng cố bằng một niềm tin cơ bản rằng, phụ nữ có nhiều khả năng hơn nam giới, về cả tinh thần và thể chất. Người Mosuo cũng tin rằng tất cả mọi thứ con người quý trọng trên thế giới đều đến từ phụ nữ, không phải đàn ông. Tất cả các nam thần đều là thứ yếu bên nữ thần bảo trợ họ. "Hệ thống này rất hợp lý khi bạn xét tới cách thức mà các gia tộc cân bằng giữa những ham muốn tình dục, sự ổn định, sự thuần phục và nhu cầu cho trẻ em", Judith Stacey, giáo sư xã hội học tại Đại học New York, nhận xét.

"Nhưng nó lại thiếu tính linh động. Đó là lý do tại sao hiện nay, với sự bất bình đẳng cũng như những thay đổi về kinh tế và địa lý, nó không thể tồn tại như một hệ thống được nữa", bà Stacey nói.


Nguồn: Văn Nguyễn (Công an nhân dân)
Bình luận
vtcnews.vn