Vườn cam 7.000 gốc của vợ chồng nông dân Hòa Bình bị phá hoại giữa ban ngày

Thời sựThứ Hai, 10/06/2019 08:38:00 +07:00

Vợ chồng ông Phạm Ngọc Thủy (SN 1972, xã Mỵ Hòa, Kim Bôi, Hòa Bình) kêu cứu vì vườn cam 17ha bị các đối tượng phá hoại nhiều lần, ngang nhiên giữa ban ngày.

Theo nội dung đơn trình báo của ông Phạm Ngọc Thủy gửi cơ quan CSĐT huyện Kim Bôi, từ năm 2017, vườn cam rộng 17ha với hơn 7.000 gốc cam của gia đình đang cho thu hoạch thì bị nhóm đối tượng trú cùng địa bàn liên tục phá hoại

Vợ chồng nông dân Hòa Bình kêu cứu vì vườn cam 7.000 gốc bị phá hoại

Vườn cam rộng 17ha của ông Thủy bị nhóm đối tượng phá hoại. (Ảnh: Mai Oanh)

"Khoảng tháng 8/2017, đối tượng Bùi Thanh H. (SN 1963, trú xã Mỵ Hòa) cùng nhóm 3 người liên tục đe dọa, cướp bóc tài sản của gia đình tôi. Đỉnh điểm, ngày 11/2018, nhóm này xông vào vườn cam, yêu cầu chúng tôi mở cửa nhưng tôi kiên quyết không chấp nhận.

Nhóm người này tự ý phá khóa, xông vào vườn phá máy bơm, chặn không cho tưới tiêu. Các đối tượng chỉ rời đi khi có một công an viên xã Mỵ Hòa có mặt", ông Thủy nói. 

Chưa dừng lại ở đó, ít ngày sau, nhóm đối tượng này ngang nhiên chiếm dụng đất thuộc quản lý của ông để dựng lán trại, tiếp tục cắt máy bơm khiến cả vườn cam rụng đầy cội do hệ thống tưới tiêu bị tê liệt.

Vợ chồng nông dân Hòa Bình kêu cứu vì vườn cam 7.000 gốc bị phá hoại

Vườn cam được ông Thủy trồng từ năm 2011 trên phần đất được cấp phép. (Ảnh: Mai Oanh) 

Định giá thiệt hại hơn 300 nghìn đồng

Trước việc tài sản bị phá hoại, gia đình ông Thủy gửi đơn đề nghị cơ quan chức năng địa phương vào cuộc định giá tài sản bị phá hoại. Đồng thời gửi đơn tố giác tội phạm đến cơ quan CSĐT, công an huyện Kim Bôi để bảo vệ bản thân và gia đình.

Ngày 17/1/2019, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Kim Bôi kết luận, thiệt hại về tài sản gồm 2 mảnh lưới kim loại B40 và 2 đường ống nước thời điểm bị hư hỏng là hơn 300 nghìn đồng. 

Vợ chồng nông dân Hòa Bình kêu cứu vì vườn cam 7.000 gốc bị phá hoại

Hệ thống tưới nước bị tê liệt do ông nước bị phá hoại. (Ảnh: Mai Oanh) 

Không đồng ý với kết luận định giá thiệt hại, ông Thủy gửi đơn khiếu nại đến lãnh đạo UBND huyện Kim Bôi, Công an huyện Kim Bôi với mong muốn được định giá lại. Đơn khiếu nại đề nghị định giá hệ thống bơm nước trong vườn cam, toàn bộ rào thép quanh vườn, 7.000 gốc cam bị hỏng, thối nguy cơ bị chết khô... 

Ngày 27/3/2019, Công an huyện Kim Bôi ra thông báo không chấp nhận định giá lại tài sản. Cho rằng ông Bùi Thanh H. phá 2 đoạn lưới B40 để lấy lối ra vào núi Bụng Cảo mà không phá khóa cửa, xích khóa.

Về hệ thống tưới nước bị hư hỏng, thông báo của Công an huyện Kim Bôi cho rằng, 2 đối tượng đã phá hỏng các đoạn ống nhựa tổng chiều dài gần 7m, mà không phá hủy toàn bộ hệ thống.

Tiếp đó, ngày 10/4, Công an huyện Kim Bôi ra thông báo về nội dung 'không khởi tố vụ án hình sự' với lý do: Hành vi của Bùi Thanh H. và các đối tượng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại điều 178 BLHS 2015.

Vợ chồng nông dân Hòa Bình kêu cứu vì vườn cam 7.000 gốc bị phá hoại

Cam rụng trắng gốc cây do không được tưới nước. (Ảnh: Mai Oanh)

Tranh chấp lối đi lại?

Chủ tịch UBND xã Mỵ Hòa (huyện Kim Bôi) Bùi Xuân Hoàn xác nhận vụ việc trên và cho biết, chính quyền địa phương nhiều lần mời 2 bên lên hòa giải, tìm tiếng nói chung nhưng đều không đạt kết quả. Theo lãnh đạo xã, nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc là lối đi lại qua khu vực vườn nhà ông Thủy.

"Bản chất câu chuyện là, năm 2011, ông Thủy vào đây thầu lại đất của các hộ dân thuộc nông trường Thanh Hà. Khi thầu thì tồn tại đường đi chung, trong 17ha, nông trường để lại 3000m để làm lối đi chung.

Phía sau vườn cam của ông Thủy còn nhiều đất mà người dân chăn nuôi, trồng cây, nên rất cần mở lối đi để làm ăn, khi bị chặn lại đã phát sinh căng thẳng", lời ông Hoàn.

Về việc này, ông Thủy cho rằng, khi thầu lại mảnh đất 17ha trên, ông chưa nhận được bất kì văn bản nào quy định về con đường đi chung trên, mà khi hợp đồng mua bán, ông toàn quyền hưởng phần đất đó. 

"Khi nông trường Thanh Hà giao đất thì bao gồm cả đường đi lại, bản thân con đường đi chung trên sinh ra để phục vụ nội bộ cho chính những hộ dân đang canh tác trong nông trường chứ không phải cho tất cả người dân sử dụng", ông Thủy nói.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn