Vua truyện kiếm hiệp Kim Dung từng hai lần bị đuổi học

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 07/04/2014 03:12:00 +07:00

(VTC News) - Thời học sinh, ông vua truyện kiếm hiệp Kim Dung từng bị đuổi học 2 lần vì bản tính cương trực.

(VTC News) - Thời học sinh, ông vua truyện kiếm hiệp Kim Dung từng bị đuổi học 2 lần vì bản tính cương trực.

Cái tên Kim Dung quen thuộc với độc giả Việt Nam vốn là tên chiết tự từ chữ Dung (nghĩa là cái chuông lớn), tên thật của nhà văn nổi tiếng này là Tra Lương Dung, ông sinh ngày 10/3/1924, tại Hải Ninh, Chiết Giang, Trung Quốc trong một gia tộc khoa bảng danh giá. Ông cố là Tra Thận Hành, nhà thơ nổi tiếng đời nhà Thanh, ông nội là Tra Văn Thanh từng làm tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô.

Không ngạc nhiên lắm khi Kim Dung từ nhỏ đã thông minh, lanh lợi, ham học và đặc biệt rất mê đọc sách. Sáu tuổi, ông vào học tiểu học ở quê Hải Ninh. Được sự giúp đỡ của thầy dạy văn Trần Vị Đông, một số bài làm văn của Kim Dung đă được đăng lên Đông Nam nhật báo, tờ báo nổi tiếng nhất Trung Quốc bấy giờ.
kim dung
Năm 1937, ông rời quê hương Hải Ninh để chuyển đến Gia Hưng học trung học. Năm 1938, Kim Dung cùng một vài bạn viết một cuốn sách tham khảo mang tên Dành cho những học sinh đầu trung học để hướng dẫn học sinh trong việc học tập.

Đây là cuốn sách đầu tiên của Kim Dung được xuất bản, và cũng là cẩm nang đầu tiên ở dạng này được xuất bản tại Trung Quốc, Dành cho những học sinh đầu trung học nhận được nhiều phản hồi tốt.

Năm 1940, Kim Dung gây ‘tai họa’ khi viết một câu chuyện có tên Cuộc phiêu lưu của Alice với hàm ý châm biếm thầy chủ nhiệm. Người này tức giận, liền ép hiệu trưởng phải đuổi học Kim Dung vì tội ‘vô lễ với giáo viên, có vấn đề về tác phong’.

Tuy Cuộc phiêu lưu của Alice đã gây họa cho Kim Dung nhưng nó cũng đã cho thấy tài năng văn học của ông, đồng thời thể hiện rõ việc ông rất có dũng khí, dám đứng lên phản kháng.
kim dung
Năm 1944, Kim Dung thi đậu vào khoa Ngoại giao, Đại học Chính trị Trung ương ở Trùng Khánh. Vẫn giữ thành tích tốt, cuối năm nhất ông được tặng phần thưởng cho sinh viên xuất sắc nhất. Thời kỳ này, ngoài  việc tham gia viết bình luận chính trị trên các báo, Kim Dung còn bắt tay vào làm cuốn Anh – Hán tự điển và dịch một phần Kinh Thi sang tiếng Anh.

Tuy nhiên, con đường học tập của Kim Dung không hề thuận lợi như mong muốn, năm thứ 3, ông một lần nữa bị đuổi học bởi tính cương trực của mình. Quá bất mãn với nhiều hành động của nhiều sinh viên, ông đã lên tiếng tố cáo và bị đuổi học lần thứ 2 trong đời ở tuổi 19.

Sau khi bị đuổi, Kim Dung chuyển tới làm việc ở thư viện, ở chung với sách, ngoài việc nâng cao tri thức, Kim Dung bắt đầu nảy sinh ý định sáng tác truyện võ hiệp. Khoảng thời gian sau đó, ông làm việc với nhiều tờ báo khác nhau như Đông Nam Nhật báo (1946), Thời dữ triều (1947), Đại Công Báo (1948)… với vai trò biên dịch tin quốc tế.
kim dung
Đáng chú ý, năm 1952, khi chuyển sang tờ Tân văn báo, Kim Dung phụ trách mục Phòng trà buổi chiều, ông có cơ hội phát huy khả năng viết văn của mình hơn. Ông kết hợp với nhà văn Lương Vũ Sinh (bút danh Trần Văn Thống) để viết nhiều tác phẩm ngắn và phê bình điện ảnh.

Năm 1956, tác phẩm Bích Huyết kiếm được đăng trên báo Hong Kong, bắt đầu mang lại tên tuổi cho Kim Dung.

Để chuyên tâm vào công việc yêu thích, năm 1957, Kim Dung rời tòa soạn báo, gia nhập công ty điện ảnh Trường Thành để chuyên viết kịch bản. Với bút danh Lâm Hoan, Kim Dung đã dần được biết đến với những bộ phim Tuyệt đại giai nhân, Lan hoa hoa, Đừng rời xa anh… Cùng năm đó, tác phẩm nổi tiếng Anh hùng xạ điêu ra đời.

Công tác tại Trường Thành được 2 năm, tới năm 1959, Kim Dung rời công ty, cùng bạn học trung học thành lập tờ Minh Báo, suốt 35 năm gắn bó với nghề, ông đã mở thêm tờ báo khác Tân Minh nhật báo ở Singapore và ở Malaysia.
kim dung
Thời Kim Dung còn ‘tại vị’, Minh Báo trở thành một trong những tờ báo có ảnh hưởng lớn nhất ở Hong Kong, nhiều người đã ví đây là tờ The Times của xứ Cảng thơm.

Đây cũng là khoảng thời gian đỉnh cao sự nghiệp của ‘đại hiệp’ Kim Dung, ông cho ra đời những tác phẩm gây sốt như Thần điêu hiệp lữ và Tuyết Sơn phi hổ (1955), Phi hổ ngoại truyện, Uyên ương đao (1960), Ỷ thiên đồ long ký (1961), Thiên long bát bộ (1963), Hiệp khách hành (1965), Tiếu ngạo giang hồ (1967), Lộc đỉnh ký (1969) Việt nữ kiếm (1970).

Năm 1972, ‘đại hiệp’ Kim Dung tuyên bố ‘gác kiếm’, rút khỏi hiệp đàn và tập trung vào chỉnh sửa các tác phẩm đã viết. Trong sự nghiệp viết lách, ông đã viết tổng cộng 15 truyện, trong đó 1 truyện ngắn và 14 tiểu thuyết. Hầu hết các tiểu thuyết đều được xuất bản trên các nhật báo.
kim dung
Ngoài các tiểu thuyết võ hiệp, Kim Dung còn viết các truyện lịch sử Trung Quốc. Ông đã được trao tặng nhiều huân chương danh dự như huân chương OBE của Vương Quốc Anh năm 1981, Bắc đẩu bội tinh năm 1982, Commandeur de l'Ordre des Arts et des Lettres năm 2004 của chính phủ Pháp.

Ông cũng là giáo sư danh dự của nhiều trường đại học như Bắc Kinh, Chiết Giang, Nam Khai, Hong Kong, British Columbia cũng như là tiến sĩ danh dự của đại học Cambridge.

Đặc biệt hơn, tên Kim Dung được đặt cho tiểu hành tinh 10930 Jinyong (1998 CR2), đây là tiểu hành tinh được tìm ra trùng với ngày sinh của ông.

Bùi Lan
Bình luận
vtcnews.vn