Vừa sử dụng, cao tốc hơn 20.000 tỷ đồng lún, nứt: Ban quản lý dự án nói gì?

Thời sựThứ Sáu, 09/05/2014 12:22:00 +07:00

(VTC News) – Tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây mới thông xe được vài tháng đã xuất hiện tình trạng bị lún, nứt, mặt đường xấu.

(VTC News) – Tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây mới thông xe được vài tháng đã  xuất hiện tình trạng bị lún, nứt, mặt đường xấu.

Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng vừa gửi văn bản tới chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về tình trạng lún, nứt, mặt đường xấu… trên đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây mới được đưa vào sử dụng từ đầu năm
Tại gói thầu số 3 trên cao tốc, đoạn nối từ TP.HCM đi huyện Long Thành (Đồng Nai) đã xuất hiện lún với mức độ 3-5cm. Đây là đoạn đường vừa đưa vào khai thác từ ngày 2/1/2014. 
Tại gói thầu 5A, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước còn phát hiện vật liệu đắp còn lẫn nhiều cuội, sỏi, đá tảng to so với tiêu chuẩn cho phép, còn lẫn nhiều gốc, rễ cây. Có chỗ  bề mặt của nền đường không bằng phẳng, đất đắp mang cống chưa đắp đúng thiết kế về chủng loại vật liệu là vật liệu thoát nước.
Tại gói thầu này còn có tình trạng ống nhựa không đảm bảo khả năng thoát nước, dễ bị bẹp khi phải chịu tải trọng lớn dẫn đến sụt nền.
Bên cạnh đó, tại các gói thầu 7,8 và 9 các bề mặt bê tông bị rỗ, mặt cầu tại nút giao thông vành đai 2 có một số vị trí bị nứt…

Hội đồng nghiệm thu Nhà nước yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng khắc phục những khiếm khuyết trên. 
Tuy nhiên một số nơi bắt đầu có dấu hiệu bị lún, mặt đường xấu 
Theo ông Ngô Tấn Quang – Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, vị trí lún nằm ở điểm tiếp giáp giữa hai khu vực xử lý lún bằng phương pháp bơm hút chân không và cọc xi măng đất. 
Do phương pháp bơm hút chân không sẽ không xử lý lún triệt để nên trong quá trình khai thác có khả năng xảy ra lún cho phép tối đa 20cm trong vòng 15 năm.

Đối với mặt cầu bị nứt, theo ông Quang, các vết nứt xuất hiện cục bộ, xảy ra ở vị trí đổ bê tông dày hơn 3m và chính sự co ngót của bê tông gây ra hiện tượng trên. 
Trước đó, cuối năm 2013, Bộ GTVT đã có yêu cầu Tổng công ty đường sắt cao tốc Việt Nam rà soát, xử lý ngay tình trạng một số móng cột hộ lan trên tuyến cao tốc này được thi công có chiều dài chỉ bằng một nửa so với thiết kế. 
Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 55km đi qua địa bàn TP.HCM và Đồng Nai, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/giờ, tổng vốn đầu tư 20.630 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 3/10/2009.
Dự án là một bộ phận của hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Sỹ Hưng

Bình luận
vtcnews.vn