‘Vua rác’ David Dương: Khát khao muốn biến rác thành vàng

Kinh tếThứ Năm, 14/02/2019 10:18:00 +07:00

Những năm tháng sinh sống và làm việc tại Mỹ, David Dương chưa bao giờ thôi suy nghĩ về việc phải làm điều gì đó tốt đẹp cho môi trường của quê hương, nơi mà hằng ngày rác thải vẫn đang trở thành nỗi ám ảnh của mỗi người dân.

“Vua rác” là biệt danh lâu nay người ta dùng để gọi ông David Dương - Chủ tịch, Tổng Giám đốc công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) chuyên đầu tư xử lý rác thải tại xã Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc California Waste Solutions – CWS, hoạt động trong ngành xử lý chất thải tại Mỹ.

Nói về biệt danh này, ông hài hước chia sẻ: “Vua thì có thể giải quyết nhiều thứ, mà mình chỉ chuyên về rác, nên có thể người ta khen ngợi mình là chuyên gia có thể giải quyết những vấn đề liên quan đến rác. Không biết xuất phát từ ai, từ đâu nhưng tôi cũng cảm ơn, cứ thấy chữ Vua là đã vui rồi”.

pr1

 Những siêu xe rác do VWS trao tặng cho TP.HCM, Long An, KiênGiang

Trăn trở vì môi trường quê hương

- Sự kiện nóng nhất gần đây là việc VWS tặng siêu xe vận chuyển rác cho TP.HCM, Long An, Kiên Giang, vậy ông có thể chia sẻ lý do vì sao lại có ý định đó?

Ý tưởng về việc tặng xe đã có từ những năm trước, khi một đoàn lãnh đạo của TP.HCM đến làm việc tại Mỹ và ghé thăm CWS. Lúc này, họ nhìn thấy những chiếc xe vận chuyển rác hiện đại và đều nói rằng nếu những chiếc xe rác đó có mặt tại Việt Nam thì việc thu gom rác sẽ rất thuận lợi.

Đến 2015 tôi bắt đầu nghĩ việc làm sao để mình có thể góp phần giúp đỡ được TP trong chuyện thu gom, vận chuyển rác một cách an toàn, hợp vệ sinh và bảo vệ được môi trường tốt hơn.

Lúc này, chúng tôi mới quyết định là đưa một đoàn chuyên gia của nhà sản xuất xe vận chuyển rác ở Mỹ về Việt Nam để họ nghiên cứu. Bởi vì xe rác hoạt động tốt ở Mỹ không có nghĩa là mình cứ đem về đây là sử dụng được. Mặc dù giá thành hơi cao, nhưng chúng tôi nghĩ giá trị của nó mang lại sẽ còn cao hơn nhiều, do đó chúng tôi quyết tâm đặt một số xe mẫu để gửi tặng cho một số địa phương.

Khi các địa phương sử dụng, nếu thấy hiệu quả mang lại cao thì có thể nhân rộng ra, mua nhiều hơn nữa hoặc thậm chí làm việc với nhà sản xuất để đưa về Việt Nam lắp ráp, cung cấp được đồng bộ xe rác hiện đại cho cả nước, thậm chí là xuất khẩu qua các nước lân cận.

pr2

Mỗi chiếc có giá đến gần 500.000 USD 

- Tổng kinh phí ông đã bỏ ra cho dự án trao tặng xe là bao nhiêu, thưa ông?

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền gồm giá trị của xe, chi phí vận chuyển,… là gần 500.000 USD cho mỗi chiếc, vị chi 8 chiếc là gần 4 triệu USD.

Hiện bên nhà sản xuất đã liên hệ với một công ty nước ngoài có mặt tại Việt Nam nhiều năm nay về việc bảo hành cũng như đảm bảo những phụ tùng, thiết bị cần thiết trong tương lai.

- Đây là những mẫu xe hiện đại mới xuất hiện tại Việt Nam, vậy liệu các địa phương được tặng có sử dụng được không hay lại để tình trạng lãng phí?

Trước khi tặng xe chúng tôi đã hỏi địa phương là họ có thể sử dụng được hay không, có cung cấp đầy đủ yêu cầu cho xe hoạt động không. Đến lúc các địa phương xác nhận sẽ sử dụng và điều phối xe thì chúng tôi mới quyết định tặng.

TP.HCM nếu có thay đổi toàn bộ các loại xe loại này thì độ quảng bá sẽ rất lớn.

Cụ thể, mình có thể quảng bá việc từ rác sản xuất ra được khí nén lỏng để trở thành nhiên liệu vận hành xe thay vì xăng dầu, đây như một quy trình khép kín. Xe đi thu gom rác sử dụng nhiên liệu được sản xuất từ rác để tiếp tục đi thu gom rác để bảo vệ môi trường.

- Được biết ngay từ đầu Kiên Giang không có trong kế hoạch được tặng xe, sau đó thì tại sao lại có thêm địa phương này thưa ông?

Đó là một sự ngẫu nhiên, vì chúng tôi được Kiên Giang kêu gọi về đầu tư xử lý rác cho Phú Quốc. Nơi đây đang được xây dựng là nơi phát triển du lịch có tầm quốc tế nhưng tình rạng ô nhiễm hiện đang rất cao.

Tuy nhiên, khối lượng rác chỉ dưới 200 tấn/ngày là quá ít, lại phải chia ra cho 2 nhà đầu tư khiến chi phí trang trải không cân xứng. Trong khi đó, từng đó rác công nghệ trong nước có thể xử lý được, vì công nghê nước ngoài chi phí lớn.

Tôi gợi ý Kiên Giang nên làm một cái trạm ép ở đó, rồi mỗi ngày sau khi ép rác thì vận chuyển bằng xà lan vào đất liền để xử lý, như thế là hợp lý nhất.

Sau chuyến đi đó tôi thấy cần thiết phải cho thấy Phú Quốc hiện đại nhất từ những cái nhỏ như đi thu gom rác, để cho du khách nước ngoài đến họ thấy dù là đảo nhỏ nhưng quyết tâm của chính quyền là đầu tư phát triển nơi đây trở nên hiện đại bằng những việc nhỏ.

pr3 5

 Ông “Vua” ngành rác David Dương phát biểu trong lễ trao xe

- Sau khi tặng xe, ông còn dự định nào khác không, thưa ông?

Tôi đang nghĩ là có nên cho nhà sản xuất thùng rác về nghiên cứu thử có loại thùng rác nào phù hợp với địa hình, thân thiện với môi trường, với con người mà lại tiện lợi, phù hợp với Việt Nam hay không. Sau đó sẽ gửi tặng cho TP một số thùng rác, trước nhất là có thể phủ được trong trung tâm thành phố.

Ngoài ra có thể nghiên cứu thêm việc thu gom, vận chuyển rác từ các hẻm ra. Hiện nay mình đang thu gom bằng loại xe rác mở rồi tập trung gây hôi, tôi nghĩ cần phải thay đổi ngay cả việc thu gom rác.

Nỗi khao khát thay đổi công nghệ xử lý rác

- Thời gian trước rộ lên thông tin TP đưa lộ trình giảm dần việc chôn lấp, tiến tới kêu gọi đấu thầu các dự án đốt rác, phát điện. Ông đánh giá thế nào về mặt ý tưởng này?

Đầu tiên với kinh nghiệm mấy chục năm làm về xử lý rác ở Mỹ, việc TP có ý tưởng thay đổi công nghệ là việc tốt, cho thấy tình hình kinh tế của mình đã khá hơn.

Xử lý rác có rất nhiều công nghệ mà trên thế giới đang thực hiện và rất thành công. Tuy nhiên, mình chọn công nghệ không chỉ phù hợp với loại rác, thành phần rác mà còn phù hợp với nền kinh tế cũng như chi phí phải trả. Khi TP đưa ra tiêu chí cao thì phải sẵn sàng chi phí để trả cho tiêu chí đó. Nếu đã sẵn sàng trả nhiều tiền trong giai đoạn đầu để đổi mới công nghệ, thì sau này có thể giảm đi được rất nhiều chi phí.

Đặc biệt là vấn đề môi trường, nếu đã quyết tâm bảo vệ môi trường thì chi phí mình không nên đặt nặng, mà cần xem thử công nghệ đưa vào có tiên tiến hay không, đã được thực hiện, sử dụng bao lâu rồi.

Công nghệ mới đưa vào có giá trị đầu tư từ 400 – 500 triệu USD thì phải kéo dài 20 - 30 năm để hoàn lại chi phí mà mình đã đầu tư. Chưa hết, sau 20 – 30 năm nữa, cùng sự phát triển của xã hội thì thành phần rác sẽ thay đổi như thế nào? Những loại rác nào sẽ có mặt?

Đó là những cái mà TP cần đánh giá để biết được có thể áp dụng công nghệ mới nhằm phục vụ và làm tốt công tác bảo vệ môi trường hay không. Nếu ngày hôm nay mình không làm đúng, không làm đủ thì xa hơn 20 – 30 năm sau mình lại phải bỏ tiền ra để khắc phục hậu quả.

Ở đây tôi không chê đốt rác, vì cái nào nó cũng có ưu điểm, khuyết điểm của nó. Nhưng tôi cho rằng không nhất thiết phải chạy theo một công nghệ nào đó, mình làm cái gì để về sau giảm được tối thiểu thành phần chôn lấp thì tốt.

pr4 4

Công nhân Đa Phước phải “vật lộn” với 5.000 tấn rác mỗi ngày 

- Như vậy có nghĩa là vẫn phải dành một phần nào đó để chôn lấp?

Thứ nhất, rác của mình hiện tại độ ẩm của nó lên 50-60%, khi đốt cần phải nghĩ cái gì sẽ dễ cháy nếu độ ẩm như vậy.

Thứ hai, rác mình từ 70 – 80% là hữu cơ, mà đây là thành phần rất tốt để có thể là biến thành nhiều sản phẩm có lợi cho xã hội. Hữu cơ phân hủy rất nhanh. Khi phân hủy nhanh nó cho ra một lượng nước thải và khí thải. Còn xác của nó có nhiề thành phần mà mình có thể sản xuất ra những loại phân hữu cơ. Như vậy, trong thành phần của rác có lợi điểm của nó. Trong khi đó nếu mà đốt thì chi phí của nó rất cao bởi cần nhiều nhiên liệu và thời gian hơn.

Tại sao mình không biến từ rác ra những thành phần có lợi cho xã hội mà lại nghĩ đến chuyện mang đi đốt hết trong khi chi phí lại cao, về lâu về dài cũng không đảm bảo về môi trường và không khí?

- Vậy liệu ông có tham gia vào việc đấu thầu nhà máy đốt rác?

TP yêu cầu chúng tôi phải thay đổi một phần công nghệ, thành ra chúng tôi chỉ nộp dự án đúng với khối lượng rác theo hợp đồng mà chúng tôi đang có theo yêu cầu.

Công nghệ chúng tôi trình bày có thể giảm phần phải chôn lấp xuống còn khoảng 15% phù hợp quy định của Chính phủ. Phần còn lại từ 85% có thể ra được một số sản phẩm sau rác.

Hiện chúng tôi đang nộp dự án giảm thiểu 2.000 tấn chôn lấp mỗi ngày, dựa trên thành phần rác hiện nay và dự kiến trong tương lai với mức chi phí phù hợp nhất. Nếu TP muốn chúng tôi đốt hết thì chúng tôi phải đưa ra chi phí khác, vì đốt chi phí rất cao.

Dự án chúng tôi nộp từ cuối tháng 7/2018 và đang chờ TP xem xét. Sau khi được chấp thuận và có giấy phép thì nhà máy dự kiến trong 12 tháng là có thể đi vào hoạt động.

- Còn về tiến độ của dự án Khu công nghệ môi trường xanh ở Long An của VWS thì thế nào rồi, thưa ông?

Dự án Long An đến nay chúng tôi mới chỉ được cho phép làm 2 cây cầu đi vào và một đoạn đường ngắn. Còn những hạng mục khác vẫn đang còn chờ trình duyệt điều chỉnh quy hoạch của các cấp chính quyền. Tiến độ đang hơi chậm so với mong muốn ban đầu, chúng tôi vẫn đang cố gắng trong khả năng của chúng tôi.

Dự án ở Long An mang tầm để làm cho cả một vùng, chúng tôi nghiên cứu để xử lý cho 70 – 100 năm từ thành phần rác, vận chuyển rác, xử lý rác và cả những sản phẩm, chúng tôi nghiên cứu tất cả.

Hiện chúng tôi đang tạm ngưng gia hạn tài trợ liên quan đến dự án, khi nào chúng tôi nhận thấy dự án có thể bắt đầu trở lại thì chúng tôi sẽ nói chuyện lại với các nhà tài trợ. Việc kêu gọi nhà tài trợ trở lại đầu tư dự án không hề khó khăn vì chúng tôi là đơn vị có uy tín.

Xin cảm ơn ông!

Diệu Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn