“Vua lẩu” Hà Thành luôn mong Tết như một đứa trẻ

Kinh tếThứ Tư, 02/02/2011 10:30:00 +07:00

(VTC News) - Những người đàn ông nhắc tới chị bằng niềm cảm phục và yêu mến. Những người phụ nữ biết đến chị như người đàn bà hạnh phúc nhất...

(VTC News) - Những người đàn ông nhắc tới chị - triệu phú Đỗ Thị Bích Hạnh, chủ nhân chuỗi nhà hàng lẩu cao cấp Sỹ Phú, một thương hiệu quốc gia - bằng niềm cảm phục và yêu mến.  Những người phụ nữ biết đến chị như người đàn bà hạnh phúc nhất trong những người hạnh phúc. Họ khao khát có cuộc sống như chị, luôm đam mê với câu châm ngôn quen thuộc: “Cho đi rộng lượng và đón nhận cừ khôi”.

Nhìn sự hài hước, vui nhộn thể hiện qua từng câu nói, từng cử chỉ của chị, ít ai biết rằng, chị đã bước qua tuổi 50. Chị tâm sự: Luôn có cô bé 16 tuổi trong trái tim người đàn bà 50 tuổi. Và cho đến mãi sau này, khi tôi đã 90 tuổi, tôi vẫn nuôi dưỡng “cô bé 16 tuổi” trong tôi để chơi, để trò chuyện với cháu chắt”.

Trong thời khắc đất trời chuyển sang mùa đẹp nhất trong năm, gác lại một ĐỗThị Bích Hạnh thành đạt trên thương trường, chúng tôi "khám phá" chị ở góc độ của một người vợ, người mẹ, người phụ nữ luôn hết lòng vì gia đình và sống gắn bó cả đời với “nghiệp” đam mê nấu nướng.

“Nấu ăn luôn là đam mê của tôi”

- Chào chị! Trong thời khắc thiêng liêng của những ngày đầu năm mới, cảm xúc của một triệu phú, một người nổi tiếng có khác gì so với người bình thường không?

Doanh nhân Đỗ Thị Bích Hạnh: (Cười) Cũng như bao người khác thôi, cũng hồi hộp, háo hức, cũng đợi mong như một đứa trẻ.

- Tết trong kí ức của chị là những gì?

Cho tới bây giờ, tôi vẫn nhớ như in về cái Tết khi tôi còn bé, khi bố đi bộ đội biền biệt, mẹ ở nhà một mình lo Tết cho các anh em. Cứ chiều 30 Tết, mẹ lại tặng cho mỗi người con một chiếc áo mới và trong căn nhà của tôi luôn có một bình hoa Hải đường rất đẹp.

Giống mẹ, tôi cũng thích hoa Hải đường nên Tết năm nào nhà tôi cũng phải mua một cành hoa. Cũng như bao gia đình khác, Tết đến, tôi hối hả chuẩn bị bánh chưng, giò, chả,… Ngày xưa, khi tôi ở nhà với mẹ thì còn được háo hức nấu chè, xào ô mai - tất cả các đồ ăn đều tự mình làm lấy.

- Vậy Tết ngày xưa và Tết ngày nay của chị có khác gì nhau không?

Ngày Tết với tôi bây giờ không chỉ lo cho con cái mà còn “may áo mới” cho hơn 200 nhân viên của Công ty Sỹ Phú, lo toan, chia sẻ với cuộc sống của chị em. Đối với tôi, Tết không chỉ có gia đình mình với đầy đủ các thành viên bên nội, bên ngoại mà còn là “đại gia đình” các thành viên của chuỗi nhà hàng lẩu Sỹ Phú nữa.

Mang một phong cách riêng, hương vị riêng, lẩu Sỹ Phú đã trở thành thương hiệu quốc gia, chiếm nhiều cảm tình của bất cứ ai đã một lần đặt chân tới.
 
- Công việc của một doanh nhân luôn rất bận rộn, là phụ nữ, trong những ngày Tết này chị có trực tiếp vào bếp nấu bữa ăn ngon cho gia đình?

(Cười) Tôi nấu ăn quanh năm chứ không riêng gì ngày Tết. Mặc dù đã thuê người giúp việc, đã dạy họ nấu những món ăn ngon cả gia đình ưa thích nhưng ngày nào, tôi cũng trực tiếp vào bếp chuẩn bị các món ăn cho những người yêu thương. Đối với tôi, vào bếp không chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm vui. Mỗi khi được nấu nướng, tôi rất hạnh phúc vì đó là cách thể hiện tình cảm yêu thương với tất cả người thân.

- Chị có thể "bật mí" một bữa ăn ngày Tết của gia đình mình sẽ như thế nào?

Tôi chuẩn bị đồ ăn rất gọn nhẹ nhưng đầy đủ dinh dưỡng. Tôi quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng nhiều hơn số lượng. Tết này, tôi đã chuẩn bị rất nhiều rau xanh để cả nhà ăn kết hợp với mâm cỗ, để không có cảm giác chán ngấy với những món đồ nhiều thịt và chất béo.

- Là một người kinh doanh lẩu, chắc hẳn chị rất "sành" các món lẩu?

Tôi thích ăn ngon và rất khó tính trong lĩnh vực ăn uống. Hơn thế nữa, tôi còn là người đặc biệt giỏi trong việc chế biến các món ăn. Như một năng khiếu, khi tôi nếm thử một món ăn ngon nào đó, lập tức tôi có thể học được cách nấu món đó. Để có được sản phẩm lẩu Sỹ Phú không chỉ đẹp mắt, lạ miệng mà còn rất ngon và bổ dưỡng, tôi đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu và tham khảo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về ẩm thực.

- Xuất phát từ đâu chị “nảy” ra ý tưởng kinh doanh này?

Trước đây, tôi từng đi nhiều và tôi đặc biệt ấn tượng, yêu thích phong cách ăn uống của người Nhật. Họ ăn rất văn minh và xa xỉ tới mức mỗi người dùng riêng một nồi ăn. Cách ăn đó thể hiện sự tôn trọng cá nhân con người một cách rất cao độ cũng như tính khoa học trong ẩm thực. Tôi tâm đắc với nó và muốn chia sẻ với tất cả mọi người. Đó là lý do tại sao tôi chọn lẩu làm hình thức kinh doanh của mình.

- Khi thị trường lẩu đang ngày càng phát triển, chị có sợ mình sẽ bị “đụng hàng”?

Vừa rồi, tôi mới khai trương một cơ sở ở TP.HCM và Đắc Lắc, tổng cộng cho tới thời điểm này, tôi có trong tay 6 địa điểm lẩu Sỹ Phú.

Mặc dù
một vài năm gần đây thị trường lẩu phát triển rất mạnh nhưng tôi đã tìm được cho mình phong cách riêng, không giống ai. Học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài nhưng tôi đã đưa được khẩu vị người Việt vào đó. Tâm hồn ăn uống và tài nghệ nấu nướng của người Việt cũng được thể hiện rất rõ trong sản phẩm này.

Sự khác biệt còn được thể hiện ngay từ khâu chế biến nước dùng công phu và tinh tế bằng hải sản tươi ngon nhằm đảm bảo độ ngọt dịu, thanh, trong và không béo. Chính vì vậy, quanh năm kể cả mùa hè, mỗi ngày nhà hàng Sỹ Phú đều đón khoảng 100 lượt khách. Những ngày hè nắng nóng, số lượng khách càng tăng lên đáng kể.

Có một cô gái 16 tuổi trong trái tim người phụ nữ 50

Thắc mắc về “cô bé 16 tuổi” mà mọi người vẫn nhắc khi nói về chị, chị Bích Hạnh cười: “Đó là một câu chuyện dài”. Khi chị tham gia một vài khóa học do Công ty Babylons, JSC tổ chức, lắng nghe Anthony Robbins – nhà động viên tinh thần số một thế giới, chị mới phát hiện ra trong con người của mình có một cô bé 16 tuổi. “Những giây phút ấy cho tôi cảm xúc rất đặc biệt và tôi thực sự muốn chia sẻ điều đó với tất cả mọi người. Khi tôi quyết định nuôi dưỡng “cô bé 16 tuổi” trong con người mình thì cũng vừa lúc con gái tôi tròn 16 tuổi”, chị Bích Hạnh vui vẻ.

Được sống và làm những điều mình thích đó là hạnh phúc lớn nhất đối với chị Bích Hạnh và đó cũng là chìa khóa thành công của chị. Trong lĩnh vực kinh doanh lẩu, khi đến cửa hàng, chị cũng được làm việc mình thích và khi về nhà, xắn tay vào công việc bếp núc chị cũng được làm việc mình thích. Với chị, cuộc sống lúc nào cũng thú vị.

Luôn có "cô bé 16 tuổi" trong trái tim người đàn bà 50 tuổi này.

“Hãy sống với niềm đam mê, đó là thông điệp mà tôi muốn gửi gắm tới tất cả những ai đang có ước mơ, khao khát làm giàu hoặc muốn khẳng định mình trong cuộc sống. Nếu bạn chưa biết mình đam mê gì thì hãy tìm cho bằng được niềm đam mê đó. Khi đã biết mình đam mê thì phải sống với nó, cam kết với nó”, chị Bích Hạnh nhắc nhở.
 
Cũng như nhiều triệu phú khác, không phải lúc nào con đường làm giàu cũng trải đầy hoa hồng, bằng phẳng và dễ dàng, chị Bích Hạnh cũng mất một thời gian dài mới tìm ra được thế mạnh của mình.

Có lợi thế là sinh ra trong một gia đình có truyền thống nấu ăn ngon khi ông ngoại và mẹ đều là những đầu bếp xuất sắc, nên chị Bích Hạnh và em gái nhanh chóng được thừa hưởng “gen di truyền”. Tuy nhiên, sau khi ra trường, chị lại đi làm ở một số nơi và có một thời gian dài, chị cùng gia đình mở công ty làm quảng cáo.

Cách đây 8 năm, trong quá trình công tác, chị được ăn một món tương tự như món lẩu Sỹ Phú bây giờ, chị rất thích. Sau đó, chị đã thử làm và nấu cho tất cả những người thân của mình ăn thử. “Từ việc ai cũng khen ngon, khát vọng trong tôi bùng cháy khi nghĩ rằng: Mình không thể chỉ phục vụ những người thân, người bạn mà mình còn muốn đóng góp cho cuộc đời. Cũng vào thời điểm đó, công ty quảng cáo của gia đình mà tôi đang làm phát triển rất ổn định. Chồng tôi lại rất ủng hộ ý tưởng của tôi, khuyến khích tôi làm những điều mình thích”, chị Bích Hạnh nói.

Sẵn có niềm đam mê, tất cả mọi việc diễn ra một cách rất tự nhiên và chị cũng bắt đầu thành công từ đó. Kết  quả đã chẳng phụ công người làm chủ, 70% những người đầu tiên đến với Sỹ Phú đều quay lại, đó là con số mà chị Bích Hạnh rất đáng tự hào.

“Cho đến tận bây giờ, khi tên tuổi của Sỹ Phú đã đóng găm vào trái tim của nhiều người. Tôi vẫn luôn thầm biết ơn những người bạn, người thân của mình và đặc biệt là vợ chồng cô em gái đã luôn sát cánh, đồng lòng hỗ trợ tôi trong những lúc sóng gió, khó khăn, gian nan nhất. Tôi nghĩ, đó là điều mà tất cả doanh nhân cần. Một vòng tay đùm bọc, nâng đỡ và yêu thương, che chở”, chị Bích Hạnh chia sẻ.

Đúng với phương châm sống của mình “cho đi rộng lượng và đón nhận cừ khôi”, chị Bích Hạnh cùng những người đồng chí hướng sáng lập ra câu lạc bộ “Sống với đam mê”. Bằng kiến thức, trải nghiệm quý báu, những thành viên của CLB đã sống, chia sẻ và gắn bó cùng nhau, cùng xây dựng quỹ từ thiện và thực hiện nhiều chuyến đi có ý nghĩa như niềm đam mê trong cuộc sống.

“Với những ai muốn làm giàu, chị Hạnh chỉ có lời khuyên: Hãy yêu quý chính mình thì không có gì là không làm được. 

Khuê Hạ

Bình luận
vtcnews.vn