'Vua chó mèo VN': Thời giang hồ tỷ võ mất tai

Thể thaoThứ Năm, 13/06/2013 07:32:00 +07:00

(VTC News) – Ông nghiêng người sang một bên, vén tai trái của mình cho tôi xem những đường chỉ không bao giờ liền lại sau một lần bị địch thủ cắn đứt tai.

(VTC News) – Ông nghiêng người sang một bên, vén tai trái của mình cho tôi xem những đường chỉ không bao giờ liền lại sau một lần bị địch thủ cắn đứt tai.


Bảo Sinh - ông già gàn – như cách gọi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lâu nay mê muội trong thơ – thiền, quánh quất với đám chó, mèo, gà chọi… mà nổi danh. Ấy nhưng cái đáng nói khác ở ông là quá khứ một thời yêng hùng với bàn tay xỏ găng đấm bốc, lại rất ít khi được ông lôi ra kể.

Nếu có chăng những chuyện đã lên mặt báo chỉ là một Bảo Sinh từng tếu táo thực hư việc huyền thoại Muhammad Ali đến nhà ông gia sư cho con trai, hay dị tích ông thượng đài ở tuổi 70 trong ngày thượng thọ. Chấm hết!

Nay tôi hẹn ông, quyết cùng ông xới lại vùng ký ức của một võ sĩ hạng ruồi, của “cu cậu” Bảo Sinh trường Bưởi, thuộc con nhà thượng lưu những năm 50 của thế kỷ trước luôn giải quyết ân oán bằng những lời thách đấu dưới cột đồng hồ, hệt câu nói thịnh hành một thời một thuở của thanh niên Hà Nội: “Một chọi một lên cột đồng hồ”.

Nguyen Bao Sinh ke chuyen dam boc
Lão nhân đấm bốc Nguyễn Bảo Sinh chia sẻ cùng tác giả (Ảnh: Thành Phạm)

Kỳ 1: “Một chọi một lên cột đồng hồ”

“Một chọi một” nghĩa là để giải quyết va chạm hoặc mâu thuẫn, cánh thanh niên Hà Nội xưa xử sự rất quân tử là đánh nhau tay đôi; còn “cột đồng hồ” là địa danh ở đầu phố Hàng Đậu, nơi có chiếc đồng hồ công cộng đầu tiên dưới thời Pháp thuộc.

Giang hồ nhũng nhiễu lắm

Đấm bốc hay còn gọi là boxing/quyền anh – môn võ của phương Tây - du nhập vào Việt Nam theo người Pháp đầu thế kỷ 20. Ngày ông Sinh đi học trung học, vốn con nhà gia giáo, thuộc tầng lớp quý tộc, chả ai trong nhà ủng hộ ông việc học quyền anh, cũng chả lò võ nào nhận đám trẻ ranh vào học. Thế nhưng nếu không học, “cậu” Bảo Sinh chỉ rụt cổ như một con rùa mỗi khi bị khiêu chiến.

“Quanh trường Chu Văn An của tôi ngày ấy, thường có đám giang hồ tụ tập. Nổi danh phải kể đến nhóm của Tâm "ba tai" và nhóm của Mả "lươn". Bọn này thường tranh sơn dữ lắm. Khi thì chúng kéo đàn kéo đám, đánh giáp la cà một trận tơi tả. Khi thì chúng hẹn nhau thách thức xem ai mới xứng danh đại ca.

Có lần tôi nghe kể, thằng Mả "lươn" đưa ra lời thách chặt đứt một ngón tay với Tâm "ba tai". Nếu ai làm được thì là đại ca. Ngược lại, Tâm "ba tai" đưa ra lời thách cắt tai mình rồi nướng ăn. Sau lời thách chỉ có Tâm "ba tai" làm được và cũng vì cắt mất một miếng tai, nó mới thành ra cái tai và cái biệt danh rất dị ở trên. – Ông Sinh kể rất hoạt ngôn, khuôn mặt giãn ra như thể muốn người nghe hiểu rằng, cái thời ông bập bẹ học quyền anh, quanh ông giang hồ nhũng nhiễu lắm!

Trên nền bối cảnh ấy, tưởng rằng ông Bảo Sinh ngày đêm lén đi găng, đấm cát là để phòng thân mỗi khi đám Tâm "ba tai" hay đám Mả "lươn" động tới. Ai dè, cái cớ đó chỉ là phụ và ông kể lại cho thêm phần sinh động trước khi kể sang chuyện ông đấu quyền anh rồi bị cắn đứt tai.

Nguyen Bao Sinh ke chuyen dam boc
Ông Bảo Sinh kể chuyện giang hồ ngày đi học trường Chu Văn An
(Ảnh: Thành Phạm)

Quân tử "xử" nhau bằng đấm bốc

Trong “Thú chơi Hà Nội”, một cuốn sách nhỏ như sổ tay tròn 100 trang (ông không bao giờ xuất bản), ông Bảo Sinh viết: “Quyền anh là môn võ thuộc tầng lớp trên của Hà Nội, còn các loại khác là của các tay anh chị sở mật thám và giới lục lâm thảo khấu”.

Sở dĩ ông viết vậy vì thời ông còn ngồi trên ghế trường Bưởi quyền anh là môn võ tối thượng để cho ông và đám bạn giải quyết những xung đột cá nhân, thậm chí những xung đột có pha cả tính chất dân tộc do lịch sử để lại.

 

Chúng tôi, những học sinh trường Bưởi ngày đó học quyền anh là để giải quyết mâu thuẫn với đám học sinh trường Lyceé Albert Sarraut


 
Trường Bưởi đầu thế kỷ 20 là trường trung học dành cho học sinh người Việt và là đối trọng cả về thành tích học tập lẫn thành tích thể thao với trường dành cho học sinh người Pháp - Lyceé Albert Sarraut (nay là nền trường Trung học Trần Phú, quận Hoàn Kiếm).
 
Ngoài ra do sự khác biệt về hệ tư tưởng cũng như tính chất đấu tranh vì dân tộc, học sinh hai trường này luôn có những xung đột. Đến những năm 50, thời ông Bảo Sinh theo học, tàn dư xung đột vẫn chưa cháy hết.

“Tôi cùng đám bạn thường lén học quyền anh trên đài, rồi có những đứa được chính bố nó dậy, sau đó dậy lại cho các bạn. Chúng tôi, những học sinh trường Bưởi ngày đó học quyền anh là để giải quyết mâu thuẫn với đám học sinh trường Lyceé Albert Sarraut.

Bao giờ cũng vậy, chúng tôi sẽ hẹn nhau tới cột đồng hồ ở đầu phố Hàng Đậu để đưa ra lời thách đấu. Sau đó hai bên hoặc là kéo nhau xuống bãi sông Hồng “chiến” luôn, hoặc hẹn ngày cụ thể chứ không “thi đấu” ngay ở cột đồng hồ.

Cột đồng hồ đầu phố Hàng Đậu, nơi chứng kiến nhiều lời thách đấu của thanh niên Hà Nội xưa. (Ảnh: Internet) 

Dù là boxing vỉa hè, không võ đài nhưng nguyên tắc “thi đấu” rất rõ ràng. Đó là một chọi một, không được dùng bất cứ vũ khí gì. Hai bên đánh nhau trong sự chứng kiến của nhiều người, khi đánh xong là xong, mâu thuẫn được giải quyết và có thể bắt tay trước khi giải tán.

Năm 1951, khi đó tôi 14 tuổi, tôi và một cậu học sinh cũng là người Việt ở trường Lyceé Albert Sarraut xảy ra mâu thuẫn và buộc phải đấu quyền anh. Trận đấu diễn ra dưới bãi sông Hồng. Khi tôi ra đòn liên tục, cậu ta đã áp sát rồi bất ngờ cắn đứt tai trái của tôi.”

Kể đến đây, ông Sinh nghiêng người sang một bên, vén tai trái của mình lên cho tôi xem những đường chỉ chẳng bao giờ liền lại. Với ông, đó là dấu tích không bao giờ quên, là chấn thương lớn nhất sự nghiệp đấm bốc của mình.

Tôi xem xong thì đùa ông rằng: Thế là có thể ví ông như Holyfield Việt Nam, còn đối thủ năm nào cắn tai ông là Mike Tyson Việt Nam. Ông bỗ bã, tưng tửng như cái giọng trào phúng vốn ngấm sẵn trong máu ông mà nửa ừ nửa lắc. Ừ, vì có cái giống là đứt tai. Lắc, là vì cú bập răng xấu hổ nhất làng quyền anh thế giới của võ sĩ thép Mike Tyson mãi ngót nửa thế kỷ sau mới xảy ra. Vậy nói cho đúng phải gọi Evander Holyfield là Bảo Sinh của Mỹ.

Trước khi khánh thành cầu Long Biên, đốc lý Pretre Charles cho lắp chiếc đồng hồ ngoài trời đầu tiên ở đầu phố Hàng Đậu, tiếp đó ở quảng trường Đông Kinh nghĩa thục (ngày nay), rồi Cửa Nam, cổng Bảo tàng Lịch sử, ngã tư Sở...
Trừ chiếc đồng hồ ở đầu phố Hàng Đậu là hai mặt tròn, còn lại là ba mặt vuông để mở rộng góc xem giờ. Cột đồng hồ đầu phố Hàng Đậu lúc nào cũng đông đúc người qua lại và cạnh đó có bốt công an gác cầu nên thanh niên không bao giờ đánh nhau ở đây. Địa điểm hẹn đánh nhau chính là cột đồng hồ trước Bảo tàng Lịch sử vì khu vực này không có nhà dân, thưa vắng người qua lại.
Địa danh “Cột đồng hồ” sau này là thành tụ điểm của giới giang hồ, trước khi diễn ra những vụ thanh toán nhau lẫn nhau. “Một chọi một lên cột Đồng Hồ” trở thành một... lời thách đấu.

… Còn nữa.


Hà Thành

Bình luận
vtcnews.vn