“Vua cá sấu” phục dựng trà của vua Mạc

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 28/10/2011 06:30:00 +07:00

(VTC News) - Anh đã viết nên huyền thoại cá sấu Việt Nam, thì anh cũng có thể viết ra huyền thoại Mạc trà.

(VTC News) - Anh đã viết nên huyền thoại cá sấu Việt Nam, thì anh cũng có thể viết ra huyền thoại Mạc trà.

Một ngày cuối tuần, nghệ nhân trà Việt hàng đầu Việt Nam Hoàng Anh Sướng gọi điện hỏi tôi, rằng có biết cái lão nuôi cá sấu ở Hải Phòng là ai không? Tôi bảo, Tuyến “cá sấu” thì lạ gì, nổi tiếng Hải Phòng, ai chả biết.

Sở dĩ nghệ nhân trà Trường Xuân nổi tiếng Hà thành này quan tâm đến Tuyến “cá sấu” là bởi vì, ông “vua cá sấu” đi nghiên cứu về trà Việt. Hoàng Anh Sướng biết rằng, trà là thú tao nhã, là kinh nghiệm đúc rút trăm năm, không phải ai cũng làm được.

"Vua cá sấu" Cao Văn Tuyến. 

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng không giàu, nhưng anh bỏ tiền túi cả tỷ đồng để chu du Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông không biết bao nhiêu lần chỉ để học hỏi văn hóa uống trà, công nghệ kinh doanh trà, để đúc rút kinh nghiệm cho việc quảng bá trà Việt.

Anh sẵn sàng bỏ bao công sức ra Bắc vào Nam để giúp đỡ doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ khôi phục trà Việt. Trà Việt mới là thứ uống đích thị của người Việt, chứ không phải cafe. Khát vọng của Hoàng Anh Sướng và Đặng Lê Nguyên Vũ không phải làm giàu cho bản thân mình, mà muốn trà Việt được người Việt tôn trọng. Sau đó, thế giới phải tôn trọng.

Anh Tuyến và nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng. 

Nhưng rồi, dự án lớn của đại gia cafe lẫy lừng kia cũng thảm bại. Bao năm nay, Hoàng Anh Sướng sẵn sàng dốc hết sức lực, kinh nghiệm để giúp đỡ những người có khát vọng phục hưng trà Việt. Kết cục, Hoàng Anh Sướng bảo, chẳng có gì khó hơn kinh doanh văn hóa trà.

Ấy vậy mà, đùng một cái, ở vùng đất mà xưa nay vẫn thường coi là có máu giang hồ, lại có một người đòi phục dựng văn hóa trà Việt. Mà khổ nỗi, người ấy lại là ông chủ của một trang trại cá sấu, chả có liên quan gì đến trà cháo.

Thạch thi viên - nơi anh Tuyến khắc những vần thơ bất hủ các tác gia lớn và những vần thơ mà anh yêu thích của bạn bè vào đá. 

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng bảo, doanh nhân này phục dựng trà Việt khó có thể thành công, nhưng anh vẫn rủ tôi xuống Hải Phòng và mong truyền khát vọng làm trà cho ông “vua cá sấu”.

Những điều nghệ nhân Hoàng Anh Sướng nói, là kinh nghiệm đúc rút từ trăm năm làm trà của gia đình anh, nhưng tôi lại nghĩ đến “vua cá sấu” Cao Văn Tuyến ở một góc độ khác. Từ một người chẳng hiểu biết gì về nông nghiệp, càng không hiểu gì về cá sấu, nhưng chỉ vì tình yêu với vẻ đẹp dữ dằn, nguyên thủy của con cá sấu, mà anh đã trở thành “vua cá sấu đất Bắc” – ông vua chẳng có ngai vàng, chẳng giàu có quyền lực, nhưng ở trong lòng những người nông dân.

Anh Tuyến và khách thưởng Mạc trà tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc 

Đến các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học cũng thất bại trong việc đưa cá sấu ra vùng lạnh, vậy mà Cao Văn Tuyến dám đưa ra, nhân giống thành công, cùng với hàng trăm nông dân làm giàu, thì phải công nhận rằng, anh là người khác biệt.

Cao Văn Tuyến làm việc như một nông dân chính cống, nhưng anh là người biết yêu cái đẹp, nâng niu cái đẹp và thích nghiên cứu lịch sử. Trong nhà anh, tràn ngập các gian phòng là tranh của các họa sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam. Anh có cả bảo tàng cổ vật.

Anh Tuyến bên long đao của Mạc Đăng Dung. 

Văn phòng làm việc của anh có “giá sách bạn bè”, nơi trân trọng đặt những cuốn sách bạn văn tặng. Và trong khuôn viên trang trại cá sấu, có cả một “thạch thi viên”, nơi anh khắc những câu thơ bất hủ và những câu thơ của bạn bè mà anh yêu thích lên đá.

Anh bảo, người Hải Phòng là giang hồ, nhưng không phải đầu trộm đuôi cướp, mà là những kẻ phóng bước giang sơn hải hồ, coi bốn biển là nhà. Anh có tâm hồn đẹp của một kẻ sĩ đất cảng, và đất cảng chẳng ai giao du với giới nghệ sĩ, các nhà văn hóa nhiều như anh. Vì thế, tôi hiểu rằng, ông “vua cá sấu” đi nghiên cứu vua Mạc uống trà thế nào, để rồi phục dựng lại, cũng không có gì lạ.

Mạc trà trên bàn thờ vua Mạc Đăng Dung. 

Ngày khánh thành Khu tưởng niệm Vương triều Mạc ở Dương Kinh, tôi cũng về tham dự. Có lẽ, tiết mục ấn tượng nhất là cuộc rước thanh long đao của vua Mạc Đăng Dung từ Nam Định về khu tưởng niệm này để trưng bày. Nhưng giờ, tôi mới biết, hóa ra, người đứng sau và có công rất lớn trong cuộc truy tìm, tổ chức long trọng rước long đao về Dương Kinh là Cao Văn Tuyến.

“Vua cá sấu” họ Cao, ông Đăng Dung họ Mạc, con cháu Mạc Đăng Dung sau phần lớn cải thành họ Hoàng. Như vậy, Cao Văn Tuyến chẳng có họ hàng gì với ông vua Mạc kia cả, cớ gì lại quan tâm đến ông ấy thế.

Cao Căn Tuyến bảo, tìm hiểu những bí ẩn lịch sử, anh thấy thích ông Mạc Đăng Dung. Vua Mạc xuất thân từ người đánh cá. Vốn trí dũng hơn người, ông tham gia các cuộc thi tuyển quan võ ở Thăng Long, trúng Đô lực sĩ xuất thân (Võ Trạng nguyên), được sung quân Túc vệ.

Đến Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, du khách có thể thưởng thức Mạc trà. 

Với thanh đại long đao nặng hơn 32kg, Mạc Đăng Dung đã xông pha trận mạc và bách chiến bách thắng trong các cuộc dẹp loạn: Cù Khắc Xương, Trần Công Vụ, Lê Quảng Độ, Trần Thăng (ở Thái Nguyên, Lạng Sơn), Nguyễn Hoằng Dụ (Thanh Hóa). Do lập nhiều công lớn, dẹp loạn các phe phái, bảo vệ triều đình, nên được phong tới chức Thái sư, tước An Hưng vương, đức trí bậc nhất triều đình.

Triều Lê Sơ suy tàn, nên năm 1527, Hoàng đế Lê Cung Hoàng đã hạ chiếu nhường ngôi cho Thái sư Mạc Đăng Dung.

Mạc Đăng Dung lên ngôi, lập ra triều Mạc, lấy niên hiệu Minh Đức. Trị vì đến năm 1529, ông nhường ngôi cho con cả Mạc Đăng Doanh. Ông về nơi sinh thành là làng Cổ Trai xây dựng Dương Kinh, là kinh đô thứ 2 của triều Mạc, đô thị ven biển đầu tiên của Việt Nam. Tại đây, có thương cảng sầm uất, quân đội hùng mạnh, thậm chí có cả trường Quốc gia học, tương đương với Quốc Tử Giám ở Thăng Long.

Các sản phẩm Mạc trà. 

Chính sử đương thời chê trách vua Mạc cướp ngôi, song lịch sử sau này đã nhìn nhận lại. Vua Mạc không thực sự là người ham quyền chức, mà bởi triều Lê đã quá suy tàn. Dưới thời trị vì của Mặc Đăng Dung, nhiều hiền tài được chiêu nạp, đất nước có được một thời kỳ thịnh trị.

Những ngày tìm hiểu về Mạc Đăng Dung, cả chính sử lẫn dân gian, Cao Văn Tuyến nhận thấy rằng, có hai thứ luôn theo vua Mạc, đó là thanh long đao và ấm trà.

Truyền rằng, những ngày dựng thành nhà Mạc ở vùng Hà Tuyên (xưa kia gồm Tuyên Quang và Hà Giang), ông đã được thưởng thức một thứ trà tuyệt vời hái từ những ngọn núi chìm trong mây mù, gọi là trà San Tuyết. Cao Văn Tuyến đoán rằng, đó là trà của vùng Tây Côn Lĩnh, nóc nhà Đông Bắc Việt Nam. Chỉ có trà đó ở vùng Hà Tuyên xưa, mới có thể làm vua mê mẩn được.

Không gian thưởng thức Mạc trà. 

Niềm đam mê uống trà của vua Mạc Đăng Dung được nâng lên thành huyền thoại. Thứ trà lạ đã giúp ông tỉnh táo, mạnh mẽ và thăng hoa trong các cuộc chinh chiến, dựng nghiệp.

Thanh long đao huyền thoại nhuốm máu kẻ thù kia, bỗng một ngày hiện hình trong búp trà xanh, mà dân gian gọi là “Mạc đao kỳ trà”. Cao Văn Tuyến đưa cho tôi xem một hộp trà, với những búp trà hình đao thật sự. Thứ uống của vua hẳn là phải công phu như thế.

Những câu chuyện vua Mạc múa đao và uống trà, mê trà, rồi cũng chìm vào quên lãng, cùng với sự đổ nát của Dương Kinh, sự tan vỡ của nhà Mạc. Thứ trà vua uống đó cũng biến mất một cách bí ẩn như thanh long đao từng làm bạt vía quân thù.

Búp trà có hình long đao của vua Mạc. 

Gần 5 thế kỷ sau, nghiên cứu về ông vua Mạc, như duyên trời định, “vua cá sấu” Cao Văn Tuyến đã tìm thấy bí quyết của Mạc trà, để rồi, những câu chuyện kỳ bí của thức uống đầy huyễn hoặc kia hớp hồn anh.

Thế rồi, chỉ với đôi câu ca ngợi Mạc trà của Nguyễn Dữ (được vua Mạc ban họ là Mạc Trí Hiền) “Cao Tuyên thảo địa linh - Mạc trà cung đình ẩm”, Cao Văn Tuyến đã bê trễ công việc chăm nom cá sấu, lăn lộn khắp vùng Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, để tìm cho được thứ trà ngon nhất, quyết phục dựng Mạc trà.

Giờ đây, ngồi giữa vườn “thơ đá” trong trang trại cá sấu, Cao Văn Tuyến không nói nhiều về cá sấu nữa, mà anh nói nhiều về Mạc trà.

Liệu Mạc trà có thành thương hiệu trà Việt lớn? 

Bao nhiêu gia sản, Cao Văn Tuyến đã dồn cả vào cuộc đánh cược sống còn này. Lỗ lãi thế nào, anh chưa tính đến, nhưng khát vọng của anh, là muốn người Việt uống trà Việt, chứ không phải những thứ trà Tây, trà Tàu, mà anh bảo những người yêu văn hóa Việt như anh không “ẩm” nổi.

Những tài liệu quý nói về Mạc trà, Cao Văn Tuyến đã sưu tầm đầy đủ. Nhưng anh đóng hộp những thứ đó, cất vào chiếc hòm kính để thờ. Chỉ khi nào Mạc trà được phục dựng thành công, anh mới mở ra cho mọi người tham khảo.

Trước mắt, với Cao Văn Tuyến, như nghệ nhân Hoàng Anh Sướng nói, là một trận chiến vô cùng khó khăn, cuộc chiến với trào lưu sính ngoại. Tôi thì tin anh làm được ở mức độ nào đó. Anh đã viết nên huyền thoại cá sấu Việt Nam, thì anh cũng có thể viết ra huyền thoại Mạc trà.

Vị Thủy


Bình luận
vtcnews.vn