Vụ xe ga đồng hạng 16 triệu: Phải chờ Honda "mở lời"?

Kinh tếThứ Năm, 04/03/2010 01:10:00 +07:00

(VTC News) - Luật sư thì cho rằng cơ quan chức năng có thể "làm ngay"; nhưng quản lý thị trường cho biết phải chờ Honda VN "có lời"...

(VTC News) - Như VTC News đưa tin mới đây, tại cửa hàng số 109 đường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) lại xuất hiện loại xe ga giá đồng hạng 16 triệu đồng/chiếc với kiểu dáng rất giống các loại xe AirBlade, SCR, Win 100... Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa thấy động tĩnh gì từ phía Honda; trong khi lực lượng chức năng khẳng định phải khi Honda "có lời" họ mới thực hiện được việc xử lý hành vi vi phạm (nếu có).

Cần phải "có lời" của Honda

 

Luật sư Bạch Thanh Bình, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh, đơn vị đại diện về mặt pháp lý cho Tập đoàn Honda Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết: Trước các vụ xâm phạm về sở hữu trí tuệ của các cửa hàng rao bán "xe Honda" giá đồng loạt 16 triệu đồng, hiện Văn phòng này chưa nhận được yêu cầu đại diện pháp lý từ phía Honda Nhật Bản trước thông tin xe giống kiểu dáng Honda bày bán công khai trở lại.

Những chiếc xe ga giá đồng hạng 16 triệu đồng giống kiểu dáng xe Honda tại cửa hàng trên phố Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.

Ông Bình cho rằng: Theo Luật Sở hữu trí tuệ mới, trước các vụ việc xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, sở hữu trí tuệ, các hãng không phải làm cảnh báo đến các cửa hàng. "Vì vậy, các cơ quan chức năng có thể thực hiện việc xử lý hành vi vi phạm", ông Bình cho hay.


Tuy nhiên, ông Trần Vũ Linh, Đội trưởng Đội cơ động chống hàng giả (Đội QLTT số 14, Chi Cục QLTT Hà Nội) thì lại nói: "Việc có làm được hay không lại phụ thuộc vào... Honda". Theo ông Linh, việc các hãng không giao cho các cơ quan tư vấn pháp luật đứng ra đại diện đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi thực hiện điều tra, xử lý các vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009, trước khi mời cơ quan chức năng vào cuộc, các hãng không phải cảnh báo đối với các cửa hàng có hành vi bán hàng "nhái", "giả mạo" nhãn hiệu. Nhưng theo ông Linh, bản thân các hãng phải có các yêu cầu và xuất trình các căn cứ chứng minh quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm. Mặt khác, hãng cũng phải xác nhận khi có việc bắt giữ. "Nếu không có xác nhận này thì cơ quan chức năng cũng không có căn cứ để xử lý được", ông Linh nói.
 

Cũng theo ông Linh, điểm mấu chốt của vấn đề là phải chờ phía Honda "có lời", bởi vì trong khía cạnh pháp luật buộc các doanh nghiệp đó phải chịu trách nhiệm về cung cấp thông tin sản phẩm cũng như các yêu cầu về quyền sở hữu trí tuệ của họ ở nước sở tại.

 

Cần bằng chứng là hàng giả hoặc nhái

 

Ông Linh cho biết, trước đây QLTT cũng có xử lý một số vụ xâm phạm về kiểu dáng công nghiệp đối với xe máy nhưng sau đó các hãng cũng không có yêu cầu nên số vụ cần xử lý ngày càng ít đi.

Trong một vụ việc tương tự về những xe ga có kiểu dáng SCR và Spacy giá 16 triệu đồng bị tịch thu tại số 135 Nguyễn Tuân (Hà Nội) hồi giữa năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ đã giám định và kết luận cửa hàng này làm giả nhãn hiệu của Honda. Tuy nhiên, đó là với xe được cơ quan chức năng phát hiện dán nhãn hiệu Honda. 
Còn đối với xe không dán nhãn và đăng ký bản quyền, thì hoàn toàn không thể xử lý được trừ khi cơ quan chức năng chứng minh đó là hàng giả hoặc hàng nhái một nhãn hiệu nào đó…

Một điều tra viên của Công an quận Thanh Xuân từng tham gia vụ tịch thu xe Honda giả tại 135 Nguyễn Tuân (Hà Nội) cho biết: Nếu chứng minh được các sản phẩm được bày bán đó là hàng giả và có giá trị hơn 30 triệu đồng thì có thể truy tố theo điều 156 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 đến dưới 150 triệu đồng, hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc đã bị xử phạt hành chính, thì sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. 
 


Đối với hàng nhái, theo nghị định số 106 năm 2006 của Chính phủ về các hành vi vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp thì: Nếu vi phạm trên 50 triệu đồng (tương đương giá trị hàng thật) cùng với việc cơ quan chức năng làm rõ được hành vi "cố tình làm nhái" thì mới bị xử phạt hình sự. Các hành vi vi phạm liên quan tới sản phẩm làm nhái có trị giá dưới 50 triệu đồng chỉ bị xử phạt hành chính với mức tiền gấp từ 1 đến 4 lần tùy theo giá trị lô hàng.

 

Hà Lan

Bạn có nhận xét gì về thông tin trong bài viết này hay muốn bày tỏ quan điểm các khả năng xử lý vi phạm của hệ thống cửa hàng xe giá đồng hạng 16 triệu? Hãy gửi phản hồi cho chúng tôi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng cảm ơn!

Bình luận
vtcnews.vn