Vụ trưởng về hưu vẫn được 'giữ lại': Bộ Tư pháp giải thích thế nào?

Thời sựThứ Ba, 08/04/2014 02:32:00 +07:00

(VTC News) – Người phát ngôn Bộ Tư pháp khẳng định việc kéo dài thời gian công tác đối với một Vụ trưởng thêm 6 tháng là đúng với quy định pháp luật hiện hành.

(VTC News) – Người phát ngôn Bộ Tư pháp khẳng định việc kéo dài thời gian công tác đối với một Vụ trưởng thêm 6 tháng là đúng với quy định pháp luật hiện hành và điều này xuất phát từ nhu cầu của Bộ Tư pháp.

Sáng 8/4, tại cuộc họp báo quý II/2014, Ông Trần Tiến Dũng, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp đã trả lời báo chí một số câu hỏi liên quan về một số trường hợp cán bộ quá tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn được kéo dài thời gian công tác.

Về hưu được giữ lại vẫn đúng luật?

Liên quan đến trường hợp của ông Trần Văn Quảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp), nếu theo đúng tuổi sẽ nghỉ hưu từ ngày 1/3/2014 nhưng sau đó đã được Ban cán sự Đảng ủy Bộ Tư pháp đồng ý kéo dài thời gian công tác thêm 6 tháng đến tháng 9/2014.
Trường hợp của TS Dương Thị Thanh Mai, được hưởng phụ cấp của viện trưởng dù đã nghỉ hưu và không còn giữ chức Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý.

Về 2 trường hợp trên, người phát ngôn Bộ Tư pháp khẳng định, việc kéo dài thời gian làm việc với 2 ông bà này là đúng với quy định pháp luật hiện hành và điều này trước hết xuất phát từ nhu cầu của Bộ Tư pháp.

Về việc kéo dài tuổi nghỉ hưu 6 tháng đối với ông Quảng, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, theo Điều 187 khoản 3 Bộ Luật lao động có quy định người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có trình độ quản lý có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm quy định.

Đồng thời điều này cũng giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành. Chính phủ đã thảo luận và cho ý kiến và đang trình cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến, xem xét quyết định. Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành thì Bộ Tư pháp vận dụng quy định của điều luật để quyết định kéo dài 6 tháng với ông Quảng vì xuất phát từ nhu cầu của Bộ Tư pháp.

“Thời điểm ông Quảng nghỉ hưu Bộ Tư pháp có sự biến động lớn về lãnh đạo bộ, có 2 thứ trưởng luân chuyển, từ 1/5 thứ trưởng Hoàng Thế Liên nghỉ hưu, sắp tới chỉ còn 2 thứ trưởng.
Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng. 
Hơn nữa 2 thủ trưởng đơn vị cũng được Ban bí thư xem xét luân chuyển về địa phương. Lần đầu tiên, Bộ thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ. Ông Quảng có năng lực, học ở nước ngoài, sức khỏe vẫn đáp ứng yêu cầu công tác” – Ông Dũng lý giải.

Theo ông Dũng, Ban cán sự Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp, mời đại diện Ban tổ chức trung ương và Ban nội chính và ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã thống nhất kéo dài tuổi nghỉ hưu của ông Trần Văn Quảng và có thông báo của Ban cán sự gửi các cơ quan trung ương, công bố công khai tại giao ban các đơn vị thuộc Bộ.

“Và đến thời điểm này chưa nhận được phản ứng nào của cán bộ công chức viên chức Bộ Tư pháp” – người phát ngôn Bộ Tư pháp khẳng định.

Đối với TS Dương Thị Thanh Mai, ông Trần Tiến Dũng cho biết, việc kéo dài thời gian công tác được tuân theo Nghị định 71/2010 về thời gian công tác đến độ tuổi nghỉ hưu.

“Kéo dài cũng xuất phát từ nhu cầu công tác của bộ ngành, cần người có chuyên môn cao, nghiên cứu khoa học, xây dựng chiến lược. Thời gian qua bà Mai đã tham gia vào nhiều dự án luật quan trọng cũng như chính sách quan trọng của Bộ Tư pháp. Bà Mai có đầy đủ năng lực chuyên môn, sức khỏe và năng lực chuyên môn. Lĩnh vực nghiên cứu khoa học pháp lý cũng hết sức quan trọng” – ông Dũng lý giải.

Chế độ công tác của bà Mai được quy định tại Điều 7 Nghị định 71, đó là cán bộ công chức kéo dài thời gian công tác được hưởng lương và chế độ theo nguyên tắc, được đảm nhận tiền lương và các chế độ không thấp hơn tiền lương, trước khi kéo dài thời gian công tác.

Thông tư 02/2005 của Bộ Nội vụ, hướng dẫn phụ cấp cán bộ lãnh đạo công chức viên chức: được bảo lưu mức phụ hưởng.

“Thực tế đã chứng minh, quyết định đúng đắn của Ban cán sự Đảng bộ Bộ Tư pháp. Ngày 15/1/2014, Bộ trưởng đã ký quyết định cho TS Dương Thị Thanh Mai được nghỉ hưu sau 5 năm để hưởng chế độ bảo hiểm” – Ông Dũng nói.

Hơn 6.000 kiều bào đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam

Theo quy định, tới 1/7 này, công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài nếu không đăng ký giữ quốc tịch sẽ bị mất quốc tịch Việt Nam.

Thời hạn 5 năm cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được đăng ký để giữ quốc tịch Việt Nam kể từ ngày Luật Quốc tịch 2008 có hiệu lực thi hành đã sắp hết. Nhiều người lo lắng đến thời điểm 1/7 này, hàng triệu kiều bào đang định cư ở nước ngoài sẽ đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) cho rằng, đất nước ta đã trải qua hai cuộc chiến tranh giành độc lập cùng việc điều chỉnh đường biên giới với các nước láng giềng và sự dịch chuyển quốc tế đối với một bộ phận dân cư, cũng như một bộ phận người di cư tự do hiện đang sinh sống trên lãnh thổ nước ta đã tạo nên tình trạng không rõ ràng về quốc tịch, nhất là đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Do vậy, năm 2008, Bộ Tư pháp đã xác định, cùng với các Bộ, Ngành khác đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội cho sửa Luật Quốc tịch 1988, 1998. Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao vào thời điểm đó (năm 2008) có hơn 3 triệu người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài.

Cho đến nay,chúng ta vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác trong số 4,5 triệu người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài có bao nhiêu người đã có quốc tịch nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam, bao nhiêu người còn quốc tịch Việt Nam mà chưa có quốc tịch nước ngoài.

“Sự không rõ ràng về quốc tịch của phần lớn người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã gây khó khăn không những cho bản thân họ trong việc tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, mà còn gây khó khăn trong việc thực hiện chủ trương, chính sách bảo hộ của Nhà nước đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài trong trường hợp cần thiết” – ông Khanh nói.

Theo ông Khanh, qua rất nhiều phiên họp, nhiều báo cáo giải trình, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, cuối cùng Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ theo phương án: Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, theo quy định của Luật sửa đổi Luật Quốc tịch lúc đó (2008) vẫn có quốc tịch Việt Nam và trong vòng 5 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thì những người này phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.

Hết 5 năm (tức tới ngày 1/7/2014) mà không đăng ký sẽ mất quốc tịch Việt Nam. Đấy là quy định của dự thảo luật, sau đó đã được Quốc hội thông qua, chính thức có hiệu lực, đi vào thực hiện từ 1/7/2009.

Theo Cục trưởng Khanh, đấy là quy định của luật pháp và quá trình đăng ký đã diễn ra trong vòng 5 năm qua. Qua nghiên cứu pháp luật các nước, Cục nhận thấy, phần lớn những người Việt Nam định cư ở nước ngoài hiện nay đã có quốc tịch nước ngoài, ví dụ như các trường hợp định cư ở Pháp, Mỹ, Canada, Úc.

Tuy nhiên, pháp luật về quốc tịch của các nước ngày không bắt buộc công dân Việt Nam nói riêng hay người nước ngoài nói chung khi nhập quốc tịch nước họ thì phải bỏ quốc tịch gốc.

Vì thế, công dân của chúng ta bên đó vẫn còn quốc tịch. Pháp luật quốc tịch của Việt Nam từ 1945 đến nay chưa bao giờ quy định công dân Việt Nam nếu nhập quốc tịch ở nước ngoài thì mặc nhiên mất quốc tịch Việt Nam. Đấy cũng là một đặc thù khác biệt so với pháp luật về một quốc tịch so với các nước.

Tính đến nay, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao mới chỉ có trên 6.000 người đang định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, song không có thống kê chính xác trong số đó những ai đang có quốc tịch nước ngoài, những ai chưa có quốc tịch nước ngoài. Địa bàn phần lớn công dân Việt Nam đăng ký giữ quốc tịch ở Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp. Còn những địa bàn theo nguyên tắc quốc tịch thì rất ít công dân mình đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

Trước một số ý kiến cho rằng có nên bỏ quy định trên hay không? Cục trưởng Nguyễn Công Khanh cho biết, Cục Hộ tịch - Quốc tịch- Chứng thực đã cùng Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật Hành chính-Hình sự và một số đơn vị hành chính, trị sự liên qua đã liên tục họp để đề xuất các phương án như sửa như thế nào, kéo dài thêm thời gian hay không, hoặc kiến nghị các phương án khác.

Phương án chốt cuối cùng sẽ chờ Bộ trưởng Hà Hùng Cường trình Thủ tướng tới đây rồi mới công khai được. 

Nguyễn Dũng
Bình luận
vtcnews.vn