Vụ tra tấn trẻ và sự "không tưởng tượng nổi" của ĐBQH

Thời sựThứ Sáu, 07/05/2010 06:14:00 +07:00

(VTC News)- "Không nên để đồng tiền làm hạ nhân phẩm, danh dự" - bà Ngô Thị Minh nói về việc dùng tiền đòi bãi nại vụ hành hung dã man trẻ em như thời trung cổ.

(VTC News) - Nói về việc vợ chồng chủ trại tôm Minh Đức dùng tiền đòi gia đình em Hào Anh bãi nại vụ hành hung dã man, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng: "Không nên để đồng tiền làm hạ nhân phẩm, danh dự..."

Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. (Ảnh:na.gov.vn)

Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội vừa trao đổi với VTC News về vụ việc em Hào Anh,14 tuổi ở ấp Phú Hiệp, xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi, Cà Mau) bị vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức hành hạ dã man.

- Thưa bà, suy nghĩ của bà khi biết em Hào Anh, 14 tuổi bị vợ chồng Giang - Thơm (chủ trại tôm giống nơi em Hào Anh làm thuê) đạp xuống sông, trói chân tay phơi nắng, tạt nước sôi vào người, dùng bàn là nóng áp vào thân thể, gắp than bỏ vào miệng, lấy kìm bẻ gãy răng, dùng kìm bấm sứt môi, tạt nước tẩy rửa vào người, bắt uống nước tiểu...?

Tôi cũng như bao người khác, nghe thông tin như vậy rất bất bình vì không nghĩ ở một xã hội văn minh thế này mà có những người hành hạ trẻ em như ở thời trung cổ như thế. Tôi không biết những người lớn đó có còn tính người không? Đấy là một tội ác thực sự và cần phải có những biện pháp trừng trị, răn đe.

Tôi cũng mong báo chí theo việc này sát sao, mong Chính phủ và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh theo pháp luật, phản ánh công khai cho nhân dân biết và giám sát - nếu không, tính răn đe sẽ giảm đi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết vừa cho VTC News biết, ông đang đi công tác tại Dubai nên không thể dành thời gian trao đổi về vụ việc em Hào Anh (Cà Mau) bị hành hung dã man. Tuy nhiên, ông Thuyết cũng cho biết  dù không có mặt ở Việt Nam nhưng ông cũng đọc và nắm bắt thông tin về vụ hành hung này.

Ông bày tỏ: "Thật dã man, không tưởng tượng nổi!".

- Bà nghĩ thế nào khi đối tượng Thơm - một trong số những người hành hung dã man em Hào Anh - cũng là một người phụ nữ, một người mẹ?

Là người phụ nữ đáng ra phải cảm thông với hoàn cảnh khốn khổ của em bé. Tôi không tưởng tượng nổi một người phụ nữ có con nhỏ mà lại đang tâm hành hạ một em bé như vậy. Tôi rất ngạc nhiên trước thông tin nêu về những hành động độc ác của người phụ nữ này.

Đây cũng là một hồi chuông lớn báo động về cách hành xử với trẻ em của những người phụ nữ, nhất là phụ nữ làm mẹ.

- Bà nói cần phải có biện pháp trừng trị, răn đe những đối tượng nhẫn tâm đó, vậy cụ thể theo bà nên xử lý các đối tượng hành hung em Hào Anh như thế nào?

Đối với người phụ nữ tên Thơm, không vì người này có con nhỏ mà pháp luật nương nhẹ (mặc dù có tính đến tình tiết để đứa con đỡ thiệt thòi). Nhưng dù là ai, khi có hành vi xấu, nhất là đối với trẻ em đều phải bị xử lý tuân thủ theo đúng pháp luật, không lấy tình thương để giảm nhẹ tội - như thế cũng làm giảm tính răn đe.

- Tuy nhiên, có thông tin mẹ của em Hào Anh đã làm đơn bãi nại vì vợ chồng Giang - Thơm đe dọa và đề nghị bồi thường vài chục triệu đồng. Vậy, nếu gia đình em Hào Anh bãi nại thì việc xử lý các đối tượng hành hung cháu bé trước pháp luật có còn đủ tính răn đe nữa không, theo bà?

Tôi nghĩ không nên để sự việc xảy ra theo hướng vì đồng tiền (nhận tiền và bãi nại). Không nên để đồng tiền làm hạ nhân phẩm, danh dự - như vậy không còn bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, của đạo lý.

Nhân nói việc này, tôi cũng rất trăn trở với việc bảo vệ trẻ em, đây là trường hợp được phát hiện, được tố giác, nhưng còn những trường hợp chưa được biết thì sao? Nên nếu không làm "căng" và xử lý nghiêm minh các đối tượng hành hung trẻ em thì trẻ em còn khổ!

Ngày 5/5, cơ quan điều tra cho biết vừa nhận đơn bãi nại của mẹ cháu bé bị nhà chủ hành hạ dã man, yêu cầu không xử lý hình sự vợ chồng chủ trại tôm.

Theo bà Phạm Thị Thoa (mẹ Hào Anh)
, khi bà lên bệnh viện chăm con thì bị Mã Ngọc Thơm (vợ chủ trại tôm Minh Đức) dùng xuồng máy bám theo chặn đường dọa dẫm bắt viết đơn bãi nại.

Một người dân xã Ngọc Chánh cho biết người phụ nữ này cũng kêu gọi  dưới tính chất dụ dỗ kèm đe dọa chị em phụ nữ ở địa phương làm đơn kêu oan cho chồng bà ta là Huỳnh Thanh Giang.
- Rất nhiều người muốn tố cáo hoặc làm chứng nhưng lại gặp phải sự đe nẹt, dọa dẫm. Một số người dân nói nếu vợ chồng hành hung em Hào Anh còn "nhởn nhơ" ngoài xã hội thì họ cũng không dám lên tiếng. Bà thấy việc này thế nào?

Tôi nghĩ, những người khác phải thể hiện rõ quan điểm của mình. Ai có điều kiện thể hiện thì thể hiện ngay, đoàn thể phải lên tiếng, những người xung quanh cũng phải bảo vệ nhau... Ở cương vị nào thì thể hiện theo cương vị đó.

Tôi ví dụ, khi tôi đi tiếp xúc cử tri về vấn đề chống tham nhũng, chạy chức chạy quyền, có người phát biểu rất hay - nhưng khi tôi đề nghị họ làm chứng để đưa ra trình bày trước Quốc hội thì họ lại từ chối. Tôi đã nói "Nếu bác từ chối thì trách nhiệm của bác với xã hội là chưa được". Chính vì vậy, vấn đề xử lý nghiêm minh trước pháp luật đòi hỏi phải có sự đồng lòng của xã hội, nếu sợ thì sẽ khiến cho ranh giới thiện - ác không rõ ràng, thậm chí còn đẩy cái ác thắng thế.

Người làm việc sai bao giờ họ cũng sợ, chỉ cần mọi người cùng đồng lòng chống lại cái ác, điều xấu thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.

- Rất nhiều người quan tâm sau khi được chăm sóc khỏe mạnh, bé Hào Anh sẽ sống thế nào, với ai (bà ngoại, mẹ với cha dượng hay Trung tâm bảo trợ). Vậy theo bà, hướng nào là tốt nhất cho bé Hào Anh?

Tôi nghĩ phải tôn trọng ý kiến của em, cho bản thân em được lựa chọn hướng tốt cho cuộc sống của mình. Em còn nhỏ thì nên phân tích cho em hiểu tình trạng hiện tại: Nếu bà nuôi thì điều kiện kinh tế của bà hiện nay thế nào? Trung tâm bảo trợ bao bọc thì ra sao? Hoàn cảnh của người mẹ với chồng mới và con mới thì có thể đưa em về ở cùng được không?...

Cá nhân tôi thì tôi thấy về sống với bà thì em có một mái nhà ấm cúng hơn vì có bà, có người anh em sinh đôi với mình. Nếu không chọn hướng này thì em cũng có thể sống tại Trung tâm bảo trợ xã hội, vì ở đó em được chăm sóc và có điều kiện đi học - tôi nghiêng về 2 hướng này hơn. Còn hướng về sống với mẹ và cha dượng cùng con riêng của họ, tôi cũng không biết sẽ thế nào...

- Đây không phải là trường hợp duy nhất về việc hành hung trẻ em, trước đó đã có những vụ việc được dư luận hết sức bất bình và phẫn nộ như: cậu chặt tay cháu vì nghi ăn cắp 55.000 đồng (Vĩnh Long), bảo mẫu hành hạ trẻ (TP.Hồ Chí Minh), cháu bé bán phở bị chủ nhân bạo hành (Hà Nội), cháu bé 11 tuổi bị mợ đánh tàn nhẫn bằng cán chổi sắt đến thâm tím cả mình mẩy (Nghệ An)... Bà thấy những hành động này nói lên điều gì trong xã hội hiện nay?

Nó phản ánh trách nhiệm của gia đình, của những người lớn tuổi chưa thấy hết trách nhiệm với con cái. Cảnh báo sự buông lỏng quản lý trẻ em trong gia đình. Cùng với đó, kiến thức và kỹ năng bảo vệ chăm sóc trẻ em của gia đình còn rất hạn chế. Rồi kỹ năng giáo dục cho trẻ em tự bảo vệ mình cũng chưa được tốt, cái này là trách nhiệm của cả gia đình - nhà trường - xã hội.

- Xin cảm ơn những ý kiến của bà!







Kiều Minh (thực hiện)

Liệu số tiền hàng chục triệu mà vợ chồng chủ trại tôm Minh Đức hứa bồi thường có mua được sự im lặng của gia đình em Hào Anh? Theo bạn cần phải xử lý như thế nào đối với vụ việc này để đảm bảo tính nghiêm minh và răn đe? Bạn có biết trường hợp tương tự nào khác cần được đưa ra ánh sáng dư luận và pháp luật? Hãy chia sẻ ý kiến với VTC News bằng cách bấm vào dòng Viết thảo luận cho bài báo dưới đây. Gõ tiếng Việt có dấu để được đăng tải. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn