Vụ TMV Cát Tường: Không chỉ có Tường và Khánh ném xác

Thời sựThứ Bảy, 01/03/2014 10:35:00 +07:00

Ngoài bác sỹ Tường và bảo vệ Khánh còn có người thứ 3 tham gia vào hành trình ném xác chị Huyền nhưng người này đã được kết luận "vô tội" khiến dư luận bất bình.


  • Cáo trạng của VKSND TP.Hà Nội về vụ Cát Tường vừa công bố cho biết chính vợ của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã trực tiếp ngồi trên xe máy của nạn nhân, trực tiếp chứng kiến việc vứt xác..., nhưng cuối cùng lại được coi là không phạm tội.
  • Đã thế, sau đó, người đàn bà này còn lớn tiếng cho rằng tài liệu của cơ quan Nhà nước là "bịa đặt" khiến công luận càng thêm căm phẫn.
Gia đình vẫn mải miết tìm chị Huyền.

Không chỉ có Tường và Mạnh đi vứt xác

Trong kết luận điều tra của cơ quan CA và cả cáo trạng của Viện kiểm sát (VKS) về vụ Cát Tường đều nhắc tới nhân vật "thứ ba" tham gia vào vụ án và có mặt trong suốt hành trình vứt xác phi tang nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền.

Người đó không ai khác chính là vợ của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường. Cáo trạng của VKSND TP.Hà Nội đã xác định, sau khi chị Huyền bị tử vong vào chiều 19/10/2103 tại Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường, lợi dụng lúc chị Bùi Thị Hoa nhân viên quản lý tài sản của chị Huyền đi ra ngoài, Đào Quang Khánh đã lấy trộm chiếc điện thoại iPhone 5 để trong túi xách bên cạnh xác chị Huyền trị giá 12.000.000 đồng.

Sau đó khoảng 23h30 cùng ngày, Tường cùng một số nhân viên đưa thi thể chị Huyền lên xe ôtô đưa đến Bệnh viện Bưu điện. Khánh cầm túi sách của chị Huyền và đi xe máy LEAD BKS: 30K-8747 (xe của chị Huyền) theo ôtô của Tường.

Đến cổng Bệnh viện Bưu điện, thấy có nhiều người và xác chị Huyền bị cứng nên Tường sợ không đi vào trong bệnh viện mà dừng lại ngoài đường. Thấy vậy, Khánh nói với Tường không đưa xác chị Huyền vào bệnh viện nữa mà ném xác xuống sông. Tường đồng ý và lái xe ôtô chở xác chị Huyền, còn Khánh đi xe máy của chị Huyền chở Nguyễn Thị Hằng (vợ Tường) đi theo sau.

Tường đi qua các tuyến đường Trần Khát Chân – Kim Ngưu – Lạc Trung – Minh Khai – cầu Vĩnh Tuy, đến đường Cổ Linh, Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội thì Khánh đi xe máy vượt lên ngang với xe ôtô của Tường và ra hiệu cho Tường dừng xe lại. Khánh bỏ xe máy và túi sách của chị Huyền ở vỉa hè rồi cùng Hằng lên xe ôtô của Tường (ngồi ghế phụ trước).

Hằng can ngăn Tường không vứt xác chị Huyền nhưng Tường không nghe mà tiếp tục lái xe đi ra quốc lộ 5 lên cầu Thanh Trì qua vị trí có nước khoảng 150m gần cột đèn số 44 thì dừng lại. Thấy không có xe và người qua lại, Tường và Khánh khiêng xác chị Huyền ra khỏi xe ôtô, đi qua giải phân cách giữa xe ôtô và xe máy, nâng xác chị Huyền qua lan can (thành cầu) rồi thả xuống sông Hồng. Sau đó, Tường, Khánh và Hằng đi về nhà.

Hành vi vứt xác chị Huyền xuống sông của Tường và Khánh đã xâm phạm thi thể, gây hậu quả nghiêm trọng, đến nay chưa tìm được thấy xác chị Huyền, ảnh hưởng xấu đến đời sống tâm linh của gia đình chị Huyền và gây phản cảm về hình ảnh, y đức của người bác sĩ khiến dư luận lên án.

Trong phần cáo trạng có nhắc tới sự tham gia tích cực của vợ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường như trực tiếp ngồi trên xe máy của nạn nhân, trực tiếp chứng kiến việc vứt xác..., nhưng cuối cùng lại được coi là không phạm tội. Sau đó, người đàn bà đó còn lớn tiếng cho rằng tài liệu của cơ quan Nhà nước là "bịa đặt" khiến công luận càng thêm căm phẫn.

Trong một diễn biến khác, anh Nguyễn Hữu Huy - chồng nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đã tỏ ra bình tĩnh khi lên tiếng không bình luận gì về phát ngôn và phản ứng của bà Nguyễn Thị Hằng trước cáo trạng mà cơ quan chức năng công bố. Anh Huy chỉ phân trần, sai phạm đến đâu đã có cơ quan chức năng xử lý đến đấy.

Anh Huy cũng cho biết, cả kết luận điều tra của cơ quan CA lẫn cáo trạng của VKSND đều có chi tiết bà Hằng tham gia tích cực vào vụ việc, nhưng không biết lý do gì bà này được tại ngoại. Cũng có lần, vợ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường liên hệ với gia đình chị Huyền để cùng tham gia khắc phục hậu quả, nhưng thái độ mang tính gượng ép và không hề có thành ý ăn năn hối cải cho tội ác mà bà ta cũng tham gia vào.

Còn một tòa án lương tâm

Trên những diễn đàn có uy tín do các nhà báo, giới luật sư, dân kinh doanh… lập ra đều đăng tải rất nhiều phản ứng khá gay gắt trước thông tin vợ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, một bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai có biết về âm mưu ném xác phi tang bệnh nhân của chồng nhưng không hề tố giác. Tất cả những ý kiến đều công tâm khi so sánh hai vụ án Cát Tường và thảm án giết 4 người cướp tiệm vàng tại Bắc Giang do sát thủ Lê Văn Luyện thực hiện.

Trong vụ án Lê Văn Luyện, những người thân của Luyện gồm bố đẻ và 5 người khác, dù biết Luyện phạm tội ác tày trời nhưng vẫn bao che, đều đã phải ra trước vành móng ngựa, bị xử lý vì các tội danh “Che giấu tội phạm” hoặc “Không tố giác tội phạm”.

Cáo trạng của VKSND Hà Nội về vụ Cát Tường không chỉ khiến người nhà chị Huyền suy sụp hoàn toàn về mặt tinh thần mà còn làm dư luận thêm hoài nghi về tính công minh và răn đe của pháp luật và càng làm tăng thêm nghi ngờ về một thế lực ngầm chống lưng cho Cát Tường.

Trong hàng trăm nghìn ý kiến đăng tải, chúng tôi xin trích một nhận xét khách quan của một độc giả để cùng suy ngẫm: “Theo tôi, Bác sĩ Tường không được cấp phép để phẫu thuật thẩm mỹ thì khi gây chết người BS Tường vẫn bị quy cái tội giết người. Giả sử bây giờ có một bác sĩ khác, vì thù ghét một ai đó mà gọi họ đến cơ sở của mình để giết và phi tang như vụ BS Tường, rồi cãi là chẳng may gây chết người vì tiêm thuốc và bệnh nhân phản ứng với thuốc…

Nếu không xử lý nghiêm minh sẽ gây ra một tiền lệ xấu về sau này”.

Bình luận
vtcnews.vn