Vụ tìm mộ Trạng Trình bằng ngoại cảm: Hội thảo khoa học hay 'hội thảo mê tín'?

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 13/03/2017 07:20:00 +07:00

Ông Đỗ Xuân Trung, Phó Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng nhận xét: "Hội thảo gì mà sặc một mùi mê tín dị đoan".

Nhân chuyện trên mạng và một số tờ báo lan truyền thông tin ầm ỹ về sự việc khả năng ngôi mộ được đào trong vườn nhà thầy bói Bùi Thị Hiền (xã Cộng Hiền, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) hồi đầu năm 2014 là mộ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhóm PV VTC News đã có loạt bài điều tra lật tẩy sự việc động trời này. Theo đó, không hề có chuyện tìm thấy mộ của cụ Trạng, mà đằng sau đó có thể là cả một âm mưu được dàn dựng kỹ càng suốt 3 năm của một nhóm người muốn được nổi tiếng, được cả danh lợi lẫn tiền bạc.

Có thể chỉ tên một số nhân vật như thầy giáo Nguyễn Đình Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến, Vĩnh Bảo, Hải Phòng (như cơ quan chức năng đã điều tra là những thông tin này được phát tán từ trang web nguyendinhminh.net); ông Lê Thiên Lý, GĐ Trung tâm Thư pháp, Câu đối và Hán nôm học Hải Phòng; nhà giáo về hưu Hoàng Phan (tự xưng là nhà Hán học, Vĩnh Bảo, Hải Phòng); Các cán bộ Viện nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, và một số thành phần ăn theo khác…

Khi mọi việc đã rõ rành rành, các cơ quan chuyên môn cùng chính quyền địa phương đã vào cuộc và khẳng định những gì Báo điện tử VTC News phản ánh là đúng sự thật, thì vẫn còn một số người muốn “cố đấm ăn xôi”. Những đối tượng này ra sức bêu riếu các phóng viên điều tra VTC News cùng các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Một trong những lý do để bấu víu chính là cuộc “Hội thảo khoa học” ngày 16/1/2017 với sự tham gia của một loạt “các nhà khoa học”. Nhưng sự thật có đúng như vậy?

Ở góc độ bài viết này, chúng tôi xin phân tích kỹ càng về cái gọi là “Hội thảo khoa học” đó, để đưa đến một cái nhìn rõ ràng hơn cho độc giả.

img_20170219_202410-2055

 Kỷ yếu hội thảo khoa học ngày 16/1/2017

img_20170219_202348-2055

 Báo cáo đề dẫn hội thảo

Những lý giải "kinh dị" về Trạng Trình

Hội thảo tổ chức ngày 16/1/2017 ở hội trường Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong “Kỷ yếu hội thảo khoa học” có bài viết "Về những ngôi mộ cổ mới phát tích tại xã Cộng Hiền, Vĩnh Bảo, Hải Phòng", tác giả là nhóm cán bộ Viện nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người, bao gồm ông Nguyễn Ngọc Lâm, ông Nguyễn Kim Bảng, bà Trần Thị Phúc, bà Nguyễn Thị Ngọc Quyên. Lý giải việc tìm thấy mộ Trạng Trình, bài viết đó kể lại như sau: Trưa 8/3/2014 âm một vong cụ ông nhập vào cô Hiền, đập tay vào sân gạch và ra lệnh: Hôm nay đưa ta lên. Mọi người đào theo chỉ dẫn của Cụ và thấy một quách gỗ màu đỏ sậm, có mùi thơm. Khi bật nắp thấy hình hài cụ còn nguyên. Khi chuyển sang tiểu mới nhiều xương tự vụn ra, còn lại xương đầu và một ít xương chân không nát vụn…

Thầy giáo Nguyễn Đình Minh trong cuốn kỷ yếu thì lại khẳng định: Cô Bùi Thị Hiền (SN 1967) là một nhà ngoại cảm chuyên tìm mộ liệt sỹ. Thời điểm phát hiện ra ngôi mộ, các cấp chính quyền và văn hóa địa phương không xác định rõ được giá trị văn hóa của các hiện vật được phát lộ, nên không quan tâm. Chính vậy nên cụ Trạng Trình đã lên vong vào bà Bùi Thị Hiền, yêu cầu giao chiếc tiểu gỗ mang về quàn tại 59 Tràng Thi (Hà Nội) từ tháng 5/2014.

Kiến trúc sư Lê Trung Kiên thì lại cổ súy: Nhờ cô Hiền giúp đỡ, gia đình tôi cũng như hàng trăm gia đình khác có hài cốt người thân là liệt sỹ hay thân nhân bị mất, mộ đều đã tìm lại được.

IMG_2700

"Nhà ngoại cảm" Bùi Thị Hiền (bên phải), nhân vật trung tâm câu chuyện 

Những tham luận trong cuộc hội thảo ngày 16/1/2017 còn lý giải về Ao Dương (như đồng giao về nơi an táng Trạng Trình: Ba ra nhìn sang, ba đồng ngoảnh lại, táng tại ao Dương) theo một cách khá hài hước. Sau một hồi dẫn giải loằng ngoằng, thì "ao Dương" chính là cái ao bèo đen ngòm trong khu vườn nhà bà Hiền. Khu đất này trước kia vốn của ông Trần Rường, nguyên bí thư huyện ủy Vĩnh Bảo, nên cái ao đó gọi là ao Rường, và cũng chính là ao Dương, vì người địa phương không sử dụng vần D mà chỉ dùng vần R, chẳng hạn như con râu (dâu), nhân rân (dân)…

Kinh dị hơn, nhà Hán học tự xưng Hoàng Phan còn kể về quá trình chôn cất cụ Trạng vì được “vong” chỉ dẫn: Trạng mất, 9 người trong đó chủ yếu là các học trò thân tín đưa thi thể cụ xuống thuyền theo dòng sông Thái Bình đến địa phận thuộc xã Đoàn Lập ngày nay làm lễ hung táng cho cụ. Sau đó 7 năm, nhằm giờ dần ngày 8/3/1592, trời mưa to, trong làn ánh sáng của sấm sét soi rọi, một số học sinh tới bốc mộ cho cụ, dùng chiếc quách bằng gỗ Ngọc Am (ý nói chiếc hộp gỗ mà bảo tàng Hải Phòng đang giữ) thay cho tiểu sành, cát táng cho cụ…

Đó chỉ là một số trích dẫn mà nhóm PV VTC News đưa lên cho độc giả tham khảo về cái gọi là “Hội thảo khoa học” ngày 16/1/2017. Như ông Đỗ Xuân Trung, Phó Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng đã nhận xét: Hội thảo gì mà sặc mùi mê tín dị đoan và vớ vẩn.

motrang_CJTC

Chiếc hộp gỗ, được cho là “quách mộ Trạng Trình”, tại Bảo tàng Hải Phòng. Ảnh: Thanh Niên

Hội thảo sặc mùi mê tín

Những người ủng hộ trò tìm mộ kiểu dị đoan này đang ngụy biện rằng, việc nghiên cứu về ngôi mộ ở nhà bà Bùi Thị Hiền, cũng như trong hội thảo ngày 16/1/2017 có sự tham gia nghiên cứu của một loạt các nhà khoa học. Tìm hiểu kỹ càng câu chuyện này, kể cả những người tham luận tại hội thảo, chúng tôi thấy “nhà khoa học” chủ yếu là giáo viên, giáo viên về hưu tự xưng là “nhà Hán học”, kiến trúc sư, “nhà thư pháp”, và những nhà nghiên cứu tâm linh ở Viện nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người, toàn là những người nghiên cứu tay ngang. Trong số họ, không có một ai đủ chuyên môn và khả năng khoa học để nghiên cứu về ngôi mộ cổ đào lên ở nhà bà Hiền hồi đầu năm 2014.

Chỉ có duy nhất một nhà khoa học thật sự về chuyên ngành Khảo cổ học, đó là PGS.TS Nguyễn Lân Cường. Tuy nhiên, theo thông tin trên tờ Thanh Niên, PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, cho biết, hội này hoàn toàn không liên quan đến việc phát tán các thông tin phi khoa học (kỷ yếu hội thảo) liên quan đến mộ Trạng Trình. Hội không liên quan đến hội thảo về vấn đề này được tổ chức ngày 16/1, cũng không cử thành viên viết bài nghiên cứu khoa học cho hội thảo này.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học VN tham gia nghiên cứu mộ Trạng Trình là việc cá nhân. Hội Khảo cổ học đã có kế hoạch họp để xem xét trách nhiệm cá nhân đối với ông Cường khi ông này tuyên bố Hội có tham gia tổ chức hội thảo về việc tìm thấy mộ Trạng Trình ngày 16/1/2017.

Ông Cường không cung cấp được văn bản nào chứng minh được rằng Hội Khảo cổ học đồng ý cùng Viện Nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người tổ chức hội thảo trên. Ông cũng không nêu được tên lãnh đạo nào của Hội Khảo cổ cho phép hội phối hợp tổ chức hội thảo đó.

Trong hội thảo ngày 16/1/2017, tham luận của PGS.TS Nguyễn Lân Cường kể về việc tìm thấy chiếc thẻ tre “nhờ” vào sự chỉ dẫn của 2 “nhà ngoại cảm” là bà Bùi Thị Hiền  và bà Trần Lệ Giang (lúc đó đang nằm ở bệnh viện phụ sản, chỉ dẫn qua điện thoại).

1234567

 

33333333333333333333333

Những ý kiến phản biện trên mạng xã hội 

Hội thảo cũng mời một số nhà khoa học khác đến tham dự. Tuy nhiên những nhà khoa học này đã lần lượt bỏ về khi khẳng định hội thảo này là nhảm nhí, sặc mùi mê tín dị đoan, chả có tý gì gọi là khoa học, hay công trình nghiên cứu khoa học.

Ông Nguyễn Văn Quyn, Bí thư huyện ủy Vĩnh Bảo, Hải Phòng, sau khi đọc xong “Kỷ yếu hội thảo khoa học ngày 16/1/2017” đã nhận định: “Đọc hết, chúng tôi thấy nó không thể có cơ sở khoa học một cách đích thực, nó toàn đặt ra những vấn đề mê tín dị đoan. Ai lại đi nghe áp vong, đi nghe theo một người đàn bà mà gần như là có dấu hiệu thần kinh không tốt (bà Bùi Thị Hiền). Chả lẽ cái gọi là khoa học của chúng ta lại duy ý chí đến mức tin vào nó?”.

Như vậy, có thể khẳng định, cái gọi là “Hội thảo khoa học ngày 16/1/2017”  ở hội trường Bộ tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoàn toàn do Viện Nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người, cùng với cá nhân PGS.TS Nguyễn Lân Cường, và một số thành phân khác, tự ý dựng lên, bàn tán những câu chuyện nhảm nhí, phi khoa học nhằm khẳng định ngôi mộ trong vườn nhà bà Bùi Thị Hiền ở xã Cộng Hiền (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) là mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Điều đáng ngại là một số lượng lớn tài liệu mang tên “Kỷ yếu hội thảo khoa học” đã được phát tán rộng rãi ra ngoài. Nó cũng là “chứng cớ” để những kẻ đang cố đấm ăn xôi bám lấy như một bằng chứng để bêu riếu và nói xấu các kết luận của những cơ quan chức năng có chuyên môn, cũng như nói xấu về quá trình điều tra lật tẩy sự thật động trời này của nhóm PV VTC News.

VTC News sẽ tiếp tục bám sát câu chuyện và kịp thời chuyển tải những thông tin mới nhất đến quý vị độc giả.

Video: Tận thấy "đại bản doanh" của thầy bói phán tìm thấy mộ Trạng Trình

 Hải Minh – Minh Khang

Bình luận
vtcnews.vn