Vụ tai nạn tàu hỏa thảm khốc: Lỗ hổng luật giao thông

Thời sựThứ Hai, 04/04/2011 02:40:00 +07:00

(VTC News) - Lái xe trong vụ đâm tàu hỏa đã bị bắt nhưng theo các luật sư, quy định hiện hành lại không cấm lái xe sử dụng điện thoại khi điều khiển xe?

(VTC News) - Liên quan đến vụ tai nạn giao thông giữa ô tô và tàu hỏa trên địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội làm 9 người chết và nhiều người bị thương. Lái xe ô tô Nguyễn Thế Hùng đã bị Cơ quan điều tra bắt giữ, khởi tố điều tra và khởi tố bị can. Tuy nhiên theo các luật sư trong vụ việc này, quy định hiện hành hiện không cấm lái xe sử dụng điện thoại khi lái xe.

Trước đó, trao đổi với PV VTC News, nhiều nhân chứng sống trong vụ tai nạn kinh hoàng này đã khẳng định, nhìn thấy lái xe Hùng (sinh năm 1981, quê ở Phổ Yên, Thái Nguyên) đang nói chuyện điện thoại khi lái xe vì thế đã lơ là không để ý nên mới dẫn đến tai nạn thương tâm này. Theo các quy định hiện hành, việc lái xe ô tô sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện lại không phạm luật.

Tuy nhiên trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Đăng Lĩnh, Đội trưởng đội cảnh sát giao thông số 12 cho rằng, trong sự việc này nếu đúng như báo chí phản ánh thì lỗi rõ ràng thuộc về lái xe ô tô. “Hành vi lái xe ô tô sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện được xem là tình tiết tăng nặng”, Trung tá Lĩnh nói. Cùng chung quan điểm này, một lãnh đạo Công an TP Hà Nội cũng cho rằng, hành vi lái xe cùng lúc nghe điện thoại dẫn đến việc lơ là, không để ý rồi dẫn đến tai nạn là không thể chấp nhận được và đó là tình tiết tăng nặng trong vụ tai nạn thảm khốc này.

Theo các luật sư, trong Qui định chưa có điều khoản nào cấm lái xe ô tô sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. (Ảnh Phan Mạnh)

Không cùng chung quan điểm trên, khi xem qua vụ tai nạn thương tâm làm 9 người chết vào chiều 30/3, Luật sư Nguyễn Đăng Quang (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: Ở lĩnh vực xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không có nội dung nào quy định người điều khiển phương tiện ô tô khi đang lưu thông trên đường không được sử dụng điện thoại di động.

“Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 20/5/2010) cũng không có quy định nào nói rằng nếu người lái xe tô tô sử dụng điện thoại di động thì vi phạm hành chính và bị xử phạt. Nghị định 34 chỉ quy định xử phạt người đang điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), với mức xử phạt từ 40 đến 60 nghìn đồng”, LS Quang nói.


Trước đó, trao đổi với PV VTC News, ông Nguyễn Trọng Thái, Phó chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia nói rằng, việc vi phạm quy tắc giao thông khi qua đường ngang với đường sắt là nguy hiểm. Hiện cơ quan chức năng đã có chế tài xử lí về vấn đề này.

Trong Nghị định 34 có quy định rất đầy đủ và mức xử phạt rất nặng về vấn đề này nhất là quy định xử phạt đỗ, đậu vi phạm hành lang an toàn đường sắt là rất nặng. Không chỉ phạt tiền mà còn phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm giao thông giữa đường bộ và đường sắt. Còn ông Nguyễn Văn Phường, Trưởng công an huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, cơ quan điều tra đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tài xế xe khách gây ra vụ tai nạn là Nguyễn Thế Hùng về tội vi pham quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng.


Quang Tùng – Phan Mạnh

Bình luận
vtcnews.vn