Vụ 'siêu lừa' Huyền Như: Vietinbank bị đòi tiền giữa tòa

Pháp luậtThứ Tư, 08/01/2014 11:00:00 +07:00

(VTC News) – Các nguyên đơn, bị hại trong vụ án "siêu lừa đảo Huyền Như" yêu cầu Vietinbank phải trả tiền cho họ chứ không phải Huyền Như.

(VTC News) – Các nguyên đơn, bị hại trong vụ án "siêu lừa đảo Huyền Như" yêu cầu Vietinbank phải trả tiền cho họ chứ không phải Huyền Như.

 

Chiều 8/1, phiên tòa xét xử vụ án siêu lừa đảo Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục với phần thẩm vấn các nguyên đơn, bị hại trong vụ án.

Theo đó, có đến 13/15 nguyên đơn, bị hại có mặt trong phiên tòa đã đề nghị hội đồng xét xử xem xét trách nhiệm của Ngân hàng Vietinbank, yêu cầu đơn vị này bồi thường cho những người bị thiệt hại.

Lí do mà họ đưa ra là do các nguyên đơn, bị hại chỉ ký kết các hợp đồng gửi tiền vào Vietinbank, chứ không gửi tiền cho Huyền Như. Chính vì vậy, Vietinbank phải là người trả tiền chohọ, còn Huyền Như lừa đảo là tiền của Vietinbank, chứ không phải là tiền của họ.

Đại diện Ngân hàng VIB bị chiếm đoạt 180 tỷ đồng đã đề nghị hội đồng xét xử xem xét trách nhiệm hình sự, dân sự của các cá nhân đã giúp sức cho Huyền Như chiếm đoạt tiền của ngân hàng này. Đồng thời, cơ quan thi hành án phải phong tỏa các tài sản, nhà ở của các cá nhân này để đảm bảo thi hành án.

Công ty chứng khoán Phương Đông (bị thiệt hại 380 tỷ đồng) đề nghị xem xét việc Vietinbank phải trả tiền cho Phương Đông, chứ không phải là các bị cáo trong vụ án, do Phương Đông chỉ gửi tiền cho Vietinbank chứ không phải là các bị cáo.

Công ty An Lộc, Phúc Vinh, Thịnh Phát đòi Vietinbank trả cho họ mỗi đơn vị từ 170 đến 788 tỷ đồng, kèm theo tiền lãi suất không kỳ hạn theo đúng tỷ lệ mà Vietinbank đã công bố.

Do quá nể nang, tin vào uy tín của Huyền Như nên nhiều người đã dính vào vòng lao lý (ảnh: N.D) 

Giống như vậy, các công ty Hưng Yên, cổ phần Toàn Cầu, chứng khoán Sài Gòn bank – Berjaya, dầu khí Thái Bình Dương và 3 cá nhân cũng muốn chính Vietinbank phải chi trả tiền cho họ, chứ không phải là các bị cáo ngồi trước vành móng ngựa.

Tổng số tiền mà các cơ quan, cá nhân yêu cầu Vietinbank bồi thường bằng tiền được công bố có thể lên đến hơn 3.000 tỷ đồng.

Trước đó, trong phần thẩm vấn với bị cáo Phạm Anh Tuấn (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương), hội đồng xét xử hỏi tiền ở đâu mà Tuấn có nhiều đến thế, khi mà lương chỉ có 35 triệu đồng/tháng, mà mỗi ngày gửi vào tài khoản từ 2 – 3 tỷ đồng, vợ kinh doanh rượu mà mẹ thì làm bác sĩ? Tuấn đã thành thật khai báo: “Đó là tiền của bị cáo, chứ bị cáo hoàn toàn không nhận tiền của Huyền Như”. Việc kí 16 hợp đồng gửi tiền nhàn rỗi với hai chi nhánh Vietinbank TP.HCM và Nhà Bè là bình thường, hoàn toàn không có gì vi phạm vì đây là tiền của cơ quan, không có gì phạm pháp.

Ngay chính bản thân Tuấn cũng không thừa nhận mình đã lấy 121 tỷ đồng tiền chênh lệch bên ngoài hợp đồng, mà tất cả các khoản tiền đều chuyển về tài khoản của Thái Bình Dương.

Vào ngày mai (9/1), hội đồng xét xử vụ án sẽ dành cho các công tố viên và luật sư tham gia xét hỏi các bị cáo.

 

Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn