Vụ Otto Warmbier sẽ đẩy quan hệ Mỹ-Triều rơi vào thế bế tắc mới

Thế giớiThứ Ba, 25/12/2018 16:43:00 +07:00

Việc tòa án Mỹ ra phán quyết yêu cầu Triều Tiên phải nộp 501 triệu đôla tiền bồi thường thiệt hại cho gia đình sinh viên Mỹ Otto Warmbier, được dự báo sẽ làm phức tạp hơn tiến trình đàm phán Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa vốn đang lâm vào bế tắc.

Năm 2017, sinh viên người Mỹ 22 tuổi, Otto Warmbier chết chỉ ít ngày sau khi được đưa từ Triều Tiên trở về Mỹ trong tình trạng hôn mê. Bố mẹ của Warmbier đã kiện Triều Tiên lên tòa án sau cái chết của con mình. Theo phán quyết của toà án quận Columbia, tại thủ đô Washington, Triều Tiên sẽ phải nộp 501 triệu đôla tiền bồi thường thiệt hại cho gia đình Warmbier.

otto

 Otto Warmbier tại một phiên tòa ở Triều Tiên. (Ảnh: AP)

Đầu năm 2016, Triều Tiên đã bắt giữ Warmbier sau khi sinh viên Đại học Virginia này gỡ băng rôn tuyên truyền tại một khách san ở Bình Nhưỡng trong một chuyến du lịch tới Triều Tiên. Tháng 3/2016, sinh viên này bị kết án 15 năm tù khổ sai.

Vào ngày 13/6/2017, Warmbier được trả về Cincinnati, Ohio, Mỹ sau khi Triều Tiên đưa ra quyết định nhân đạo. Dù vậy anh đã không tỉnh lại và qua đời ngày 19/6/2017, gần 1 tuần sau khi trở về nhà. Dù tới nay nguyên nhân cái chết của Warmbier vẫn chưa được làm sáng tỏ, song cơ quan chức năng Mỹ cho rằng, những vết thương trên người Warmbier cho thấy sinh viên này có thể đã bị tra tấn.

 Hiện phía Triều Tiên vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào đối với vụ kiện. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nước này chắc chắn sẽ không tiếp nhận phán quyết, bởi Triều Tiên nhiều lần bác bỏ cáo buộc, khẳng định không tra tấn hay ngược đãi Warmbier. Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên nêu rõ, các cơ quan hữu quan của Triều Tiên đối xử với tất cả các tội phạm hoàn toàn phù hợp với luật pháp trong nước, cũng như các tiêu chuẩn quốc tế và sinh viên Warmbier không phải là ngoại lệ.

Cái chết của sinh viên Otto Warmbier từng làm trầm trọng hơn mối quan hệ vốn đã khó khăn giữa Mỹ và Triều Tiên liên quan tới kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, “sự nồng ấm có phần bất ngờ” giữa Mỹ và Triều Tiên đã góp phần đưa tới cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 6 vừa qua tại Singapore.

Theo các nhà phân tích, phán quyết mới nhất này của tòa án Mỹ có thể làm phức tạp các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên nhằm đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tiến trình này dường như đang lâm vào bế tắc, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump đang kỳ vọng về một cuộc gặp mặt lần thứ 2 với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Video: Sinh viên Mỹ được Triều Tiên trao trả bị phát hiện mất mô não

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Triều Tiên Stepen Biegun nhấn mạnh: “Mục tiêu chung của chúng ta là chấm dứt 70 năm chiến tranh và thù địch trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên tiền đề để đi tới kết quả này là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi rất mong muốn các cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Triều Tiên sẽ được tiến hành càng sớm càng tốt.”

Trong dòng trạng thái đăng tải trên trang mạng cá nhân Twitter, Tổng thống Donald Trump hôm qua khẳng định, đã có những bước tiến và ông đang kiên nhẫn chờ đợi hội nghị thượng đỉnh sắp tới với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, quá nhiều những bất đồng từ mức độ phi hạt nhân hóa, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đến tuyên bố kết thúc chiến tranh và nhiều vấn đề nảy sinh khác đang thử thách sự kiên nhẫn và quyết tâm của cả Mỹ và Triều Tiên.

Thu Hoài/VOV
Bình luận
vtcnews.vn