“Vụ nữ sinh đánh nhau là cái tát vào mặt người lớn”

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 12/03/2010 06:01:00 +07:00

(VTC News) - "Xem xong đoạn clip. Tôi thấy kinh hãi. Kinh hãi bởi việc xem một người bị hành hạ, mà những bạn trẻ khác vẫn dửng dưng".

(VTC News) - Nói về clip nữ sinh tra tấn bạn giữa đông người, nhà văn-nhà báo Nguyễn Quang Thiều tỏ ra vô cùng bức xúc, đau xót. Anh nói, đoạn clip giống như một cái tát, một sự sỉ nhục vào chính bản thân mình, vào những người lớn và toàn xã hội. Nó là một sự ô nhục trong đời sống của những người trẻ.

Lâu nay, chúng ta đã nghe nói rất nhiều về chuyện bạo lực học đường, giữa học sinh với học sinh, học sinh với thầy cô giáo. Khi xem đoạn clip nữ sinh tra tấn nhau giữa đông người làm xôn xao dư luận, tôi thật sự thấy kinh hoàng. Không biết tất cả những người xem nó, nghe kể lại, những người biết đến nó đang ở trong tâm trạng gì? Nếu không phải tâm trạng kinh hoàng, thì đó lại là một điều… kinh hoàng khác.

Nguyễn Quang Thiều bày tỏ cảm nhận với tư cách một nhà thơ, nhà văn, lại cả với cảm quan nhạy bén của một nhà báo.

Đây là một hành động bạo lực, độc ác và phi nhân tính. Nó hiển hiện ngay ở nơi công cộng, khi một nữ học sinh cùng bạn bè, tấn công một bạn nữ khác, kèm theo những lời nói khó nghe. Một hành động bạo lực mang tính bầy đàn, một cách hành xử trong thế giới của hoang thú. Chúng ta cần phải nói tới mức độ như vậy, và tôi nghĩ, nó còn trầm trọng hơn thế nữa!

Xem xong đoạn clip, tôi thấy kinh hãi. Kinh hãi bởi việc một người bị hành hạ, mà những bạn trẻ khác vẫn dửng dưng ngồi xem. Đáng sợ hơn, người ta có thể bình tĩnh để quay lại vụ hành xử đó. Và có lẽ, nhân tính của con người không còn gì nữa, khi clip này được post lên mạng, giống một trò mua vui, một sự hứng thú.

Vấn đề bạo lực học đường không phải là mới, chúng ta đã đưa lên báo chí rất nhiều rồi. Nhưng liệu gia đình, xã hội, những nhà quản lý-giáo dục, những người lớn có thấy được sự báo động này? Có ai bị trọng thương? Có cảm thấy bị tát vào mình không? Tôi cho rằng, đoạn clip là một cái tát vào xã hội, vào mặt những người người lớn.

Bởi vì sao? Đơn giản, thế hệ trẻ chính là những hạt giống mà người lớn, xã hội chúng ta gieo trồng, nuôi dưỡng. Nhưng cuối cùng, hạt giống đó trở thành một cây độc.

Ảnh chụp đoạn clip gây xôn xao dư luận mấy ngày gần đây.

Chúng ta đừng bao giờ nói chuyện “con sâu bỏ rầu nồi canh nữa”, vì mức độ phạm tội của những người trẻ đang ngày một tăng, liên tục và trắng trợn hơn. Điều nguy hại nhất, hành động hành xử nhau giữa nơi công cộng cho thấy sự hoang hoá, tàn nhẫn, đáng lên án của một số bạn trẻ. Nó không còn xấu hổ, lén lút, mà diễn ra công khai hoàn toàn.

Nói đến điều này, tôi cảm thấy chính mình bị tấn công, sỉ nhục và bị tát vào mặt. Vẫn biết cuộc sống không ai hoàn thiện, nhưng chúng ta cần hướng đến sự tốt đẹp. Clip này là một sự ô nhục trong đời sống những người trẻ.

Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến chuyện này, không có gì khác, ngoài cách dạy dỗ của nhà trường, xã hội. Chúng ta vẫn chú trọng nuôi dưỡng một con người thể xác, mà bỏ lơ phần tâm hồn con trẻ.

Ngày nay, không ai còn nhớ kể một câu chuyện cổ tích đẹp về lòng tốt, ít có bố mẹ nào nói về hình ảnh ông bà đã khuất của mình, và hẳn có ít người còn nhớ việc đặt vào tâm hồn của đứa trẻ viên gạch đức hạnh nữa. Chúng ta trách các bạn trẻ một, hãy trách người lớn mười.

Tôi còn nhớ câu chuyện về một bà tiên tri mù. Bà là hiện thân của vẻ đẹp phúc hậu, đẹp đẽ trong cuộc sống. Một hôm, bọn trẻ trong làng cầm một con chim nhỏ đến trước mặt bà, hỏi rằng: Này bà già mù, người ta gọi bà là nhà tiên tri. Bà có giỏi thì đoán xem con chim trong tay ta còn sống hay đã chết? Bà tiên tri biết, con chim đó còn sống, nhưng nếu nói sự thật, bọn trẻ sẽ bóp chết con chim đó lập tức, để bà thấy rằng, chúng sẽ quyết định tương lai của thế gian. Liệu tương lai thế hệ trẻ của chúng ta có bắt đầu bằng bạo lực, giống như trong câu chuyện?

Văn Trinh (ghi)

Bình luận
vtcnews.vn