Vụ nhà báo Hoàng Hùng: Có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ

Pháp luậtThứ Năm, 21/06/2012 12:35:00 +07:00

Ngày mai, 22/6, vụ án nhà báo Hoàng Hùng (phóng viên Báo Người Lao Động) bị sát hại sẽ được Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đưa ra xét xử.


Ngày mai, 22/6, vụ án nhà báo Hoàng Hùng (phóng viên Báo Người Lao Động) bị sát hại sẽ được Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đưa ra xét xử. Nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án, nhiều luật sư nhận thấy các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An chưa đi đến tận cùng sự thật, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.


Trong buổi họp báo sau phiên xử sơ thẩm của TAND tỉnh Long An ngày 29-3, trả lời câu hỏi của báo chí về việc “liệu vụ án có bỏ lọt người, lọt tội không?”, thẩm phán chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hòa Bình nói: “Tòa đã trả hồ sơ cho cơ quan điều tra (CQĐT) yêu cầu làm rõ nội dung hàng trăm tin nhắn, điện thoại, nhưng cơ quan này trả lời không thu thập được.

Tại tòa, ông Nguyễn Văn Tâm (nguyên cán bộ QLTT Long An) không thừa nhận, trong khi nội dung tin nhắn không làm rõ được thì không có chứng cứ chứng minh có đồng phạm”.

Không thu thập đầy đủ chứng cứ

Rõ ràng, nội dung hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn từ số máy của bà Trần Thúy Liễu (vợ nhà báo Hoàng Hùng, bị TAND tỉnh Long An phiên sơ thẩm tuyên mức án chung thân về tội giết người) đến số máy ông Nguyễn Văn Tâm và một số người khác trong thời điểm trước, trong và sau khi xảy ra vụ án là một trong nhiều manh mối quan trọng, mang tính quyết định của vụ án, nhất là khi bà Liễu đã được khoanh vùng là nghi can.

Thế nhưng, thật khó hiểu khi CQĐT Công an tỉnh Long An đã không tiến hành các nghiệp vụ cần thiết để thu thập.

Bên trái: Biên bản mở băng ghi âm lời sinh cung của CQĐT Long An chỉ có 5 trang giấy A4 viết tay, tổng cộng 1.336 chữ. Bên phải: Mở băng gốc lời sinh cung, chúng tôi ghi chép lại một cách trung thực, số lượng chữ lên đến gần 5.000 với 12 trang A4 đánh máy. Vì sao có sự khác biệt này? 


Một năm sau, khi cơ quan tố tụng trả hồ sơ yêu cầu bổ sung thì những trang liên lạc dày đặc được bên viễn thông cung cấp chỉ còn lại các thông số rỗng. Theo thống kê của bên viễn thông, danh sách số điện thoại gọi đi từ máy bà Liễu là 16 trang, từ ngày 15-1-2011 đến 9-2-2011 (nhà báo Hoàng Hùng bị đốt vào đêm 19-1) và số máy của ông Tâm là 26 trang.

Qua thống kê cho thấy giữa ông Tâm và bà Liễu liên lạc với nhau 750 cuộc gọi và tin nhắn trong vòng hơn 1 tháng, có những ngày hai bên gọi cho nhau gần 30 cuộc điện thoại. Nội dung những cuộc điện thoại đó là gì? Riêng số máy của bà Liễu gọi đi, có ngày lên đến gần 100 cuộc, ngoài việc gọi cho ông Tâm, bà Liễu còn gọi cho nhiều số điện thoại khác.

Những số điện thoại đó của ai, ở đâu, nội dung các cuộc gọi, CQĐT đều không thu thập được.

Trong khi đó, sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, tiếp tục điều tra, chúng tôi được biết trong khoảng thời gian trước và sau vụ án xảy ra, ngoài liên lạc với ông Tâm, bà Liễu còn liên lạc với nhiều người khác, trong đó có chủ thuê bao ở tận tỉnh Quảng Ninh.

Có thể thấy rằng thiếu chứng cứ này thì không thể giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện và đúng pháp luật được. Vậy nên, việc CQĐT Công an tỉnh Long An bỏ qua việc thu thập thông tin nội dung tin nhắn hoặc chậm điều tra, tự làm khó mình như thế không đơn giản là thiếu sót về nghiệp vụ.

Sửa đổi, thêm bớt lời sinh cung

CQĐT đã bỏ qua nhiều chứng cứ quan trọng của vụ án, thậm chí có những chứng cứ khi chuyển qua VKSND và TAND không còn nguyên vẹn.

Qua băng ghi âm lời sinh cung của nhà báo Hoàng Hùng, có thể thấy nạn nhân kể lại khá tường tận về việc phát hiện bị tạt xăng, phản ứng ngay sau đó, việc cầu cứu, thậm chí cả việc nợ nần, quan hệ vợ chồng,  những mối nghi ngờ của người bị hại về việc mình bị đốt… Như vậy, lời sinh cung của nạn nhân ít nhiều đều liên quan vụ án, là nguồn chứng cứ để giúp các cơ quan tố tụng xây dựng kế hoạch điều tra, phá án một cách khách quan.

Thế nhưng CQĐT bỏ ngoài hồ sơ lời sinh cung của nạn nhân cho đến khi VKSND tỉnh Long An và TAND tỉnh Long An yêu cầu bổ sung mới đưa vào. Việc này đã tạo nên mối ngờ vực lớn về hướng điều tra và thể hiện CQĐT thiếu tôn trọng quy định của pháp luật. Lẽ ra, việc thu thập và cung cấp tài liệu này là trách nhiệm của CQĐT, còn việc nó có được xem là chứng cứ liên quan vụ án hay không, tòa án sẽ đánh giá.

Quan trọng hơn, băng ghi âm lời sinh cung của nạn nhân do CQĐT tiến hành ghi âm và biên bản mở băng ghi âm không giống nhau về nội dung lẫn hình thức. Câu hỏi đặt ra: Liệu CQĐT đã cung cấp đầy đủ băng ghi âm cho tòa án hay chưa khi có một số lời khai của nạn nhân không thấy thể hiện trong biên bản mở băng; ngược lại, có một số nội dung thể hiện trong biên bản mở băng lại không có trong những file băng ghi âm do CQĐT cung cấp cho tòa án mà luật sư được tiếp cận?

Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TPHCM), băng ghi âm lời sinh cung của nạn nhân do CQĐT tiến hành ghi âm là một vật chứng quan trọng, vì vậy khi tiến hành ghi biên bản mở băng ghi âm phải ghi chính xác từng câu chữ, không được sửa đổi, thêm bớt. Ghi thiếu bất kỳ một chi tiết nào cũng là cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Theo NLĐ

Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012

Xem thêm tại đây


Bình luận
vtcnews.vn