Vụ máy bay rơi: thêm một chiến sỹ qua đời

Sức khỏeThứ Bảy, 19/07/2014 01:51:00 +07:00

(VTC News) - Chiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô bị thương trong vụ máy bay rơi ở Hòa Lạc đã qua đời lúc 10h45 phút ngày 19/7.

(VTC News) - Chiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô bị thương trong vụ máy bay rơi ở Hòa Lạc đã qua đời lúc 10h45 phút hôm nay (19/7).


Chiến sỹ Nguyễn Văn Tuấn, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã hy sinh lúc 10 giờ 45 phút sáng ngày 19/7 tại Viện Bỏng Quốc gia. Như vậy, đã có 19 chiến sỹ hi sinh trong vụ tai nạn máy bay tại Hòa Lạc.


 
Trước đó, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng, sự hỗ trợ của các bệnh viện đầu ngành (Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Trung ương và Viện Quân y 103, Viện Bỏng Lê Hữu Trác) đã tích cực điều trị cho các nạn nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm 15h ngày 15/7 tình trạng của cả 3 bệnh nhân còn rất nặng, tiên lượng khó khăn.


Bệnh nhân Nguyễn Văn Tuấn (32 tuổi) được chẩn đoán bỏng lửa ở đầu mặt cổ, thân tứ chi, bỏng hô hấp. Bệnh nhân đã được điều trị hồi sức tích cực, thở máy liên tục, truyền dịch, huyết tương, khối hồng cầu, tiểu cầu, kháng sinh mạnh, giảm đau an thần, dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch và sonde dạ dày… và lọc máu từ ngày 9/7.

Bệnh nhân đã được phẫu thuật 2 lần cắt hoại tử bỏng, ghép da dị loại và da đồng loại; chăm sóc thay băng tại chỗ hằng ngày.

Là 1 trong 6 đồng chí luôn túc trực 24/24h ngoài phòng điều trị của 3 chiến sĩ bị thương, anh Phạm Đình Giang, Chính trị viên phó tiểu đoàn đặc công 18, Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội cho biết, cả 3 chiến sĩ đang nằm điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia đều thuộc Tiểu đoàn đặc công 18. Họ đều là những người ưu tú của đơn vị.

Anh Giang cho biết, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã cử 6 chiến sĩ túc trực 24/24h ngoài phòng điều trị của 3 chiến sĩ bị bệnh, hỗ trợ các bác sĩ điều trị khi có đề nghị.

Khi anh Tuấn còn sống, anh Nguyễn Văn Bính là anh trai của chiến sỹ Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1981, ở Bắc Giang) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghe tin em trai ruột của mình bị tai nạn máy bay trong khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện.

“Khi ấy, thím dâu (chị Lèo Thị Trang, vợ anh Tuấn-PV) gọi điện thông báo vừa bị nổ máy bay, có năm chiến sĩ bị thương, chồng nó vẫn chưa tìm thấy. Tôi như rụng rời chân tay. Thím ấy cũng khóc nấc không nói thành tiếng. Gia đình lập tức thu xếp lên Hà Nội luôn”, anh Bính buồn bã kể lại.

Chia sẻ về chiến sỹ Tuấn, anh Bính cho biết sau khi học xong lớp 12, Tuấn xung phong đi bộ đội, sau đó được cử đi học và làm lính đặc công.

Được biết, chị Trang, vợ anh Tuấn đang làm nhân viên văn thư ở một trường học, với đồng lương ít ỏi. Ngoài ra, chị vẫn cấy 2 xào lúa và trồng vải, cam. Do anh Tuấn công tác xa nhà nên cũng rất vất vả vì nhà neo người, một mình chị đảm đương, quán xuyến công việc gia đình.

Một đồng đội của anh Tuấn cho biết anh Tuấn là một người rất giỏi và đạt nhiều giải cao trong các hoạt động của đơn vị. Những đồng đội trên chuyến bay huấn luyện hôm đó là những chiến sĩ ưu tú nhất của đơn vị.

» Đẫm lệ viếng 18 chiến sĩ hy sinh vụ máy bay rơi
» Trực tiếp Lễ viếng và truy điệu 18 chiến sĩ rơi máy bay ở Hòa Lạc
» Rơi máy bay Mi-171: Huy động mọi nguồn lực cứu 3 chiến sĩ bị thương


Nam Anh


Bình luận
vtcnews.vn