Vu lan đến rồi, về với mẹ đi con

Góc của nàngThứ Sáu, 28/08/2015 04:32:00 +07:00

Nếu bạn muốn đi vòng quanh thế giới hay ôm cả vũ trụ vào lòng, đơn giản lắm! Hãy chạy vòng quanh và ôm lấy đấng sinh thành.

Nếu bạn muốn đi vòng quanh thế giới hay ôm cả vũ trụ vào lòng, đơn giản lắm! Hãy chạy vòng quanh và ôm lấy đấng sinh thành.

Tôi tình cờ đọc được bài báo viết về người phụ nữ Indonesia đi tìm con tại Việt Nam qua chia sẻ của một người bạn trên trang cá nhân. Khi tôi biết chi tiết câu chuyện, rằng chị Ela Herwati bị chồng cũ người Mỹ lừa đưa con gái sang Việt Nam với lý do mắc bệnh ung thư rồi “cướp” mất cô con gái Cecilia. Sau đó nhận được thông báo thẻ tín dụng của mình đã chi trả 1000 USD tại một vài cửa hàng ở quận 7, Ela đã in hàng trăm tờ rơi có ảnh con gái mình và lang thang khắp đường phố Sài Gòn tìm cô bé. 

Người phụ nữ Indonesia in tờ rơi tìm con tại Việt Nam
Người phụ nữ Indonesia in tờ rơi tìm con tại Việt Nam 

Giữa một đất nước xa lạ lại không thông thạo ngôn ngữ, bị chồng cũ bỏ lại và lấy mất tư trang cùng con gái, một người phụ nữ nhỏ bé đã vượt qua đả kích thế nào? Chắc hẳn, tình mẫu tử đã giúp chị có thêm nghị lực quyết tâm đi tìm con. Bởi đối với một người mẹ, việc phải rời xa đứa con mình dứt ruột đẻ ra là một điều không thể tưởng tượng nổi. Họ có thể chỉ là những người phụ nữ mỏng manh, yếu đuối, yên phận phụ thuộc vào tấm chồng, thế nhưng để bảo vệ con cái của mình, tình yêu và sức mạnh của họ thật mãnh liệt, đến mức các nhạc sĩ và thi gia phải đem sự ngưỡng vọng ấy vào tác phẩm thơ ca để ca ngợi. Các bà mẹ trên thế giới đều quá đỗi tuyệt vời!

Nếu bạn muốn đi vòng quanh thế giới hay ôm cả vũ trụ vào lòng, đơn giản lắm! Hãy chạy vòng quanh và ôm lấy đấng sinh thành.

Người phụ nữ tên Ela này khiến tôi nhớ đến mẹ mình. Hồi nhỏ, mỗi lần nghịch ngợm và ương bướng khiến mẹ tức giận, bà đánh tôi rất đau. Nhưng ngay khi nguôi giận, mẹ lại ôm tôi vào lòng, xoa xoa vệt lằn roi hằn trên người tôi và hỏi: “Con có đau không?”, rồi nước mắt mẹ rơi xuống. Tôi biết, tôi đau, mẹ còn đau hơn tôi gấp trăm lần. Có hôm, tôi mải chơi quên đường về, cả nhà một phen nhốn nháo. Cuối cùng, bố cũng tìm ra và xách cổ tôi về. Tôi co rúm lại vì sợ, cứ nghĩ trận này mình no đòn rồi. Ai ngờ, khi ló mặt vào nhà, hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là mẹ tôi nước mắt nước mũi giàn giụa, dường như đã khóc rất lâu, khan cả tiếng. Vừa thấp thoáng thấy bóng tôi, mẹ lao ngay đến ôm chặt tôi vào lòng. Bà không mắng, không phạt đòn như thường lệ, chỉ lặng lẽ dẫn tôi đi tắm rửa. Chẳng hiểu sao, lúc ấy nước mắt tôi lại trào ra ừng ực. Lần đầu tiên tôi hiểu một điều, tôi quan trọng với mẹ đến thế nào.

Bất cứ ai cũng đều có một bà mẹ vĩ đại như vậy, với tình yêu vô biên dành cho mình. Tuy nhiên, khi những đứa con trưởng thành, họ lại tự động rời xa tổ ấm, tìm kiếm vạn điều từ thế giới bên ngoài mà quên cả đường về. Họ đã quên rằng ở nơi bắt đầu ra đi, có một người đang già nua theo năm tháng vẫn đau đáu mong ngóng bước chân mình trở về.

Tôi cũng không ngoại lệ. Là một đứa con sống xa nhà để tự lập, đôi khi tôi quên mất nghĩa vụ của mình đối với gia đình. Cho đến ngày nọ, khi cuộc đời đá cho tôi một cú đau điếng, tôi cần một điểm tựa nhưng không biết dựa vào đâu. Rồi tôi đọc được một bài thơ khiến nước mắt tôi chảy dài, không kìm nén được mà bắt chuyến bay trở về ngay. Mẹ mở cửa đón tôi, dang tay ôm tôi vào lòng. Khoảnh khắc ấy, tôi cảm giác rằng dù ta có lớn khôn bao nhiêu đi chăng nữa, thì khi ở trong vòng tay êm ái của mẹ, ta vẫn chỉ là một đứa trẻ cần lắm sự yêu thương và đùm bọc trước cuộc đời đầy góc cạnh này.

Ăn chưa con?
Tiếc nuối gì những bữa cơm phải tự mình ngược đãi
Mà phải ăn vội ăn vàng, 
Lề đường, hàng quán
Bát cơm chan nước mắt
Về nhà đi, mẹ nấu cơm rồi

Ngủ được không con
Trong cái chỗ người ta ví von, người ta lao vào bàn tán
Hay ho gì những anh hùng hảo hán
Chỉ đánh máy trên bàn phím mà thôi
Nào biết thực tế là gì

Về chưa con
Tiếc nuối chi những phồn hoa đô thị
Với những khôn lỏi, đớn đau và dị nghị
Về đi
Mẹ nuôi mà

Sao con vẫn chưa về?
Quê mình cũng có núi non, cũng có con người, phố phường và xe cộ
Cớ chi con cứ phải tranh với người ta
Rồi đi mãi
Xa nhà

Về đi
Về nghe mẹ dạy những lễ nghi, những thói quen thường nhật
Về nghe khôn, ngoan, chân, thật
Về cùng mẹ nghe con
Đi xa, mẹ nhớ lắm con à..

(Về đi con – Rei)

Khi còn thơ ấu, chúng ta thừa hưởng tình yêu và sự chăm sóc từ cha mẹ một cách trọn vẹn. Nhưng khi họ già đi vì tuổi tác, thời điểm cô độc và cần yêu thương nhất, ta lại bận vun vén cho tổ ấm của mình, cho những đứa con của mình mà lơ là việc báo hiếu. Mùa Vu lan đến rồi, mẹ đang chờ, bạn có về không?

Lam Dung

Bình luận
vtcnews.vn