Vụ kiện ăn cắp ca khúc, Đàm Vĩnh Hưng phạm nhiều tội?

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 30/06/2013 07:16:00 +07:00

(VTC News) – Theo luật sư, nhạc sỹ Trường Nhân kiện Đàm Vĩnh Hưng là đúng.

(VTC News) – Theo luật sư, nhạc sỹ Trường Nhân kiện Đàm Vĩnh Hưng là đúng, Đàm Vĩnh Hưng cũng có thể khởi kiện riêng người bán ca khúc cho anh sau khi đã kết thúc vụ án với tác giả ca khúc Chút tình.

Như VTC News đã đưa tin, nhạc sỹ trẻ Nguyễn Trường Nhân đã khởi kiện ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng lên toàn án và công bố trên báo chí sự việc ca khúc của anh bị đánh cắp, sử dụng trái phép.

Cụ thể là ca khúc Chút tình của Trường Nhân đã được đăng ký tác quyền năm 2006 nhưng tháng 7/2012, Đàm Vĩnh Hưng đã phát hành album Góc khuất, trong đó có ca khúc Chút tình phai (cũng chính là ca khúc Chút tình) với phần tác giả được giới thiệu là Trương Tuấn Huy.

Nguyen Truong Nhan
Đơn kiện Đàm Vĩnh Hưng của nhạc sỹ trẻ Trường Nhân 
Căn cứ vào những thông tin cả 2 phía là nhạc sỹ Trường Nhân và phía ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng cung cấp trên báo đến nay, luật sư Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết:

'Căn cứ những thông tin trên báo, nhạc sỹ Trường Nhân kiện Đàm Vĩnh Hưng là đúng. Tuy nhiên phải xác định vụ việc này có 2 quan hệ từ 2 nhóm đối tượng khác nhau, có thể hình thành nên 2 vụ án riêng biệt nhưng cũng có thể giải quyết ngay trong 1 vụ án.

luat su Nguyen Thanh Cong_Đàm Vính Hưng bị kiện ăn cắp ca khúc
Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) 
Sản phẩm Album Góc khuất của Đàm Vĩnh Hưng là hoàn toàn hợp pháp. Giả định, tác phẩm Chút tình phai được Đàm Vĩnh Hưng mua hợp pháp của Trương Tuấn Huy thể hiện qua hợp đồng cùng các chứng từ và sự chuyển giao hợp pháp của Trương Tuấn Huy thì cũng có 2 trường hợp xảy ra.

Trường hợp 1: Trương Tuấn Huy làm giả Giấy xác nhận bản quyền tác giả của Cục Bản quyền cấp. Trường hợp 2: Trương Tuấn Huy khẳng định tác phẩm này của mình bằng văn bản riêng (bởi tác giả vẫn có quyền sở hữu đối với tác phẩm dù có hay không đăng ký bản quyền tác giả, theo Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ).

Cả 2 trường hợp nêu trên thì Trương Tuấn Huy đều sai. Cần xác định trách nhiệm của Đàm Vĩnh Hưng như sau:

Thứ nhất, quan hệ giữa Trường Nhân và Đàm Vĩnh Hưng: Trường Nhân thực sự là tác giả của ca khúc Chút tình, được thể hiện qua giấy xác nhận bản quyền tác giả nên có quyền sở hữu về tài sản và được quyền tự bảo vệ khi tác phẩm bị xâm hại. Vì thế Trường Nhân được quyền kiện.

Người bị kiện là Đàm Vĩnh Hưng, bởi Album này thuộc sở hữu của Đàm Vĩnh Hưng. Tuy nhiên như phân tích trên, ca khúc được Đàm Vĩnh Hưng mua chính thức từ Trương Tuấn Huy nhưng vì Trương Tuấn Huy không phải là chủ sở hữu của tác phẩm nên hợp đồng mua bán này vô hiệu ngay từ lúc ký kết.

Theo vụ án này, Đàm Vĩnh Hưng đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả tại Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả: Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; Mạo danh tác giả; Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả; Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút; Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Trường Nhân có quyền kiện yêu cầu Đàm Vĩnh Hưng bồi thường thiệt hại do sự xâm phạm bản quyền này gây ra với các yêu cầu cơ bản là các tổn thất về vật chất và tinh thần (Điều 204 Luật Sở hữu Trí tuệ). Đặc biệt, trong hệ thống pháp luật nước ta thì riêng loại vi phạm bản quyền thì chi phí mời luật sư cũng được chấp nhận. Như vậy với quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ hiện hành, trường hợp này Đàm Vĩnh Hưng phải bồi thường theo các yêu cầu của Trường Nhân.

Đàm Vĩnh Hưng bị kiện ăn cắp ca khúc
'Theo vụ án này, Đàm Vĩnh Hưng đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả tại
Điều 28, Hành vi xâm phạm quyền tác giả'
Về xử lý vi phạm: Vì vụ viêc đã kiện ra Tòa nên phán quyết của Tòa sẽ gồm xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại. Do đặc thù của hành vi vi phạm quyền tác giả nên ngoài bồi thường thiệt hại thì còn phải xử lý đối với tác phẩm bị vi phạm. Trường hợp này vi phạm liên quan đến ghi sai tên tác giả, tên tác phẩm nên phải khắc phục bằng cách tiêu hủy hoặc điều chỉnh sửa chữa.

Thứ hai, quan hệ giữa Đàm Vĩnh Hưng và Trương Tuấn Huy: Như trên đã nêu, Trương Tuấn Huy không phải là chủ sở hữu của tác phẩm nhưng vẫn chuyển nhượng sản phẩm cho Đàm Vĩnh Hưng là trái phép và vi phạm pháp luật. Vì sự vi phạm này mà Đàm Vĩnh Hưng phải bồi thường cho Trường Nhân.

Trường hợp này, Đàm Vĩnh Hưng vẫn được pháp luật bảo vệ theo nguyên tắc 'chiếm hữu bất hợp pháp ngay tình', tức giao dịch với Trương Tuấn Huy là vô hiệu nhưng hoàn toàn do lỗi của Trương Tuấn Huy. Nên mọi thiệt hại của Đàm Vĩnh Hưng thì Trương Tuấn Huy phải gánh.

Như thế, khi giải quyết vụ án, Đàm Vĩnh Hưng phải yêu cầu Tòa án đưa Trương Tuấn Huy vào tư cách tố tụng là 'Người có quyền và nghĩa vụ liên quan' để gánh chịu nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà Trường Nhân yêu cầu đối với Đàm Vĩnh Hưng. Cũng có thể, Đàm Vĩnh Hưng sẽ khởi kiện riêng với Trương Tuấn Huy sau khi đã bồi thường cho Trường Nhân.

Hoàng Anh(ghi)

Bình luận
vtcnews.vn