Vụ HAGL "trảm" Lee Nguyễn: Mất một, được mười

Tổng hợpThứ Ba, 23/02/2010 02:40:00 +07:00

Những trợ thủ đắc lực của ông Đoàn Nguyên Đức đã tính rất chi li rằng, tổ chức kinh tế khổng lồ này vẫn lời chán, ngay cả khi “vụ” Lee Nguyễn đổ bể...

Những trợ thủ đắc lực của ông chủ tịch HA.GL Group Đoàn Nguyên Đức (bên mảng kinh doanh) đã tính rất chi li rằng, tổ chức kinh tế khổng lồ này vẫn lời chán, ngay cả khi “vụ” Lee Nguyễn đổ bể. Đó là những thông số về các hoạt động kinh tế, “PR” và quảng bá thương hiệu đã được ước lượng cụ thể.


Theo đó, bản hợp đồng bạc triệu Lee Nguyễn mang lại những hiệu ứng tích cực cho hoạt động kinh doanh của HA.GL Group, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái. Ở buổi họp mặt các cổ đông hồi trung tuần tháng 6/2009, bầu Đức đã khẳng định trước Hội nghị rằng, HA.GL không chỉ đứng vững mà còn có lời, với các dự án đã và đang được đẩy nhanh tiến độ. Cổ đông vì thế cứ yên tâm trong việc hợp tác và đầu tư vào HA.GL.

Lee Nguyễn rời HA.GL không theo cách mà người ta mong đợi, nhưng khó có thể nói HA.GL đã thất bại với thương vụ này. 

Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức từng có lần khẳng định, kể từ khi “làm” bóng đá, danh tiếng và cả doanh thu của HA.GL Group đã tăng lên một cách chóng mặt. “Bóng đá và kinh doanh ở HA.GL có mối quan hệ tương hỗ rất tốt. Chúng tôi đầu tư vào bóng đá và nhận lại những hiệu ứng tích cực cho công việc làm ăn. Thế thì ai bảo bóng đá chưa thể tự nuôi được bóng đá nào?!”, Ba Đức từng hỉ hả như thế trong buổi tiệc chia tay các công thần người Thái tại khách sạn HA.GL ở Pleiku, hồi năm 2006. Ông chủ tịch HĐQT HA.GL Group cũng không ngần ngại công bố con số cụ thể ở bữa tiệc đứng vào sáng hôm sau, với thực khách chủ yếu cánh phóng viên. Ông Đức nửa đùa nửa thật: “Các anh viết xấu hay viết tốt về HA.GL cũng được, miễn là cái tên đội bóng (mà thực tế là tên doanh nghiệp) xuất hiện đều đặn trên mặt báo là được”.

Ông Đức có tiếng là ngông, nhưng cái sự ngông của ông bầu đội bóng phố núi này ra tiền, chứ không đùa. “Hợp tác với Arsenal mở Học viện bóng đá, đầu tư các hạng mục phục vụ cho nước bạn Lào tổ chức SEA Games 25 hay việc đặt các bảng quảng cáo trên SVĐ Emirates ở xứ sương mù…, đều là những hoạt động rất thiết thực, trong việc “PR” thương hiệu HA.GL. Hợp đồng với ngôi sao Lee Nguyễn cũng không nằm ngoài tiêu chí ấy. Cái gì có lợi thì tôi làm, thế thôi!”, đấy là phát biểu của bầu Đức trong ngày ký hợp đồng với Lee ở Khách sạn Rex (TP.HCM), hôm 17/11/2008.

Thực tế, ông Đức đã được coi như đi trước thời đại cả chục năm, với bản hợp đồng đình đám cùng Kiatisuk, cầu thủ hay nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó. HA.GL thắng lớn với thương vụ “Sắc”, bằng suất lên chơi V-League và 2 danh hiệu vô địch giải bóng đá cao nhất Việt Nam ngay sau đó. Với Kiatisuk, HA.GL còn mở được các chi nhánh ở Bangkok (thị trường mà “Sắc” vẫn đang giữ chức năng của một tổng quản), cũng như tạo được các mối quan hệ rất tốt với các đối tác làm ăn ở bên Thái. Ở HA.GL, bóng đá vẫn hái ra tiền theo cách đó.

Vụ Lee Nguyễn, cứ cho là nó đã kết thúc chóng vánh không như mong đợi của nhiều người, thì cũng không thể nói HA.GL hoàn toàn trắng tay. Lee mang đến hiệu ứng tích cực cho người Gia Lai và cho cả V-League, trong việc nâng tầm giải đấu này bằng những cầu thủ nước ngoài có đẳng cấp. Nhắc đến HA.GL, người ta nghĩ ngay đến cựu tuyển thủ QG Mỹ Lee Nguyễn từng chơi ở đó và ngược lại. Khi HA.GL đạt được thỏa thuận với Arsenal về việc gửi Lee Nguyễn qua tập ở đội trẻ của CLB danh tiếng này, đã có vài bài báo nước ngoài viết về sự kiện ấy. Việc quảng bá “tên miền” HA.GL với bạn bè quốc tế như thế là rất hữu hiệu.

Có thể nói, HA.GL chỉ mất một (thành tích của đội bóng và những điều tiếng không hay kèm theo), nhưng được những ba - bốn, trong thương vụ Lee Nguyễn.

Theo TTVH
Bình luận
vtcnews.vn