Vừ Già Pó lưu lạc sang Pakistan: Bị đối xử như trâu ngựa

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 08/04/2014 08:21:00 +07:00

(VTC News) - “Ở bên kia chúng tôi bị họ đánh đập, bóc lột sức lao động, chúng coi chúng tôi như con trâu con ngựa”, anh Lý Mí Tử cho biết.

(VTC News) - “Ở bên kia chúng tôi bị họ đánh đập, bóc lột sức lao động, chúng coi chúng tôi như con trâu con ngựa”, anh Lý Mí Tử, một người cùng chuyến vượt biên với Vừ Già Pó kể lại.


Chúng tôi bị dụ dỗ

Nét mặt chưa hết bàng hoàng khi nhớ về những ngày lưu lạc xứ người, Lý Mí Tử cho biết: "Giờ chẳng thà ở lại quê hương, có ăn cháo qua bữa cũng sướng hơn là đi làm thuê kiểu “lao động chui” bên Trung Quốc".

Theo lời Lý Mí Tử, một người đàn ông H’Mông ở xã Lũng Pù tên Vừ Xí Giàng đã âm thầm lôi kéo những thanh niên trẻ khỏe vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp. Vừ Xí Giàng dụ dỗ rằng sang bên đó rất dễ kiếm được nhiều tiền, người ta trả công cho mỗi người 18 triệu trong 3 tháng lao động. Công việc chính chỉ là làm vườn, tưới nước bón phân cho cây.

Lúc đó, chỉ vì ngây thơ, lại đang lúc nhàn rỗi, Lý Mí Tử, Vừ Già Pó cùng 8 thanh niên khác ở xã Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) đã âm thầm trốn sang Trung Quốc làm thuê với ước mơ đổi đời, thoát cảnh nghèo khó, quanh năm nương rẫy ở quê nhà.

Một góc thôn Lũng Lầu, Khâu Vai, nơi Vừ Già Pó, Lý Mí Tử cùng nhiều thanh niên khác đã bỏ trốn sang lao động chui bên Trung Quốc 

Chúng đưa 10 người sang bên kia biên giới Việt Nam - Trung Quốc bằng xe máy và giao cho người Trung Quốc. Người Trung Quốc đếm từng đầu người rồi đưa tiền cho Vừ Xì Giàng gọi là “phí môi giới”.

“Sau đó, họ kéo cả 10 người chúng tôi lên thùng xe tải đi liền một mạch suốt 2 ngày rưỡi, không biết đi đâu?. Trên đường đi họ không cho chúng tôi ăn uống, bắt nhịn đói suốt mấy ngày đường. Họ chỉ dừng xe cho đi vệ sinh rồi lại đuổi tất cả lên xe và đi tiếp. Chúng tôi chỉ ước có bát nước phở húp tạm cho đỡ đói”, Lý Mí Tử kể thêm .

Bị đối xử như con vật


Vào sâu trong nội địa, việc chúng bắt 10 thanh niên thay áo quần giày dép giống người Trung Quốc để không bị chính quyền phát hiện. Đến nơi, không kịp nghỉ ngơi, tất cả đã phải bắt tay vào làm việc.

“Bọn mình đi phát cỏ trồng cây. Thời gian không tính theo giờ cố định, làm từ tinh mơ đến tối mịt mới về. Buổi trưa chỉ được nghỉ 30 phút, đủ thời gian đi bộ về nhà ăn trưa. Sau đó lại làm tiếp đến tối mịt. Ăn uống chỉ đủ để tồn tại, với chỉ 2 món cơm và… muối. Đói, khổ lắm. Mình đi một tháng sút mất 5kg…", Lý Mí Tử tâm sự.

Những tên cai ở đây coi lao động Việt Nam như nô lệ thời Trung cổ, sẵn sàng đánh đập dã man những ai không làm theo lời chúng. Chúng bắt phải làm việc nhanh và không được nghỉ ngơi, tụ tập nói chuyện. Thậm chí, ngồi trông coi nhàm chán, chúng còn dùng đá để ném những lao động làm trò vui.

Lý Mí Tử: "Giờ có trả tiền triệu mỗi ngày tôi cũng không dám bỏ trốn sang Trung Quốc nữa"

Vì vượt biên trái phép, không có giấy tờ, không có hợp đồng lao động hợp lệ, không một giao ước gì cả, nên 10 thanh niên H’Mông chỉ biết im lặng nghe theo và làm theo bất cứ điều gì chúng đặt ra.

Làm được 1 tháng, lại có thêm mấy người đồng hương bị đưa đến khu vực đó làm việc, họ cũng bảo do nghe theo Vừ Xí Giàng dụ dỗ. Vui mừng vì gặp người cùng bản nên Vừ Già Pó hỏi thăm gia đình vợ con. Thấy vậy, bọn cai cho rằng Pó đang tụ tập để tìm cách bỏ trốn đã gọi người đến đánh đập, hành hung anh.

“Chúng đánh anh Pó gãy gần chục cây roi. Chúng dẫm đạp, đá vào mặt, khiến anh Pó nằm liệt 2 ngày. Anh còn bị chúng bỏ đói. Chúng tôi phải thay phiên nhau chăm sóc”, Lý Mí Tử cho biết.

Còn 2 người nữa mất tích?


Quá bất bình với hành động của bọn sử dụng lao động, Vừ Già Pó và những lao động khác đã tìm cách bỏ trốn mấy lần, nhưng không thành công.

Có lần Pó cùng với 3 người nữa giữa đêm vượt rào bỏ đi nhưng đi đến sáng do không thông thuộc đường sá và và sợ bị bắt trong quá trình bỏ trốn, không tìm về quê được nữa, họ đành phải quay lại để chịu đòn và tiếp tục làm việc.

Lý Mí Tử kể lại sự việc với phóng viên VTC News 

Hai tuần sau, Vừ Già Pó, Lý Mí Tử cùng với 4 người nữa lại bàn nhau lên kế hoạch bỏ trốn. Lần này, họ đã thành công. Suốt 5 ngày 5 đêm lưu lạc xứ người, không tiền bạc, không giấy tờ tùy thân, họ chỉ biết lang thang, đi càng xa càng tốt. Họ uống nước sông suối, nhặt nhạnh những thứ mà người ta vứt lại bên đường để ăn cho đỡ đói.

Họ quyết định chia làm 2 nhóm đi 2 hướng khác nhau để tránh bị bọn chủ lao động lùng bắt. Vừ Già Pó ở nhóm 1, Lý Mí Tử ở nhóm 2. Lang thang được gần 1 tháng, nhóm của Lý Mí Tử kiệt sức, nằm vật vờ ở chợ, họ bị lực lượng công an địa phương bắt và mấy tháng sau trao trả cho Việt Nam.

Lý Mí Tử: "Anh Pó vừa được tìm thấy ở Pakistan, nhưng tôi còn 2 người bạn nữa không biết lưu lạc ở đâu"

“Anh Pó thì vừa mới được phát hiện lưu lạc sang tận... Pakistan. Tôi còn 2 người bạn nữa trong nhóm đi cùng anh Pó, chưa thấy về với làng bản, vợ con, không biết họ đang lưu lạc phương nào?”, Lý Mí Tử lắc đầu ngán ngẩm cho biết.

Khi được hỏi anh có sợ không, và có dám vượt biên như vậy nữa không Lý Mí Tử sợ hãi: “Cho dù có khổ thế nào, có ăn rau ăn cháo sống qua ngày cũng không bao giờ dám đi nữa. Giờ mà đi thì chết cũng không thấy được mặt vợ con. Về làng bản sinh sống, chết còn có vợ con ở nhà”.

Anh Nông Văn Ngay, Phó Chủ tịch xã Khâu Vai cho biết: “Hiện xã cũng đã có nhiều phương án để hạn chế tình trạng lao động chui trái phép trốn sang Trung Quốc. Tuy nhiên, vì đặc điểm địa hình và trình độ dân trí nên việc thực hiện cũng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Đối với trường hợp của Vừ Già Pó, Lý Mí Tử, cũng như những thanh niên khác đã từng bỏ trốn, xã sẽ tạo mọi điều kiện để họ tái hòa nhập, hỗ trợ sản xuất và ổn định, phát triển kinh tế gia đình tại địa phương".


Hải Minh – Lê Văn Lĩnh

Bình luận
vtcnews.vn