Vụ cô giáo giết 3 người: Các bị cáo phản cung kêu oan

Pháp luậtThứ Ba, 03/08/2010 06:44:00 +07:00

(VTC News) - Vụ án gây xôn xao dư luận bởi người chủ mưu là một cô giáo dạy tiểu học, nạn nhân là toàn bộ gia đình anh chồng.

(VTC News) - Vụ án gây xôn xao dư luận bởi người chủ mưu là một cô giáo dạy tiểu học, nạn nhân là toàn bộ gia đình anh chồng bị cáo và cũng là gia đình  của người người bạn gái thân từ bé của bị cáo.

Ngày 3/8, Tòa án quân sự Thủ đô đã đưa vụ án Nguyễn Thị Thuận cùng hai đồng phạm là Bùi Tiến Hà và Hoàng Hải Tiệp giết người và hủy hoại tài sản ra xét xử.

Vụ án từng gây xôn xao dư luận bởi thủ phạm Nguyễn Thị Thuận là một cô giáo dạy tiểu học tại Hà Nội. Nạn nhân là anh Nguyễn Chí Hưng (sỹ quan quân đội), đồng thời là anh chồng của Thuận. Vì tức anh Hưng việc đã khuyên nhủ Thuận nên xin lỗi chồng, Thuận đã đổ xăng vào nhà anh Hưng đốt. Hậu quả không chỉ anh Hưng tử vong tại chỗ mà chị Hà (vợ anh Hưng, đồng thời là bạn thân cùng quê với Thuận và hiện đang là cô giáo tại trường Lomonoxop Hà Nội) cùng con gái mới 7 tuổi của anh Hưng chị Hà bị tử nạn sau đó vì bỏng nặng.


 Bị cáo Bùi Tiến Hà (bên trái), Nguyễn Thị Thuận và Hoàng Hải Tiệp (bên phải) trước vành móng ngựa. (Ảnh: Ng.L)


Trong phần xét hỏi tại phiên tòa hôm nay, cả ba bị cáo đều được cách ly để thẩm vấn từng người một. Một bất ngờ xảy ra, là trái với lời khai nhận tội tại hầu hết các biên bản lấy lời khai tại cơ quan điều tra trước đây, Nguyễn Thị Thuận và hai đồng phạm là Bùi Tiến Hà và Hoàng Hải Tiệp nhất loạt phủ nhận lời khai của mình trước đây, đồng thời kêu oan.


Bị cáo Tiệp một mực khẳng định không thực hiện hành vi mua xăng đốt nhà anh Hưng. Theo Tiệp, khi bị tạm giam và lấy lời khai tại cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội, do bị ép cung, bị mớm cung và đánh đập, tâm trạng bị cáo hoang mang nên đã ký nhận vào bản cung.


Tuy phủ nhận lời khai của mình, bị cáo Hà vẫn lộ ra sự quanh co khi chủ tọa hỏi: Sau khi thấy nhà anh Hưng cháy, ngoài gọi cho anh Tuấn để thông báo, bị cáo có gọi cho ai nữa không? Hà khẳng định: “không”. Lập tức, chủ tọa công bố thông báo của Viettel, theo thông báo này thì ngay sau đó Hà còn gọi cho Thuận một cuộc điện thoại 51 giây.

Trả lời câu hỏi của luật sư Trần  Đình Triển (bảo vệ cho phía bị hại), rằng “Có một bản cung có luật sư tham gia, thì bị cáo có còn bị ép cung?”, Hà vẫn ngoan cố: “Có”, khiến luật sư Triển phải thốt lên: “Là một luật sư, tôi không tin vào điều đó”.


Và cũng như bị cáo Tiệp, bị cáo Hà một mực phủ nhận lời khai của mình tại cơ quan điều tra, đồng thời kêu oan.


Được thẩm vấn sau cùng, buổi chiều, bị cáo Thuận được dẫn giải vào phòng xét xử. Với kỹ năng của một cô giáo, tuy lúc đầu hơi hồi hộp nhưng rất nhanh sau đó, Thuận tỏ ra khá bình tĩnh và trả lời rất rành rọt, trôi chảy câu hỏi của HĐXX.


Được chủ tọa hỏi có ý kiến gì về việc truy tố của VKS, Thuận nói ngắn gọn: “Bị cáo chưa bao giờ làm việc đó, cũng chưa bao giờ nhờ anh Tiệp và ông Hà làm việc đó. Bị cáo bị oan”. Chủ tọa hỏi: “Lý do kêu oan?”, Thuận nói khi bị tạm giam, bị cáo đã bị đánh, bị sỉ nhục nên không chịu đựng được đã khai nhận. Chủ tọa tiếp: “Bị cáo có nghi cho ai không?”, Thuận tỏ ra rành rẽ về pháp luật: “Có, nhưng không có bằng chứng chắc chắn nên bị cáo không thể nói”.


Trước những lời phản cung không thừa nhận lời khai trước đây của mình, đại diện VKS đã công bố một số bản khai trong số 12 bản tường trình và 17 lần khai của bị cáo Thuận. Tuy thừa nhận đó là những lời khai của mình, nhưng bị cáo Thuận vẫn một mực khẳng định, rằng “Do mệt mỏi nên đã nhận cho xong chuyện vì sự thật vẫn là sự thật”.


Nhưng khi luật sư Trần Đình Triển (bảo vệ cho phía bị hại) đặt câu hỏi: “Giữa việc khai có thể nhận án tử hình với việc không khai có thể bị đánh, tại sao lại thừa nhận?”, Thuận khôn ngoan: “Lúc đó bị cáo chỉ ý thức được rằng bị cáo cần phải sống. Bị cáo nghĩ giữ mạng trước, còn sự thật vẫn là sự thật”.


Luật sư Triển tiếp: “Tại sao trong các bản cung có sự tham gia của KSV và luật sư lại không kêu?”, Thuận trần tình: “Bị cáo rất hoảng, bị cáo chỉ nghĩ là ra tòa sẽ kêu oan”.


Luật sư Triển tiếp tục truy vấn: “Tại bản cung có sự tham gia của luật sư Lâm Văn Quang và Hoàng Văn Dũng, chị vẫn khai như vậy, tại sao không có phản ứng gì để luật sư có ý kiến?”, Thuận nhanh nhảu: “Đến luật sư lúc đó bị cáo cũng không tin tưởng, bị cáo chỉ muốn theo đà đó để được ra tòa nhanh”.


Tuy nhiên, cũng như bị cáo Hà, mặc dù trả lời khá rành rọt các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Thuận cũng để lộ ra sự mâu thuẫn trong chính lời khai của chính mình. Chẳng hạn, khi được Chủ tọa hỏi về việc tối xảy ra vụ án, Hà ở đâu, thì Thuận nhiều lần khẳng định chắc chắn rằng tối hôm đó, Hà ăn cơm tại nhà Thuận. Lập tức Hà được dẫn vào, khi được hỏi rằng tối hôm xảy ra vụ án, Hà ở đâu, thì Hà lại nói rằng Hà đi uống rượu cùng với một số người khác ở Xuân Đỉnh.


Tương tự, khi được hỏi về việc sau khi xảy ra cháy ở nhà anh Hưng, Tiệp ở lại nhà Thuận 2 tháng thì đóng góp bao nhiêu tiền, Tiệp khẳng định đã đưa cho Thuận mỗi tháng 500 nghìn đồng và đã đưa được 2 tháng. Nhưng sau khi Tiệp bị đưa vào phòng cách ly, HĐXX hỏi Thuận, Thuận lại khẳng định mỗi tháng Tiệp chỉ đưa 300 nghìn đồng.

Mâu thuẫn trong lời khai này khiến HĐXX phải đưa Tiệp vào phòng xử để đối chất. Và kỳ lạ thay, khi được hỏi lại, Tiệp lập tức “đính chính” lại rằng mỗi tháng Tiệp chỉ đưa cho Thuận 300 nghìn đồng chứ không phải 500 nghìn đồng. Sự thay đổi lời khai đột ngột của Tiệp khiến chủ tọa phải gọi cả cảnh vệ dẫn giải bị cáo lên cảnh báo vì “quản lý thế nào để bị cáo nghe được lời khai?” .


Ngày mai (4/8), phiên tòa tiếp tục làm việc.

Ngọc Linh

Bình luận
vtcnews.vn