Vụ Cát Tường: Đã chắc chắn hai điểm cần khai quật

Thời sựThứ Năm, 12/12/2013 08:06:00 +07:00

Chiều 11/12, giáo sư Vũ Văn Bằng đã chắc chắn hai điểm cần khai quật sau khi sàng lọc 50 điểm nghi có xác nạn nhân Cát Tường, người bị bác sỹ ném xác phi tang.

Chiều 11/12, giáo sư Vũ Văn Bằng đã chắc chắn  hai điểm cần khai quật sau khi đã sàng lọc 50 điểm nghi có xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, người bị bác sỹ Tường ném xác phi tang.

Diễn biến cuộc tìm kiếm thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền bị bác sỹ thẩm mỹ viện Cát Tường làm tử vong rồi phi tang: Sau khi kết thúc quá trình đo đạc, thăm dò trên dòng sông Hồng, giáo sư Vũ Văn Bằng bước vào giai đoạn thứ hai, sàng lọc thông tin. Đã có hai điểm chắc chắn cần phải khai quật tìm kiếm.
  
Đã chắc chắn hai điểm
Bắt đầu từ ngày 3/12, giáo sư Vũ Văn Bằng (Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) mang phương pháp mới vào cuộc tìm kiếm thi thể nạn nhân Cát Tường. Được biết, hết ngày 9/12, giáo sư đã xác định được 50 điểm có tín hiệu thi thể người trên sông Hồng.
Cũng từ ngày này, giai đoạn một của phương pháp tìm kiếm mới là khảo sát, kiểm tra, đánh dấu điểm nghi vấn kết thúc, mở ra giai đoạn thứ hai là sàng lọc thông tin, loại bỏ những khả năng phi khả thi.
Trao đổi với báo Đất Việt chiều 11/12, giáo sư Vũ Văn Bằng cho biết: “Trong 50 điểm mà tôi đã đánh dấu được sẽ phải sàng lọc để loại bỏ những phương án không khả quan. Không thể có đủ công sức, tiền bạc để khai quật hết cả 50 điểm, thế không khác gì mò hết sông Hồng.
 
 Sơ đồ 50 điểm mà giáo sư Vũ Văn Bằng đã lập
Từ 50 điểm này, tôi sẽ lựa chọn ra 5 điểm có tính khả thi cao nhất. Để tìm ra 5 điểm này, tôi phải tính toán theo dòng chảy của sông cụ thể từng thời điểm, địa hình địa vật dưới lòng sông, do đó sẽ mất khá nhiều thời gian, có lẽ đến hết tuần mới có kết quả cụ thể”.
“Tuy nhiên, tôi đã chắc chắn hai điểm cần phải khai quật. Điểm thứ nhất cách chân cầu Thanh Trì nơi Tường ném nạn nhân xuống 300m, điểm thứ hai cách đó 700m” – Giáo sư Bằng khẳng định.
Giáo sư Bằng cho biết thêm: “Sau khi tính toán được 5 điểm này tôi sẽ chuyển thông tin cho cơ quan công an và gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, việc khai quật cũng phải theo phương pháp của tôi, đó là dùng gầu máy múc từng miếng đất để kiểm tra, không dùng phương pháp hút cát, thổi cát như gia đình đã từng làm. Việc thổi hay hút cát chỉ làm rối loạn thêm địa hình dưới lòng sông”.
“Trong giai đoạn hai này, nhiều lúc có những thông tin chưa rõ ràng, chắc chắn, tôi đã phải tự mình quay lại hiện trường để đo đạc lại. Tôi đã dùng phương pháp này 10 năm nay, nên hi vọng sẽ có thể sớm kết thúc vụ việc, mang lại sự thanh thản cho gia đình” – Giáo sư Bằng chia sẻ.
 
 Giáo sư Bằng và ông Phạm Đức Quang, cậu của chồng nạn nhân trong lúc đo đạc trên cầu Thanh Trì

Thi thể chỉ còn xương cốt
Nhận xét về tình trạng của nạn nhân, giáo sư Vũ Văn Bằng cho biết: “Tính đến thời điểm này đã hơn 50 ngày bị vùi lấp dưới đáy sông, thi thể nạn nhân chắc chắn chỉ còn xương cốt, những phần mềm đã bị phân hủy, tan rã hết. 
Năm trước tôi có tìm một thi thể nạn nhân bị vùi 23 ngày dưới sông, và lúc đó nạn nhân này cũng chỉ còn xương cốt mà thôi”.
Trước thông tin một số nhà khoa học vật lý của Việt Nam cho rằng biện pháp mà giáo sư Vũ Văn Bằng sử dụng không đáng tin cậy, cụ thể, tiến sỹ vật lý Nguyễn Văn Khải (hay còn gọi là ông Khải Ozon) đã bày tỏ quan điểm:
“Trong các sách giáo khoa từ trung học cơ sở cho tới cao đẳng, đại học của Việt Nam và trên thế giới chưa có lần nào nói đến "tia đất" là cái gì. Mà đã không có tia từ - tia đất thì không thể dùng cái này để tìm xác chị Huyền được".
Ngoài ra, ông Khải còn đặt ra câu hỏi nghi ngờ: “Trong lịch sử ngành Vật lý những nhà khoa học sau khi khám phá ra các tia mới tồn tại trong trái đất như Gamma, Rơnghen,... đều được nhận giải Nobel danh giá. Vậy nhóm nhà khoa học đó khám phá ra loại "tia từ - tia đất" mới tại sao lại không được nhận giải Nobel danh giá hay là bằng khen của Việt Nam?”
 
 Hai điểm tìm kiếm chắc chắn nhất là địa điểm cách chân cầu 300 m và 700 m
 
Giáo sư Vũ Văn Bằng đã đáp lời: “Trước hết tôi khẳng định, đây là một sáng chế của tôi, đã được Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam kiểm chứng, thực nghiệm và cấp bằng sáng chế, bằng khen, và tôi cũng đã đăng ký sở hữu trí tuệ cho phát minh này.
Ngoài ra, trên thế giới chỉ duy nhất có mình tôi sở hữu công nghệ đó, thậm chí Mỹ tìm hài cốt cựu chiến binh, hay Nhật Bản tìm nạn nhân sóng thần cũng chỉ biết tìm mò, không thể cụ thể như phương pháp của tôi được”.
Giáo sư Bằng cũng nhấn mạnh: “Sang tuần tôi sẽ chuyển thông tin cho phía cơ quan công an, tôi nghĩ sẽ có thể sớm kết thúc cuộc tìm kiếm này, giúp gia đình bình yên, thanh thản”.
Trong khi đó, về phía gia đình nạn nhân, ông Phạm Đức Quang, cậu của chồng nạn nhân cho biết: “Hiện tại gia đình đặt hoàn toàn niềm tin vào phương pháp của giáo sư Bằng, Cả nhà chúng tôi đều đã chuẩn bị tinh thần, chỉ chờ kết quả cuối cùng của giáo sư Bằng sẽ lập tức khai quật ngay. Chúng tôi đang rất hy vọng”.

Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn