Vụ án hiệu trưởng mua dâm: xử kín là phạm luật?

Pháp luậtThứ Năm, 03/03/2011 01:51:00 +07:00

(VTC News) – “Việc TAND tỉnh Hà Giang tiến hành xử kín vụ án Sầm Đức Xương là không đúng quy định của pháp luật", luật sư Triển nói.

(VTC News) – “Việc TAND tỉnh Hà Giang tiến hành xử kín vụ án Sầm Đức Xương, nguyên hiệu trưởng trưởng THPT Việt Lâm mua dâm học trò là không đúng quy định của pháp luật”, luật sư Trần Đình Triển – Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân nói.

Trao đổi với VTC News, luật sư Trần Đình Triển thẳng thắn cho biết: “Luật pháp quy định chỉ tiến hành xử kín đối với những vụ án liên quan đến bí mật quốc gia hoặc đạo đức thuần phong mỹ tục. Trong khi đó, vụ án Sầm Đức Xương thì không có yếu tố bí mật quốc gia, mọi thông tin về hành vi mua dâm, bán dâm đã được công khai.

Trong phiên tòa sơ thẩm vào tháng 11/2009, Tòa án tiến hành xử kín với lý do các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thúy và Nguyễn Thúy Hằng đang ở tuổi vị thành niên. Nhưng nay các bị cáo đã trên 18 tuổi, việc tòa quyết định xử kín là không đúng quy định của pháp luật”.

Cũng theo luật sư Triển, các cơ quan tố tụng tỉnh Hà Giang đã vi phạm nhiều quy định, thủ tục tố tụng. Ông Triển nói: “Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, xét xử hành vi của các bị cáo ở thời điểm phạm tội. Các bị cáo Thúy và Hằng khi phạm tội đều dưới 18 tuổi, do đó phải có người giám hộ.

HĐXX phiên tòa sơ thẩm tuyên tịch thu, sung công quỹ số tiền đối tượng mua dâm đưa cho các bị cáo. Theo quy định pháp luật, người giám hộ là bố mẹ của các bị cáo, có nghĩa vụ phải trả thay. Như vậy, người giám hộ phải tham gia tố tụng với tư cách quyền và nghĩa vụ liên quan. Họ có quyền mời luật sư”.

Ông Triển cho biết, tháng 1/2011, bà Thơm, mẹ của bị cáo Thúy đã làm đầy đủ các thủ tục gửi Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang mời ông Trần Đình Triển làm luật sư nhưng lại bị từ chối với lý do: bị cáo Thúy nay đã trên 18 tuổi. Vậy câu hỏi đặt ra, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử bị cáo Thúy khi phạm tội dưới 18 tuổi hay trên 18 tuổi?

Một điều khó hiểu nữa, theo luật sư Triển, mặc dù cơ quan điều tra viên đã kết thúc điều tra và kết luận đây là vụ án hình sự không liên quan đến bí mật quốc gia, nhất là các bị cáo phạm tội trong độ tuổi vị thành niên nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ cho bị cáo gặp đại diện gia đình 1 lần. Từ đó đến nay, việc cơ quan tiến hành tố tụng không giải quyết việc cho các bị cáo gặp mặt gia đình là vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng.

“Kể từ khi vụ án được tiến hành điều tra lại, tôi đã vào trại tạm giam gặp 2 bị cáo 1 lần. Cả 2 cháu đều nói: "Chú Triển luật sư ơi, cứu bọn cháu với". Nhưng sau đó 1 tháng, khoảng tháng 5/2010, tôi bất ngờ nhận được thông báo của  cơ quan điều tra công an tỉnh Hà Giang, cháu Thúy và Hằng có giấy từ chối mời luật sư. Tôi đã trực tiếp lên làm việc với cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đề nghị, cử điều tra viên và kiểm sát viên cùng tôi vào trại tạm giam gặp các cháu để hỏi đây có đúng là nguyện vọng của các cháu hay không. Nếu đúng thì điều này cũng để dư luận khỏi nghi ngờ cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị cơ quan điều tra và Viện kiểm sát từ chối”, luật sư Triển cho biết thêm.

Phúc Hưng

 

Bình luận
vtcnews.vn