“VTC3 phong độ là nhất thời, đẳng cấp là vĩnh cửu”

Thể thaoThứ Ba, 24/01/2012 09:51:00 +07:00

"Thời điểm này ngẫm lại, tôi thấy một điều giống như trong bóng đá “phong độ là nhất thời đẳng cấp là vĩnh cửu”.

Năm vừa rồi, trong giới báo chí thể thao cũng xảy ra những vấn đề giống hệt như V- League, cũng có nạn câu móc phóng viên, lôi kéo người của nhau. Nhưng giờ đến thời điểm này ngẫm lại, tôi thấy một điều, giống như trong bóng đá “phong độ là nhất thời đẳng cấp là vĩnh cửu”. Khi anh tâm huyết, anh có tài, thì cho dù có thời gian anh vất vả một chút nhưng rút cuộc anh cũng sẽ trở về với đẳng cấp của mình”, PGĐ Đài, GĐ kênh VTC3- Vũ Quang Huy chia sẻ.  

 

“Những người làm truyền hình thể thao của chúng ta đã tiếp cận trình độ thế giới”

 Anh đánh giá thế nào về SEA Games 26 vừa qua?

Những năm lẻ thường không có nhiều sự kiện thể thao nổi bật. Từ khi tôi bước chân vào làng thể thao, đây là chiến dịch vất vả nhất bởi cách tổ chức không giống ai của nước chủ nhà. Anh em bị thiếu thốn đủ mọi thứ, bên cạnh đó, các phóng viên phải giăng ra tác nghiệp ở 2 thành phố cách xa nhau. Tuy nhiên trong khó khăn, thì đẳng cấp của từng đài truyền hình mới được bộc lộ. Tôi rất vui vì VTC đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong chiến dịch SEA Games vừa qua. Trong khi, các cựu binh đã chứng tỏ được kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp ở những thời điểm khó khăn thì các bạn trẻ lại cho thấy được nhiệt huyết và sự táo bạo rất cần có của những người làm thể thao. Những chiến dịch như thế này thật sự là trải nghiệm thú vị với những người làm thể thao. Tôi có thể tự hào mà nói rằng, thể thao Việt Nam vẫn còn kém đỉnh cao của thế giới rất xa nhưng những người làm truyền hình thể thao của chúng ta đã tiếp cận trình độ thế giới.

 Chúng ta đã gặp những khó khăn nào ở SEA Games 26 này?

SEA Games 26 vừa qua có lẽ là chiến dịch vất vả nhất từ trước đến nay. Năm ngoái tôi cứ ngỡ đi Nam Phi vất vả nhất nhưng hóa ra ở Nam Phi lại có nhiều thuận lợi. SEA Games vừa rồi diễn ra ở hai nơi cách xa nhau, không có bên nào chính, bên nào phụ nên chúng tôi phải huy động gấp đôi lực lượng.

Indonesia là đất nước Hồi Giáo, chúng tôi ăn uống kham khổ vì thức ăn không hợp khẩu vị. Có một phóng viên bị ngộ độc thức ăn ngay trong hôm đầu tiên đến đây và phải đưa vào viện. Nhưng khổ nhất là nạn tắc đường ở Jakarta. Có khi đi làm về, nhìn thấy nhà trước mặt rồi mà 2, 3 tiếng mới đến được nơi. Anh em đành chọn hình thức ngủ trên xe.

Ở đây tắc đường còn kinh khủng hơn Hà Nội, nhiều lúc muốn chạy bộ để tác nghiệp nhưng đường phố ở Jakarta lại không có vỉa hè cho người đi bộ. Có hôm  hai phóng viên của chúng tôi đánh liều vác đồ nghề chạy vào làn đường trống để về dựng chương trình cho kịp (là đường ưu tiên cho xe bus) đúng lúc chiếc xe bus lao qua. Cả hai phải áp sát vào hàng rào phân làn đường. Rất may không có điều gì đáng tiếc xảy ra cả.

Rồi phút chót, BTC lại thông báo thay đổi lịch bóng đá, trận đấu diễn ra sớm trước cả tuần làm thay đổi tất cả dự chi, phải bổ sung kinh phí. Ở SEA Games vừa rồi còn có một bất lợi nữa là các thông tin về thi đấu rất kém. Có khi vào trận đấu rồi mà BLV vẫn chưa biết ai đấu với ai. Rất may, bên cạnh sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thông tin, chúng tôi ở nhà tường thuật nhưng có số điện thoại lãnh đạo các bộ môn nên nhờ họ cung cấp thông tin từ nhà thi đấu. Ngoài ra, bên đó các phóng viên cũng phải có ý thức ai đi sản xuất thì phải cập nhật thông báo tình hình, tin tức cho mọi người ở nhà. Quả là, trong cái khó, ló cái khôn.

 Vượt qua những khó khăn đó, chúng ta gặt hái những thành công nào?

Sự thành công vừa qua của SEA Games là sự thành công của nhiều thứ: Chúng ta có sóng tường thuật nhiều nhất. Chúng ta có thế mạnh và công nghệ đường truyền cho phép làm 24/24 trong khi các đài khác phải thuê vệ tinh. Mỗi ngày chúng ta có 4 chương trình đồng hành cùng SEA Games. Và chúng ta cũng là đài duy nhất làm được cầu truyền hình nối Hà Nội và Indonesia.

 

 Anh có cho rằng, năm qua có vẻ là một năm nhiều biến động đối với Thể thao nói chung và với những người làm thể thao nói riêng?

Năm vừa rồi là một năm vất vả với chúng tôi, đặc biệt là các vấn đề cuộc chiến bản quyền bát nháo rất nhức nhối nên có thể nói thiệt thòi luôn thuộc về những đài không muốn “đi tắt đón đầu”. Nhưng chúng ta có nhiều thời gian để chứng tỏ đẳng cấp của mình. Rất may, tôi đã có trong tay một đội ngũ đầy tâm huyết. Quan điểm của tôi là tin vào đẳng cấp của mình đã được xác lập, cạnh tranh lành mạnh bằng chất xám. Bởi vì đó là cái đích thực mà khán giả hướng đến.

Thêm vào đó, kinh tế đất nước khó khăn, có nhiều biến động của thời cuộc. Trong dòng chảy như vậy, thể thao cũng bị tác động. Nhưng cũng rất lạc quan là có vẻ như cuối năm nay mọi thứ đã tốt lên.

 Tốt lên? Anh có thể nói rõ hơn không?

Như bạn cũng biết, bản quyền V- League thuộc về AVG nhưng nay bản quyền đó đã được lấy lại để phân bổ cho các đài. Ngoài ra, tôi cũng có cảm nhận thấy các vấn đề về bản quyền quốc tế đang có những thay đổi tích cực. Những thành phần độc quyền đang bị lỗ rất nhiều và bắt đầu khó khăn. Đó là bài học cho những người làm thể thao mà không nghĩ đến số đông. Và điều đó khiến cho chúng tôi tin vào phương châm sống của người làm thể thao: rõ ràng và fair play trong ứng xử. Năm vừa qua, mình vẫn bị thiệt thòi, nhưng giờ cuối năm rồi, nhìn lại thì thấy nói chung mọi thứ đều tốt cả.

Trong năm vừa qua những người làm thể thao cũng gặp rất nhiều biến động, vất vả, đặc biệt các anh em làm báo giấy khá lao đao. Vừa rồi xảy ra việc một loạt các ông bầu quật khởi đã tạo ra một cú hích tốt, sự ra đời của VPF thực sự là một chất men gây hào hứng cho người làm thể thao. Tôi cảm nhận mọi thứ đang sáng sủa hơn và chắc chắn sẽ có tư duy đổi mới trong thể thao tại Việt Nam.

 Có vẻ như khán giả theo dõi kênh VTC3 trong năm qua đã tăng lên đáng kể.

Năm vừa rồi kênh VTC3 ra khỏi đầu khóa mã, hiện giờ tất cả các loại đầu thu đều có thể xem được VTC3 nên lượng người xem rất đông.

Tôi có thể nói VTC3 là địa chỉ tin cậy cho những người yêu thể thao. Bởi kênh Thể thao của chúng ta rất toàn diện chứ không chỉ có bóng đá. Trong năm qua, kênh VTC3 hầu như không bỏ sót bất kỳ giải đấu thể thao lớn nào.

 Ðiều hành một kênh thể thao như điều hành một đội bóng: Cần tuân thủ chiến thuật

Trong một năm khó khăn và nhiều biến động như vậy, lực lượng của kênh VTC3 đã thay đổi như thế nào?

Trong năm vừa rồi kênh VTC3 đã có dấu ấn khá rõ của lực lượng trẻ. Nhiều bạn vào nghề chưa lâu nhưng trong chiến dịch SEA Games 26 đã phát huy được nhiệt huyết và sự táo bạo của tuổi trẻ. Tôi cũng rút ra một điều là trong điều hành kênh cũng giống như khi xây dựng một đội bóng cần sự kết hợp của ba thế hệ: Một là những cựu binh, hai là những người trong độ tuổi sung sức, và ba là những người trẻ liều lĩnh, táo bạo để “đẻ” ra những thứ mới. Với thành phần 3 lực lượng như hiện giờ, trong điều hành kênh tôi cảm thấy mình luôn dồi dào sinh lực và ý tưởng.

 Nhưng với thành phần 3 lực lượng như vậy có khi nào xảy ra những mâu thuẫn, đối lập không?

Quan điểm của tôi là, đấu pháp và những gì mình đề ra phải nhất quán để thực hiện một lối chơi chung. Có thể trong đội bóng, có người này người nọ, xuất hiện những ngôi sao nhưng dù thế nào đi chăng nữa vẫn phải tuân thủ kỷ luật của đội bóng. Tôi luôn đề cao chiến thuật trong thi đấu. Đó là quan điểm xuyên suốt. Còn khi đã tròn vai rồi thì lúc ấy anh muốn làm gì thì làm.

Cái nghề thể thao rất nghiệt ngã. Có những người rất đam mê nhưng khi có vợ có con thì họ phải dành thời gian chăm sóc cho gia đình trong khi làm thể thao thường xuyên phải đi đêm về hôm bất kể ngày lễ ngày nghỉ. Chính vì thế lực lượng của kênh luôn có sự điều chỉnh, bổ sung người mới để khi người cũ gặp gánh nặng gia đình thì có người mới đỡ đần, gánh vác trách nhiệm xông pha.

 

 Nghe nói trong nội bộ kênh 3 cũng xảy ra việc “đến” và “đi” của các phóng viên?

Năm vừa rồi, trong giới báo chí thể thao cũng xảy ra những vấn đề giống hệt như V- League, cũng có nạn câu móc phóng viên, lôi kéo người của nhau. Nhưng giờ đến thời điểm này ngẫm lại, tôi thấy một điều, giống như trong bóng đá “phong độ là nhất thời đẳng cấp là vĩnh cửu”. Khi anh tâm huyết, anh có tài, thì cho dù có thời gian anh vất vả một chút nhưng rút cuộc anh cũng sẽ trở về với đẳng cấp của mình. Còn nếu câu móc người, chơi trò “ngắt ngọn” thì anh chỉ đạt đến một tầm cao nhất định mà thôi.

Bóng đá và cuộc sống giống nhau ở chỗ đó.

 Nhiều khán giả nhận xét, dường như chúng ta đang thiếu những BLV có thể kế cận các BLV gạo cội. Là một BLV kỳ cựu, anh đánh giá thế nào về các lứa BLV trẻ hiện nay?

Các BLV trẻ, nhiều người có khả năng chứ, có điều họ chưa biết cách làm thế nào để khán giả yêu mến họ. Lỗi này một phần thuộc về quản lý và đào tạo. Riêng ở VTC, chúng tôi luôn giúp các BLV phát huy gần như tốt nhất sở trường của họ.  Mình rút kinh nghiệm cho họ trong từng trận đấu, thậm chí có những điều chỉnh sau từng câu nói.

Qua SEA Games này, không nói thì ai cũng phải nhận thấy một điều rằng đối với những người làm thể thao sự tích lũy theo nghĩa rộng (sức khỏe, kiến thức, ứng xử và đam mê…) là vô cùng quan trọng. Mỗi phóng viên, BLV khi vào trận cũng giống như bị ném xuống nước phải tìm cách bơi. Chẳng hạn vừa rồi trong mỗi trận đấu, chúng tôi luôn phải túc trực hai người tường thuật với nhau. Trong khi một người gọi điện sang bên kia lấy thông tin thì một người phải lấp sóng bằng những thông tin mà mình tích lũy. Khán giả không thể chấp nhận việc anh không có thông tin gì cho họ cả. Họ đâu có hiểu cho mình rằng ngay cả truyền hình nước chủ nhà lúc đó cũng chưa có danh sách thi đấu.

Nhiều người nghĩ rằng cứ đọc xong là phải sử dụng ngay nhưng không phải như thế. Bởi vì kiến thức ở trong đầu, có thể không dùng lúc này sẽ dùng lúc khác điều quan trọng là phải hợp người hợp cảnh. Hãy coi mỗi bài báo anh viết, mỗi phóng sự, mỗi buổi tường thuật anh làm là để tích lũy thêm đam mê không phải để đối phó cho công việc. Không nên vội vàng mà hãy để cho mọi thứ hết sức tự nhiên. Như bản thân tôi khi bình luận một trận bóng đá, trước hết tôi xác định làm để thỏa mãn đam mê của tôi đã. Nhiều người nói tường thuật phải vì khán giả, nhưng trước hết tôi phải cảm thấy thích thú với những điều tôi nói ra đã. Chứ nếu ngay cả bản thân tôi cũng không nuốt nổi những gì mình nói thì sao bắt khán giả yêu thích tôi được?

Trong năm qua, ngoài SEA Games sự ra đời của VTC HD Thể thao cũng được đánh giá là một trong những sự kiện nổi bật. Thêm một kênh mới, VTC3 ắt thêm việc?

Năm vừa rồi có điểm nhấn là sự ra đời của kênh VTC HD Thể thao - kênh thể thao HD chuyên biệt đầu tiên ở Việt Nam. Thêm một kênh mới, thêm những đầu việc tăng lên và anh em vất vả hơn. Nhưng mọi người đã xác định làm thể thao là phải chấp nhận áp lực và cần có sự cảm thông của gia đình.

Một năm cũ sắp qua, năm mới đang đến gần. VTC3 sẽ có gì cho khán giả trong năm 2012?

Năm tiếp theo có 3 sự kiện thể thao lớn là Olympic London, Euro 2012 và AFF Cup. Đến bây giờ về bản quyền chưa ngã ngũ nhưng chúng tôi đang tích cực đàm phán, hy vọng các đài sẽ ngồi lại được với nhau để tránh lãng phí cho đất nước như đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

Vâng, xin cảm ơn anh!

Hà Trang

Bình luận
vtcnews.vn