VTC10 trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

Tổng hợpThứ Hai, 27/05/2013 01:30:00 +07:00

Tây Côn Lĩnh là đỉnh núi cao nhất vùng Ðông Bắc và là đỉnh núi cao thứ 2 Việt Nam, sau đỉnh Phan-xi-păng...

   Ðúng theo tiêu chí của chương trình “Khám phá Việt Nam”, BTV Duy Anh luôn muốn chinh phục những vùng đất lạ và ít người đặt chân đến. Với độ cao 2419m, Tây Côn Lĩnh là đỉnh núi cao nhất vùng Ðông Bắc và là đỉnh núi cao thứ 2 Việt Nam, sau đỉnh Phan-xi-păng. Trước đây, nhóm làm chương trình đã chinh phục thành công đỉnh núi cao nhất Phan-xi-păng vì thế có lẽ không có lý do gì để không tiếp tục chinh phục Tây Côn Lĩnh… Và mỗi đỉnh núi là một hành trình với những trải nghiệm khám phá hoàn toàn khác nhau.

 

 

   Một lần lỡ hẹn với Tây Côn Lĩnh

Tây Côn Lĩnh là đỉnh núi trên khối núi thượng nguồn sông Chảy nằm ở phía Tây tỉnh Hà Giang, thuộc huyện Hoàng Su Phì, cách thành phố Hà Giang khoảng 46 km. Ngay từ trước Tết Qúy Tỵ, Duy Anh và ê-kip chương trình “Khám phá Việt Nam” đã hăm hở lên đường với mong muốn chinh phục thành công đỉnh Tây Côn Lĩnh. Nhóm dự kiến thời gian chuyến đi sẽ kéo dài khoảng 2 tuần và không hề lường trước những khó khăn sắp phải đối mặt.

Lên đến nơi, nhóm được các anh ở phòng văn hóa huyện Hoàng Su Phì nhiệt tình tiếp đón và dẫn đi tham quan khắp nơi, giao lưu với bà con dân tộc ở địa phương. Nhóm cũng được dẫn đến thăm địa danh Bốt Ðen huyền thoại của một thời chống Pháp. Phụ thuộc vào nhóm dẫn đường nên ê-kip của Duy Anh hầu như bị động trong lịch trình và thời gian. Mải lang thang ở các địa danh của Hoàng Su Phì nên nhóm tiêu tốn gần hết quỹ thời gian cho phép của chuyến đi. Ðường lên Tây Côn Lĩnh có rất nhiều cung đường nhưng do chưa phát triển các dịch vụ tour tuyến, đường đi chủ yếu tự phát và hầu như vừa đi vừa mở đường nên muốn tiếp tục leo lên đỉnh Tây Côn Lĩnh thì nhóm phải vòng từ Bốt Ðen xuống xã Túng Sán rồi từ đó mới đi lên đỉnh. Cung đường này sẽ mất rất nhiều thời gian. Còn con đường tắt từ Bốt Ðen lên Tây Côn Lĩnh thì lại vô cùng khó khăn, nguy hiểm, thậm chí phải đi qua những bãi mìn còn sót lại từ chiến tranh nên chính già làng, trưởng bản cũng tỏ ra e ngại, không dám dẫn đoàn đi. Thêm nữa, thời tiết lại không ủng hộ lòng người. Trời mưa rả rích suốt ngày.

 

Cảm thấy “thiên thời, địa lợi” chưa tới, cả nhóm quyết định chấp nhận tay không quay về.

   Quyết tâm phục thù…

Càng khó lại càng phải làm bằng được. Tâm lý ấy cứ thôi thúc trong đầu Duy Anh cho đến một ngày tháng 4, anh quyết định tiếp tục cuộc hành trình dang dở của mình để chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Sau 9 tiếng ngồi ô tô, cả nhóm tạm chia tay với những ồn ào, khói bụi của Hà Nội để đặt chân đến miền sơn cước Hoàng Su Phì. Rút kinh nghiệm từ chuyến đi trước, lần này, ê-kip sẽ chọn cung đường Hoàng Su Phì - Túng Sán - Trúng Phùng và từ đó leo lên đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Nghỉ chân một ngày ở huyện để chuẩn bị công tác hậu cần, sáng sớm hôm sau, cả nhóm thuê xe máy để di chuyển cơ động hơn. Từ trung tâm của huyện Hoàng Su Phì ra thị trấn Vinh Quang, mọi người di chuyển hơn 10 km bằng xe máy để vào xã Túng Sán. Thời điểm này, những thửa ruộng bậc thang chưa phải lúc đẹp nhất, người dân nơi đây bắt đầu dẫn nước vào ruộng để canh tác. Từ trung tâm xã Túng Sán, nhóm lại tiếp tục vượt hơn 10 km đường gồ ghề nữa để đến thôn Trúng Phùng.

 

Cung đường thay đổi liên tục, lúc xuyên qua những bản làng bình yên, mộc mạc, lúc lại là đoạn đường vô cùng hiểm trở, cheo leo. Một bên là vực, một bên là vách núi dựng đứng, đường khá hẹp và dốc, lại phải băng qua nhiều con suối. Sương giăng ngập lối khiến cho cả đoàn đi có cảm giác man mát đang ngấm dần vào da thịt, dễ chịu vô cùng. Nhưng sương trắng cũng làm hạn chế tầm nhìn, khiến cho những tay lái trong đoàn trở nên dè chừng. Ở những đoạn dễ đi, mọi người cố gắng di chuyển nhanh vì có những người dân tộc đang chờ họ ở Trúng Phùng. Từ Trúng Phùng, cả đoàn gửi xe ở lại nhà người dân và bắt đầu cuộc hành trình trên chính đôi chân của mình.

Thời tiết khá đẹp và trong lành. Không gian mát lạnh, chốc chốc lại thấy những vạt mây trôi lững lờ. Dù trời mát mẻ, dễ chịu nhưng thời điểm này thỉnh thoảng cũng xuất hiện vài cơn mưa khiến cho đường đi có nhiều chỗ bị ẩm ướt, rất khó di chuyển. Mượn được con dao tự chế của người dân tộc, Duy Anh tự tạo cho mình một chiếc gậy đi đường bằng một thân tre nhỏ. Vượt qua những quả đồi, cánh rừng, sông suối tiếp nối nhau, cả nhóm hướng đến đỉnh núi cao nhất trước mặt.

Ðến trưa, trời bắt đầu hửng nắng, một tín hiệu tốt cho cuộc hành trình. Mọi người nghỉ trưa tại chiếc lán dựng tạm của những người thu hoạch thảo quả. Duy Anh vui vẻ cùng 2 người dân tộc đi hái những cây rau dại mọc quanh lán thảo quả để ăn kèm với mì tôm trong bữa trưa. Sau khi bổ sung năng lượng, cả đoàn lại tiếp tục lên đường. Ðoạn đường mới có vẻ hoang vu hơn khi vắng bóng người qua lại, thi thoảng mới gặp một người dân tộc đi làm nương. Nếu đi nhanh thì đoàn có thể lên đến đỉnh Tây Côn Lĩnh luôn nhưng vì vừa đi vừa ghi hình nên mất khá nhiều thời gian.

 

Sau khi cân đo đong đếm, mọi người quyết định chọn phương án an toàn là tạm dừng chân sớm để nghỉ đêm dưới chân núi Tây Côn Lĩnh, bởi nếu có tiếp tục đi đến tối thì cũng không thể lên được tới đỉnh núi, mà dừng lại lưng chừng núi giữa đêm tối mênh mông có thể gặp rất nhiều nguy hiểm.

   Một đêm mò cua bắt ếch giữa đại ngàn

Nhằm đúng mùa mưa nên vùng núi dưới chân Tây Côn Lĩnh xuất hiện rất nhiều ếch đá và cua đá, được xem là món đặc sản của người dân tộc Mông nơi đây. Buổi tối hôm ấy, cả nhóm VTC10 cùng tham gia với 2 người Mông để đi săn ếch và cua. Ðây cũng là lần đầu tiên trong đời, mấy anh em từ miền xuôi được trải nghiệm cảm giác mò cua bắt ếch giữa đại ngàn hoàng vu. Vào mùa thảo quả nên nhóm được người dân cảnh báo có rất nhiều rắn. Ðây thực sự là nỗi ám ảnh với BTV Duy Anh và quay phim Sỹ Thanh, bởi cả hai đều… rất sợ rắn. Trong lúc quay cảnh bắt ếch, Sỹ Thanh bị trượt chân xuống bờ vực khiến cả nhóm thót tim. Cũng may, anh chàng nhanh tay tóm được một gốc cây nên bình an vô sự.

 

Vừa mò mẫm, mọi người vừa động viên nhau “cứ đi đi, chắc không sao đâu” nhưng không tránh khỏi cảm giác run run. Ði giữa rừng rậm ban ngày đã đầy nỗi sợ rồi, đưa chân giữa đêm tối mà không biết dưới chân có gì lại càng khiến cho mấy anh chàng miền xuôi nổi da gà. Cây cối đẫm sương đêm cọ vào người tưởng như những con rắn đang chực săn mồi. Cả nhóm bám lấy vạt áo của nhau mà đi bởi chỉ có một chiếc đèn pin và đèn led của máy quay. Những người dân tộc đã quá quen thuộc với công việc này nên biết rõ những nơi có nhiều ếch và cua trú ngụ. Còn nhóm VTC10 thì chỉ chờ được “chỉ điểm” là xông vào tóm thành phẩm. Cuối cùng sau 3 tiếng đồng hồ lọ mọ, cả đoàn đã kết thúc chuyến đi săn lúc nửa đêm với kết quả là hơn 1kg ếch và kha khá cua đá. 

   Trở lại thời nguyên thủy

Có lẽ, nỗi ám ảnh với cả ê-kip VTC10 trong cuộc hành trình chinh phục Tây Côn Lĩnh không phải là cơm ăn nước uống mà chính là thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc ghi hình. Sóng điện thoại không có nên rất khó để liên lạc với nhau, đôi khi nhóm này đứng cách nhóm kia một quả đồi, nhìn rõ thấy nhau nhưng lại không thể nghe thấy tiếng nhau để trao đổi thông tin.

Nhóm chỉ mang theo 2 cục pin máy quay nên khi gần hết pin thì không thể tìm đâu ra điện để xạc pin. Ở trên này chưa có điện lưới quốc gia, người dân chủ yếu khai thác sức nước của sông suối để chạy máy nổ phát điện cho gia đình. Xui xẻo cho đoàn là ngôi nhà họ gặp trên đường đi lại không có máy phát điện. Cuối cùng, anh chàng kỹ thuật của ê-kip VTC10 đành phải chạy qua nhà hàng xóm cách đấy… 2 quả đồi để xin điện.

 

Thiếu thốn đủ thứ, nhưng có lẽ chính hoàn cảnh ấy đã mang lại cho cả nhóm VTC10 những trải nghiệm thú vị cuộc sống hoang dã giữa núi rừng, không khác mấy so với thời nguyên thủy. Mọi vật dụng và thức ăn, hầu như đều xuất phát từ tự nhiên. Trên đường đi, nhiều lúc không có nước uống, những người dân tộc đi cùng lại chỉ cho nhóm những loại cây thân mềm ven đường có thể ăn để xua đi cơn khát. Hay những khi không có cốc để uống nước suối, chỉ cần con dao mèo phạt một khúc nứa thế là có cốc. Rồi những lúc hết mì tôm, anh em lại được thưởng thức món cá suối nướng, ếch nướng, cua nướng do chính mình săn bắt được.

Ăn giữa rừng, ngủ cũng giữa rừng. Có lẽ Duy Anh sẽ không bao giờ quên được cái đêm cùng cả đoàn ngủ dưới chân núi Tây Côn Lĩnh. Lán thảo quả của người Mông chỉ được ghép sơ sài từ những tấm ván nên đêm xuống gió lùa sương đêm, lạnh thấu da thấu thịt. Trời lại đổ mưa phùn. Nhiệt độ ban đêm ở đây xuống 3-8 độ. Mấy anh chàng nằm co ro ôm nhau tưởng như chưa bao giờ thấy lạnh đến thế. Hai người Mông đốt củi để sưởi ấm cho mọi người nhưng vì cái lán quá bé, lại ẩm ướt nên khói bốc mù mịt, khiến cho ai nấy nước mắt nước mũi đầm đìa, thỉnh thoảng lại phải bật dậy chạy ra khỏi lán để tránh ngạt. Cứ như thế, hầu như chẳng ai có được một giấc ngủ yên lành.

Biết mọi người đều mệt và đói, hai anh dân tộc Mông đã dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng cho cả đoàn. Bữa ăn sáng là những con ếch nướng ăn cùng mì ăn liền và cơm nấu vội. Ðó là một trải nghiệm khó quên đối với những thành viên trong đoàn. Bao mệt mỏi dường như tan biến hết. Ðâu cần mâm cao cỗ đầy, bỏ qua cao lương mỹ vị, những món ăn bình dị nhưng chứa đựng trong nó là tình cảm nồng ấm của những người dân địa phương hiền lành, chất phác.

 

   Thuốc lào thay sâm-panh

Ăn xong bữa sáng, cả đoàn khẩn trương lên đường. Buổi sáng ở chân núi Tây Côn Lĩnh là một màn sương mù bao trùm cả vùng rừng núi mênh mông, có cảm giác như với tay ra là chạm được vào những sợi sương mỏng. Lên đến độ cao 1800m so với mực nước biển, cả đoàn đi chậm lại, vừa đi vừa dò đường. Ở độ cao này, ít có người đặt chân đến, nên đường đi cũng không rõ ràng. Băng qua nương thảo quả cuối cùng là những đoạn dốc dựng đứng mà không cẩn thận có thể bị trôi tuột xuống dưới. Hai chân chưa đủ, có khi mọi người phải dùng cả hai tay, như một chú ếch bám leo từng bước một. Sức khỏe không tốt, lại chịu một đêm mất ngủ hôm trước nên Duy Anh dần tụt lại cuối đoàn. Mọi người đành vừa di chuyển vừa đợi chờ nhau bởi giữa rừng núi xanh thẳm bạt ngàn ấy rất dễ thất lạc và mất phương hướng.

Càng đi lên phía trên, cảnh vật càng thay đổi. Có khi là một sườn đồi hoa lãng mạn, có khi lại là rừng trúc bạt ngàn. Vừa leo núi vừa mang vác máy móc cho công tác ghi hình nên cả nhóm VTC10 không thể có được cảm giác thanh thoát như những người đi dã ngoại đơn thuần.

Lên đến đỉnh Tây Côn Lĩnh vào lúc giữa trưa, giữa cảnh bồng bềnh sương trắng mịt mù, mọi người đều nằm vật ra thảm lá mùn, cảm giác mệt mỏi như tan biến, chỉ còn lại sự thỏa mãn. Cũng may lớp mùn lâu năm chẳng khác nào chiếc đệm lò xo. Ai nấy đều vui vẻ nói cười, khác hẳn với những mệt mỏi lúc trước. Một người Mông rút dao ra chặt khúc tre bên cạnh làm thành cái điếu cày. Thế là cả nhóm túm tụm bên cái điếu, khói hòa cùng mây. Không có sâm-panh để nổ vang ăn mừng như khi lên đến đỉnh Phan-xi-păng, cả đoàn ăn mừng chiến thắng ở đỉnh Tây Côn Lĩnh bằng món đặc sản của người Mông- những cuốc thuốc lào tự chế.

 

Sau giờ phút giải lao, mọi người tỏa ra các hướng để thưởng ngoạn khung cảnh từ đỉnh núi cao. Mây mù bao phủ, tầm mắt bị hạn chế nhưng cảm giác đứng trên đỉnh cao, cảm giác chinh phục bao khó khăn, cảm giác vượt qua chính mình để ngắm nhìn một vùng trời đất bao la của tổ quốc thân yêu, khiến cho cả đoàn ai nấy đều xúc động, tự hào.

Cả nhóm bắt đầu xuống núi lúc 2h chiều. Lúc này, nước và mỳ tôm đã hết sạch. Sau niềm vui chiến thắng là cảm giác đói và mệt. Những người dân bản địa quyết định dẫn nhóm đi con đường tắt để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, con đường này lại rất hiểm trở, hầu như thẳng dốc. Ðường vừa dốc lại lởm chởm những gốc tre, vầu, nứa… dựng đứng sắc nhọn như những ngọn chông. Cả đoàn bám víu vào nhau nhích tường bước xuống nhưng không may Duy Anh bị ngã. Kết quả là sau khi lăn mấy vòng, anh chàng “hạ cánh” ở một bụi tre và một cây tre nhọn hoắt đã xuyên qua đùi. Máu chảy lênh láng khiến anh chàng mặt trắng bệch vì mất máu và… sợ hãi. Mọi người xé áo ra buộc chặt vết thương.

Khổ cho anh chàng là người tình nguyện cõng thì không thiếu nhưng vì đường quá dốc không thể cõng nhau mà đi xuống được, mọi người đành thay nhau dìu Duy Anh lê lết từng bước. Xuống đến chân núi, vết thương bắt đầu đau nhức nhưng thôn Trúng Phùng lại không có trạm y tế để sơ cứu. Khổ chủ đành chấp nhận nghếch chân ngồi lên xe máy, vượt qua con đường gồ ghề hơn 20km để về Hoàng Su Phì để sơ cứu và tiêm phòng uốn ván. Vết tích tưởng nhỏ nhưng lại rất sâu, khiến cho Duy Anh phải mất 3 tuần nằm bẹp ở nhà sau chuyến đi.

“Chúng tôi đã từng chinh phục đỉnh Phan-xi-păng, nóc nhà Ðông Dương với độ cao hơn 3000m, nhưng do tour tuyến ở đó đã có sự chuyên nghiệp nên dịch vụ sinh hoạt không khó khăn như chuyến đi Tây Côn Lĩnh. Có đi mới biết, không có đỉnh núi nào là cao hơn trong hành trình của người lữ hành mà chỉ có những gian khó, thử thách phải vượt qua và niềm vui chiến thắng khi đứng trên đỉnh núi”- BTV Duy Anh chia sẻ.  Sẽ có những chuyến đi khác, sẽ có những trải nghiệm khác nhưng có một điều mà nhóm “Khám phá Việt Nam” của Duy Anh cảm nhận được cuối mỗi hành trình đó là niềm tự hào về một đất nước, quê hương Việt Nam tươi đẹp.

Thương Anh


Bình luận
vtcnews.vn