VTC News tổ chức tọa đàm về phòng vệ thương mại khi Việt Nam tham gia CPTPP

Đầu TưThứ Năm, 24/11/2022 06:40:16 +07:00
(VTC News) -

VTC News tổ chức Tọa đàm Hạn chế và rủi ro bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM với hàng xuất khẩu của Việt Nam khi xuất sang thị trường các nước thành viên CPTPP.

Tọa đàm được tổ chức vào 14h30 ngày 25/11.

Nội dung tọa đàm xoay quanh những hạn chế và rủi ro bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP và giải pháp để tránh rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại.

VTC News tổ chức tọa đàm về phòng vệ thương mại khi Việt Nam tham gia CPTPP - 1

 

Tọa đàm cũng là dịp để các cơ quan quản lý tiếp cận và thu nhận những thông tin đa chiều, làm cơ sở xây dựng kế hoạch hành động phù hợp và hiệu quả nhằm sử dụng hiệu quả chính sách phòng vệ thương mại khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu cũng có thêm kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, từ đó nâng cao nhận thức, chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả hơn với các vụ kiện về phòng vệ thương mại.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, phòng vệ thương mại có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế cũng như doanh nghiệp khi Việt Nam đang mở cửa và phải cạnh tranh với rất nhiều sản phẩm đến từ các nước, đặc biệt là trong bối cảnh gia nhập CPTPP.

Theo ông Trung, phòng vệ thương mại đã trở thành xu hướng và chiến lược song hành với mở cửa hội nhập của mỗi quốc gia. Vì vậy, chiến lược của chúng ta là coi phòng vệ thương mại như là một điều tất yếu cùng với quá trình hội nhập. 

Ông Trung nhấn mạnh, khi bị điều tra, các hiệp hội, doanh nghiệp cần bình tĩnh, ứng phó hiệu quả, để nếu nước ngoài áp thuế cũng không cản trở quá nhiều đến tăng trưởng xuất khẩu.

Về phía doanh nghiệp, bà Lê Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhôm Việt Nam, Phó Chủ tịch Công ty cổ phần Nhôm Đô Thành, nhìn nhận Việt Nam hiện đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới và đang được đánh giá là một nền kinh tế có độ mở rất lớn. Để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu (như bán phá giá hay trợ cấp từ chính phủ, hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa...) thì việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại là một việc cần thiết và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhất là những ưu đãi về thuế quan. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, CPTPP cũng đem lại thách thức khiến hàng hóa Việt Nam có thể phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại khi cạnh tranh với hàng hóa sản xuất của các nước đối tác vốn dĩ luôn nhận được nhiều ưu đãi.

"Do đó việc nắm vững các kiến thức, thông tin về phòng vệ thương mại ở các nước CPTPP được cho là cần thiết để hỗ trợ cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh lành mạnh", ông Long nhấn mạnh.

Tòa đàm "Hạn chế và rủi ro bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP" do báo VTC News phối hợp Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức.

Tọa đàm bắt đầu lúc 14h30 ngày 25/11, với sự tham dự của: 

- Ông: Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

- Ông: Dương Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam

- Lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn