VTC 10 đi... "nhảy lửa"

Tổng hợpThứ Tư, 19/12/2012 08:20:00 +07:00

Buổi tối ở Hà Giang, thời tiết bỗng dưng khô ráo, mát mẻ và hội nhảy lửa vẫn thành công tốt đẹp. Tôi càng tin là có thần linh phù hộ...

“Hôm đó, Hà Nội mưa do ảnh hưởng của bão. Nhóm phóng viên ở Lạng Sơn gọi điện thông báo trời mưa to lắm. Một nhóm nữa ở Ba Bể cũng không tác nghiệp được vì gặp mưa. Thế mà, buổi tối ở Hà Giang, thời tiết bỗng dưng khô ráo, mát mẻ và hội nhảy lửa vẫn thành công tốt đẹp. Tôi càng tin là có thần linh phù hộ…”- BTV Vân Chi kể lại.

Sau một tháng ấp ủ lên kế hoạch, cuối tháng 10 âm lịch vừa qua, nhóm phóng viên của chương trình “Di sản văn hóa” đã quyết định lên xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang để làm chương trình về lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn. Trước đây, xem qua sách báo, tôi cũng đã được biết về lễ hội kỳ lạ này và rất tò mò, thậm chí hoài nghi. Lần này, có cơ hội trực tiếp chứng kiến những hình ảnh mang tính chất thần thánh, bí ẩn nên tôi vô cùng háo hức.

 
6h sáng, chúng tôi xuất phát từ Hà Nội. Một lái xe, một biên tập, một quay phim. Khoảng 2h chiều, chúng tôi đến nơi. Lần đầu tiên đặt chân đến Hà Giang, cảnh vật nơi đây đã cho tôi một cảm giác lạ lùng, rộng rãi bao la pha chút lành lạnh của núi rừng. Nhưng bù lại, con người ở đây lại mang đến sự ấm cúng, thân thiện như đã quen tự bao giờ.

Vừa xuống xe, chúng tôi đến ngay nhà thầy cúng Sìn Văn Phong để tìm hiểu công tác chuẩn bị cho đêm nhảy lửa buổi tối hôm đó. Tại đây, chúng tôi đã gặp những người đàn ông sẽ trực tiếp tham gia đêm nhảy lửa. Họ khỏe mạnh, vui vẻ và đầy sức sống. Hình như, không ai gợn một chút lo lắng nào về những thử thách đang chờ đợi mình phía trước.

Khác với những hình dung của tôi rằng các thầy cúng ở miền núi đều rất khó tính và… khác người, ông Sìn Văn Phong rất thân thiện, mến khách. Ông giảng giải cho chúng tôi vềý nghĩa xung quanh lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn. Ông còn nhiệt tình mời bằng được cả nhóm ở lại nhà ăn cơm tối trước khi đi ra hội.

 
Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn thường được tổ chức vào khoảng giữa tháng 10 âm lịch cho tới cuối năm, khi thời tiết đang bước vào thời kỳ khắc nghiệt nhất của mùa đông. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh, minh chứng sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với nguy hiểm, xua đuổi tà ma, bệnh tật, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho an khang thịnh vượng.

Để chuẩn bị cho việc sắp đặt ánh sáng và máy quay, gần 7h tối, chúng tôi đã ra sân bãi. Nhưng thách thức là cả nhóm chỉ có một cây đèn, trong khi sân lại rất rộng và không thể đủ ánh sáng để ghi hình. Đang vật vã nghĩ cách thì may mắn thay, chúng tôi lại gặp một đoàn phóng viên cùng đi tác nghiệp và cũng đang loay hoay không biết nên sắp đặt ánh sáng như thế nào. Cả hai nhóm bàn bạc và quyết định cùng hỗ trợ nhau tác nghiệp. Thế là tổng cộng có 3 cây đèn, cũng tạm yên tâm phần nào. Đèn được sắp đặt vào 3 góc theo hình tam giác để bao quát toàn bộ khu vực nhảy lửa. Hai lái xe được phân công nhiệm vụ… trông đèn.  

Đặt được đèn rồi, hai quay phim của hai đoàn lại chật vật khâu… bảo vệ máy. Để đảm bảo đủ các góc máy toàn và cận cảnh, quay phim phải di chuyển liên tục và gần như “xáp lá cà” với đống lửa. Khổ nỗi, mỗi lần những người nhảy lửa thăng hoa thì tàn lửa bị đá ra tung tóe xung quanh, văng cả vào quay phim lẫn máy quay. Hai máy quay dường như vẫn chưa đủ để bắt được những hình ảnh “đắt” của buổi nhảy lửa, nên mọi người bố trí quay cả máy ảnh, thậm chí điện thoại đời cao cũng được trưng dụng để tác nghiệp.

 
Do phải nối dây điện từ trong ủy ban ra khoảng đất trống, với chiều dài hơn 10 m nên cần rất nhiều dây điện và ổ cắm. Lúc đầu, do không có ai trông, người dân đi lại nườm nượp, vô tình đá phải dây điện, thế là cứ đang quay thì đèn lại tắt phụt. Cuối cùng tôi được phân công đứng… giẫm dây điện để cố định ổ cắm. Người dân đi qua, cứ cười chỉ trỏ và không hiểu tại sao có một đứa con gái người nhỏ thó, tự dưng đứng giẫm dây điện suốt cả buổi tối như thế.

Đúng 8h tối, một đống lửa lớn được đốt lên trên khoảng sân rộng và thầy cúng bắt đầu làm lễ. Trong 30 đến 40 phút đầu, thầy ngồi trên chiếc ghế dài, thực hiện các bài ca nghi lễ với nội dung mở đường lên trời tìm “con ma” rồi gọi về nhập vào những người tham gia nhảy lửa. Khi thầy cúng gõ đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên một ngồi đối diện với thầy, và đó chính là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa.

Sau khi thầy kết thúc các nghi lễ ban đầu thì cũng là lúc cơ thể của những người tham gia nhảy lửa bắt đầu rung lên. Thời điểm này báo hiệu họ sắp có sức mạnh, sắp có sự dũng cảm để nhảy vào những đám than hồng đang ở độ rực rỡ nhất, nóng bỏng nhất.

Tiếng gõ đều đều của thanh tre trong tay thầy cúng mỗi lúc một thôi thúc, các động tác lắc lư của các chàng trai mạnh dần. Họ bắt đầu bật lên, cúi người, nhảy lò cò và tiến ra gần đống lửa. Một nguồn năng lượng nào đó nâng bổng người thanh niên nhảy bật lên bằng cả hai chân và lao vào giữa đống lửa cháy rừng rực.

Đứng ở phía ngoài khá xa, tôi cố nghển cổ lên nhìn vàothỉnh thoảng từng đám tàn lửa bay lên ngút trời. Thỉnh thoảng, tranh thủ vắng người, tôi lại chạy vào ngó nghiêng một chút rồi lại lập tức quay về vị trí.

 
Càng lúc thanh niên tụ tập xung quanh thầy mo càng nhiều và lần lượt thay nhau ngồi lên chiếc ghế dài. Trong phút chốc họ lại rung lên và nhảy vào đống lửa. Tiếng reo hò thỉnh thoảng lại rộ lên theo những màn xuất thần của người nhảy lửa.

Đây là lần đầu tiên, tôi được tận mắt chứng kiến lễ hội kỳ lạ này nên không khỏi… sởn da gà. Những người đàn ông chân trần nhảy lên đống tàn lửa đỏ rực mà không hề bị bỏng chân hay cháy quần áo. Không có bất cứ một vật dụng nào để lót cho đôi chân của họ. Có chăng đó chỉ có thể là lớp da dày sau nhiều ngày đi bộ, rong ruổi nơi dốc cao, suối sâu của đại ngàn, khiến họ không hề bị bỏng rát.

Có lúc, họ thăng hoa, còn bốc cả lửa cho vào miệng hoặc đội trên đầu mà không hề hấn gì. Khả năng của con người thật kỳ diệu và bí ẩn. Người dân xung quanh reo hò cuồng nhiệt. Bản thân những người tham gia nhảy lửa cũng xem đây như một trò chơi thú vị của dân tộc mình. Không hề có cảm giác đau đớn hay sợ hãi. Lúc đấy, lửa cũng như nước, họ chỉ thấy trước mắt là một vầng sáng màu xanh và cứ thế nhảy vào.

Một chị đứng bên cạnh tôi cho biết tục nhảy lửa của người Pà Thẻn chỉ dành cho con trai. Bởi theo quan niệm của dân tộc, nếu con gái tham gia nhảy lửa thì sẽ nhảy suốt 7 ngày, 7 đêm mà không dừng lại được. Không được tham gia, nhưng chị em lại là những người cổ vũ nhiệt tình nhất. Trong đám đông xem hội cũng có rất nhiều khách du lịch nước ngoài. Họ đứng ngoài hò hét cổ vũ một cách thích thú.

Ở đợt nhảy cuối cùng, chính thầy cúng, linh hồn của buổi lễ cũng thăng hoa mạnh mẽ, tung lên những bước nhảy vào đám lửa rực cháy. Khi lửa đã tàn, than đã nguội, ông Sìn Văn Phong lại làm lễ để tiễn “thần lửa” và các con ma về chốn cũ. Cả ông và những người tham gia nhảy lửa lại trở về trạng thái bình thường. Trò chơi kết thúc, đem lại tiếng cười và niềm phấn khởi cho những người dân Pà Thẻn.

Anh em phóng viên chúng tôi cũng phấn khởi không kém. Đã có những khó khăn, đã có những thách thức nhưng chính sự nhiệt tình, thân thiện của người dân và sự ủng hộ của đất trời nơi đây đã giúp chúng tôi hoàn thành chuyến đi một cách tốt đẹp. Đúng đợt miền Bắc đón bão nên trước khi đi chúng tôi cũng thấp thỏm lắm. Trong khi ở Hà Nội trời vẫn mưa tầm tã.

Nhóm đồng nghiệp đi Lạng Sơn cũng đang gặp mưa, một nhóm nữa đang ở Ba Bể cũng không “làm ăn” được gì vì mưa gió. May thay, thời tiết Hà Giang hai ngày hôm ấy lại rất đẹp và khô ráo. Đêm nhảy lửa, trời quang mây tạnh khiến cho ai nấy đều háo hức, chờ đợi. Chúng tôi rời Hà Giang thì trời mới bắt đầu trút mưa sầm sập. Cả nhóm nhìn nhau cười, thở phào nhẹ nhõm. Có lẽ, chính thần linh đã phù hộ cho chúng tôi cũng như giúp người Pà Thẻn có một đêm hội đầy kỳ diệu, ý nghĩa…

Thanh Hương ghi

Bình luận
vtcnews.vn