VPF lần đầu lộ lý do không dùng bóng Động Lực

Thể thaoThứ Ba, 23/02/2016 03:33:00 +07:00

V-League dùng hàng Thái thay vì Việt Nam: VPF chính thức lên tiếng về lý do V-League sử dụng trái bóng của Thái Lan thay vì Động Lực như những mùa trước.

(VTC News) – VPF chính thức lên tiếng về lý do V-League sử dụng trái bóng của Thái Lan thay vì Động Lực như những mùa trước.
Sau những thông tin về việc VPF không dùng bóng Động Lực như những mùa giải trước, thay vào đó là bóng của hãng Grand Sport (Thái Lan), đại diện VPF đã có những chia sẻ chính thức với VTC News.
Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng 
Trước câu hỏi đâu là lý do khiến cho việc VPF và Đông Lực chưa đạt được tiếng nói chung ở mùa giải này, đại diện VPF cho biết: “Là một doanh nhân Việt Nam, hơn ai hết, tôi luôn đề cao việc người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Chúng tôi luôn ủng hộ Động Lực chứ không hề có chuyện làm khó cho doanh nghiệp trong nước. 
Tuy nhiên, đổi lại Đông Lực cũng phải làm việc cho chuyên nghiệp trên tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi. Chúng tôi đã rất thiện chí trong việc mời gọi Động Lực ngồi lại để đàm phán tài trợ cho mùa giải mới, nhưng không được đáp lại, buộc chúng tôi phải mua bóng của Grand Sport để V-League 2016 kịp khai mạc”.
Cũng theo vị đại diện này, trong suốt hai năm 2014 và 2015, VPF đã tám lần gửi văn bản cho Động Lực để yêu cầu chuyển tiền và sản phẩm theo hợp đồng tài trợ (mỗi năm là 1 tỉ đồng và 3.500 quả bóng cùng trang phục trọng tài), song Động Lực chi trả hết sức nhỏ giọt. 
Tổng kết lại số nợ của Động Lực với VPF khi kết thúc hợp đồng cũ vào cuối năm 2015 là 2,2 tỉ đồng cùng 3.054 quả bóng.
Trước khi mùa giải V-League 2016 khởi tranh, ngày 21/01/2016, VPF vẫn soạn thảo hợp đồng mới để chuyển cho Động Lực, trong đó yêu cầu thanh toán nợ cũ và chỉnh sửa hợp đồng mới có giá trị trong hai năm, gồm 2016 là 700 triệu đồng tiền mặt cùng 3.500 quả bóng, và 2017 là giá trị cũ cộng thêm 20%. Thế nhưng, một lần nữa Động Lực đã không trả lời, khiến VPF phải dùng bóng của Grand Sport cho V-League 2016.
 Bóng mới của Grand Sport đang sử dụng cho V-League 2016 (Ảnh: Hoàng Tùng)
Dù đang sử dụng bóng của Grand Sport nhưng phía VPF khẳng định cho đến giờ phút này, VPF chưa chính thức ký hợp đồng với đối tác của Thái Lan về việc tài trợ bóng cho mùa giải 2016. Vì thế cơ hội cho Động Lực vẫn còn nếu nhưng Động Lực có thiện chí.
“Trong lúc chúng ta tỏ ra chậm chạp thì tôi cảm thấy người Thái lại vô cùng nhanh nhạy. Khi chúng tôi vừa hỏi mua bóng là họ đã lập tức khuyến mãi ngay 2000 quả bóng giảm giá 60%, đồng thời ngỏ ý muốn đàm phán để tài trợ lâu dài cho bóng đá Việt Nam. Và một lần nữa tôi xin nhắc lại chúng tôi chưa ký hợp đồng chính thức với Grand Sport và nếu Động Lực còn muốn tham gia tài trợ bóng đá Việt Nam thì vẫn còn cơ hội” – Ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch HĐQT VPF nói trên Tuổi trẻ.
Clip: Tổng giám đốc Động Lực nói về việc V-League dùng bóng Grand Sport (nguồn: VOVTV)
Liên quan đến sự việc nêu trên, cũng trong chiều nay, VTC News đã kết nối với Động Lực để tìm hiểu thêm và nhận được câu trả lời: “Hiện tại không nêu thêm thông tin gì trên báo chí nữa. Đông Lực chờ để làm việc cụ thể lại với VPF rồi mới thông tin sau!”.
Nhiều khả năng VPF và Động Lực sẽ sớm tìm được tiếng nói chung trong sự việc này.
"Trước tiên tôi xin khẳng định chủ trương của VPF là ủng hộ hàng Việt, thương hiệu Việt. Trên thực tế, bên cạnh những nhà tài trợ quốc tế như Toyota, Hino, tại V.League và hạng Nhất đều có các nhà tài trợ Việt, điển hình như: Tập đoàn FLC, Becamex IDC, Đồng Tâm, Bảo Hiểm Hùng Vương, Tân Hiệp Phát (Number One), Thái Sơn Nam,.... VPF luôn ưu tiên hợp tác với các đối tác trong nước, trong đó có thương hiệu Động Lực với tinh thần cầu thị cao nhất.
Về việc thay đổi bóng thi đấu tại mùa giải 2016 có nhiều nguyên nhân. Sở dĩ thời gian qua VPF không lên tiếng sâu việc này vì chúng tôi luôn tôn trọng đối tác, nếu có tạm dừng hợp tác thì vẫn phải có trách nhiệm giữ hình ảnh cho nhau. Bởi, hôm nay nếu không tìm được tiếng nói chung, chúng ta có thể tạm dừng, nhưng thời điểm khác khi đạt được sự đồng thuận thì lại bắt tay cùng nhau hợp tác, đó là việc hết sức bình thường." (Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng)

Tiểu Hàn- Vân Hà
Bình luận
vtcnews.vn