VPF "chết yểu": Có chăng sự thoả hiệp của các ông trùm?

Thể thaoThứ Hai, 24/10/2011 02:00:00 +07:00

Miếng phô-mai thấy rất thơm nhưng cắn vô rồi thì đằng sau có thế rất nhiều con chuột phải chết.

Đưa ra miếng phô-mai “V.League siêu lợi nhuận” để tạo tiếp mệnh đề cho việc VPF sẽ được chuyển từ Công ty cổ phần như sáng kiến bầu Kiên sang Công ty TNHH thì các CLB sẽ được “chia bánh” nhiều hơn. Miếng phô-mai thấy rất thơm nhưng cắn vô rồi thì đằng sau có thế rất nhiều con chuột phải chết.

VFF tốt bụng? Xưa nhé Diễm!
Có hai lý do quan trọng để để VPF chuyển từ Công ty cổ phần sang Công ty TNHH. 
Thứ nhất, theo tiến trình gia nhập WTO (năm 2014) , nếu VPF là công ty cổ phần thì một quyết định có 51% cổ đông có thể được thông qua. Để đảm bảo quyền phủ quyết ở VPF thì cổ phần của VFF phải tăng lên 50% chứ không phải là 36,5% như đề xuất của bầu Kiên. Và như vậy, cổ phần của các CLB buộc phải bóp lại, tức miếng bánh sẽ teo đi.

Thứ hai, khi chuyển sang Công ty TNHH thì theo lộ trình vốn của VFF ở VPF sẽ giảm từ 36,5% xuống còn 25% và điều đó đồng nghĩa vốn của CLB tăng lên 75%, tức miếng bánh chia cho mỗi CLB sẽ to hơn.

Niềm tin nào ở VFF ? (Ảnh: Quang Minh)

Mới nhìn vô đúng là “thơm thật”, VFF sẵn sàng nhường phần thiệt về mình để CLB được chia lợi nhuận lớn hơn từ V.League và hạng Nhất.
Thế nhưng điểm khác biệt cơ bản nhất chuyển sang Công ty TNHH là cho dù giữ số vốn ít hơn (36,5% hay 25%) thì VFF vẫn có thể tự mình quyết định được vấn đề quan trọng thông qua sự áp đảo về vốn như quy định của Luật doanh nghiệp. Đó là chưa kể VFF hoàn toàn lôi kéo nhiều thành viên khác là CLB để tăng thêm % ủng hộ cho quyết định của mình. Như vậy, để chống lại hoặc phủ quyết hành động của VFF thì các thành viên còn lại phải có sự liên kết, thống nhất rất cao, một điều không dễ dàng gì.
Ngược lại, ở Công ty Cổ phần như bầu Kiên đã trình bày thì với 36,5% cổ phần VFF chỉ có quyền phủ quyết chứ không có quyền quyết định những vấn đề hệ trọng vì còn phải thông qua Hội đồng quản trị hoặc cao hơn là Đại hội cổ đông.
Nói ngắn gọn, khi chuyển sang Công ty TNHH vốn của VFF có thể giảm nhưng VFF lại có tiếng nói quyết định, trong khi đó vốn của các CLB dù có tăng lên vẫn nằm ở thế “kèo dưới”. Trả V.League về cho CLB, tiêu chí đấu tranh thời gian qua sẽ trở thành… lý thuyết.
Có chăng sự thoả hiệp của các ông trùm?
Như đã phân tích ở bài bào trước, VPF ra đời có thể giúp V.League tốt hơn, hay hơn nhưng để trở thành thứ “siêu lợi nhuận” như giải các giải VĐQG châu Âu, Champions League thì phải mất đến… 50 chục năm, lâu hơn nữa và thậm chí là chẳng bao giờ.

Bầu Đức, bầu Kiên có dám tiếp tục đi đến cùng con đường mình đã vạch ra ?
(Ảnh: Quang Minh)


VPF ra đời có thể để đón đầu Đề án cá cược thể thao hợp pháp đã thai nghén hơn 10 năm qua sẽ đi vào hiện thực trong thời gian ngắn nữa (có thể trong 5 năm nữa). Đây mới thực sự là miếng bánh siêu lợi nhuận chứ không hẳn VPF đơn thuần là quản lý điều hành V.League hay hạng Nhất. Bởi qua thời gian thì VPF có thể chuyển đổi, hoán chuyển nhiều mô hình công ty khác nữa là điều không ai dám chắc không xảy ra.
Hiểu như thế mới lý giải được vì sao, bầu Kiên đã đấu tranh cực hăng hái, rầm rộ trong thời gian qua lại có thể dễ dàng chịu nhường bước khi mô hình Công ty cổ phần VPF mà ông khởi xướng đã “xuống cấp” thành Công ty TNHH. Nên nhớ rằng, ông Lê Hùng Dũng và bầu Kiên đều là 2 ông trùm trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam. 
Đã là siêu lợi lợi nhuận thì có gì không thể thoả hiệp khi K.Marx từng nói: “Khi lợi nhuận 200% thì tư bản sẵn sàng tự treo cổ mình”.

Theo Thể thao 24h

Bình luận
vtcnews.vn