VOV khởi công xây Đài phát sóng AM/DRM khu vực Nam Trung Bộ

Chính trịChủ Nhật, 25/10/2020 18:40:00 +07:00
(VTC News) -

Đặt tại Ninh Thuận, Đài phát sóng AM/DRM khu vực Nam Trung Bộ sẽ phủ sóng 8 tỉnh ven biển, tiếp cận trên 14 triệu dân và gần 111 nghìn tàu cá.

Ngày 13/10/2020,  Đài Tiếng nói Việt Nam khởi công xây dựng Đài phát sóng AM/DRM khu vực Nam Trung Bộ, đặt tại tỉnh Ninh Thuận trên diện tích đất khoảng 16ha, công suất 400kw, tần số 1071khz. Đây là một đài phát sóng AM công suất lớn, trước mắt sẽ phát sóng theo phương thức truyền thống và sẵn sàng chuyển đổi sang phát sóng số mặt đất chuẩn DRM khi người dân được trang bị máy thu thanh số.

VOV khởi công xây Đài phát sóng AM/DRM khu vực Nam Trung Bộ - 1

Lễ khởi công xây dựng dự án Đài phát sóng AM/DRM khu vực Nam Trung Bộ.

Phương thức phát sóng DRM sẽ có nhiều tính năng vượt trội so với phát sóng truyền thống hiện nay: Chất lượng âm thanh cao hơn, ổn định hơn, có thể phát tối đa 4 chương trình trên cùng một máy phát, cùng một tần số. Hiệu quả đầu tư khai thác cao hơn, ngoài ra còn có cả các tính năng cảnh báo khi có thiên tai, địch họa, hướng dẫn giao thông trên biển…

Sau khi đưa vào khai thác hoạt động, đài phát sóng này sẽ phủ sóng cho 8 tỉnh khu vực ven biển Nam Trung Bộ với diện tích khoảng hơn 4,5 triệu ha, chiếm 13,6 % tổng diện tích cả nước, tiếp cận trên 14 triệu dân, ngư dân và các lực lượng chấp pháp trên biển (chiếm tỉ lệ 14,58% dân số cả nước), khoảng 110.950 tàu cá.

VOV khởi công xây Đài phát sóng AM/DRM khu vực Nam Trung Bộ - 2

Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại lễ khởi công.

Ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, để góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn đến 2030, 2045, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trong tình hình mới, việc tăng cường  truyền thông trên khu vực biển đảo đang là vấn đề cấp bách.

Trong nhiều năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam đã làm hết sức mình để phủ sóng Biển Đông bằng hai phương thức. Một là phát sóng SW từ đất liền ra các khu vực trên Biển Đông. Loại hình này tuy có vùng phủ rộng nhưng sóng không ổn định, tần số thay đổi theo mùa, chất lượng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thay đổi theo cả ngày và đêm… nên bà con ngư dân rất khó thu và thu với chất lượng thấp.

Phương thức thứ hai là phát sóng FM tại đảo Trường Sa lớn, nhưng công suất nhỏ, vùng phủ sóng hẹp, lại thêm khí hậu khắc nghiệt, muối mặn làm cho thiết bị thường xuyên hư hỏng. Vì vậy, cả hai phương thức phủ sóng nói trên đều không đạt hiệu quả cao.

Trên đất liền, nếu không có phát thanh, người dân còn rất nhiều loại hình thông tin khác như truyền hình, điện thoại, Internet, báo in… Nhưng ngoài biển, nơi cách xa đất liền hàng trăm hải lý, các loại hình thông tin quảng bá nói trên đều không thể đến được với người dân đi biển do giới hạn về công nghệ. Chỉ có phát thanh là phương tiện duy nhất phủ sóng tầm xa.

Vì vậy, với việc xây dựng Đài phát sóng AM/DRM khu vực Nam Trung Bộ kể trên, ngư dân và các lực lượng chấp pháp trên Biển Đông sẽ được thụ hưởng thông tin về đời sống kinh tế, chính trị xã hội, khoa học giáo dục, giải trí. Điều này góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030, 2045 và bảo vệ chủ quyền Biển đảo Việt Nam.

Vũ Hải Quang
Bình luận
vtcnews.vn