Vòng bảng World Cup 2018: Ấn tượng châu Á và cái kết kịch tính như phim

World Cup 2018Thứ Sáu, 29/06/2018 14:09:00 +07:00

Các đội bóng châu Á đều ít nhiều để lại ấn tượng ở World Cup năm nay, trong khi có tới 4/8 bảng đấu hạ màn theo cách kịch tính như phim hành động.

Sau trận thắng Thụy Điển 2-1 với bàn thắng ở phút cuối cùng của Toni Kroos, HLV Joachim Loew từng mô tả chiến thắng của Đức là "kịch tính như phim kinh dị". Nếu chỉ từng ấy diễn biến đã được so sánh với phim kinh dị, thì cục diện của nhiều bảng đấu tại World Cup năm nay phải xứng tầm "bom tấn" Hollywood và được dán nhãn "chống chỉ định với những người... yếu tim".

Sự kịch tính và bất ngờ tạo nên vẻ đẹp của bóng đá, và loạt trận vòng bảng World Cup đủ khiến những khán giả khó tính nhất phải trầm trồ.

Chỉ số fair-play và dấu mốc lịch sử

Chỉ số fair-play lần đầu tiên được thông qua để áp dụng ở một kỳ World Cup, và không ngoài dự đoán, đã có một bảng đấu mà tấm vé đi tiếp được phân định bởi những chiếc thẻ phạt, đó là câu chuyện của bảng H. Sau 3 lượt trận Senegal và Nhật Bản có cùng 4 điểm, ghi 4 bàn thắng, thủng lưới 4 lần, hòa 2-2 trong màn đối đầu trực tiếp.

6/7 tiêu chí đầu tiên của FIFA không phân định được Nhật Bản hay Senegal xứng đáng được đi tiếp hơn và chỉ số fair-play đã được sử dụng. Senegal nhận nhiều hơn Nhật Bản tới 4 thẻ vàng và đành ngậm ngùi dừng bước ở vòng bảng, dẫu giống Nhật Bản hay Colombia, Senegal xứng đáng đi tiếp sau ấn tượng đẹp cùng lối chơi giàu sức sống mà đội bóng châu Phi đã thể hiện.

Sự xuất hiện của chỉ số fair-play cũng như "chỉ dấu" cho thấy bóng đá đẹp luôn được đề cao và các đội bóng phải biết cách "giữ chân giữ cẳng" nếu không muốn phải rời World Cup trong nuối tiếc tột cùng.

tag_reuters.com,2018_newsml_RC1B1A026210_718121444_768x432 11

Nhật Bản đi tiếp nhờ chỉ số fair-play.

Tuyệt vời tinh thần châu Á

Ở kỳ World Cup cách đây 4 năm, cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Iran đều phải dừng bước ngay ở vòng bảng mà không có bất cứ chiến thắng nào. Nhìn rộng ra, các đại diện châu Á có tới 16 trận liên tiếp không thắng ở World Cup (4 hòa, 12 thua). Từ sau chiến tích lọt vào vòng 1/8 World Cup 2010 của Hàn Quốc và Nhật Bản, bóng đá châu Á đã có bước... lùi đáng kể.

Tuy nhiên, kỳ World Cup năm nay lại chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ từ lục địa đông dân nhất thế giới. Ả Rập Xê Út phải sớm chia tay World Cup, song cũng kịp để lại dấu ấn khi đánh bại Ai Cập trong trận đấu cuối.

Australia không thắng được trận nào, nhưng những màn trình diễn trước Pháp (thua 1-2) và Đan Mạch (hòa 1-1) cũng cho thấy "những chú Kangaroo" không ở khoảng cách quá xa so với các đại diện "máu mặt" ở World Cup.

Cái kết huy hoàng nhất được dành cho Hàn Quốc khi thầy trò HLV Shin Tae Yong đánh bại đương kim vô địch Đức 2-0 trong trận đấu cuối, qua đó đẩy chính đối thủ xuống vị trí cuối cùng.

Iran cũng có quyền tiếc nuối, bởi đội bóng của HLV Carlos Queiroz đã chơi tuyệt vời trong bảng đấu có sự góp mặt của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Morocco. Iran thắng Morocco và suýt nữa cầm hòa Tây Ban Nha trong trận đấu phòng ngự vô cùng mẫu mực. Jahanbakash cùng các đồng đội cũng đã ở gần chiến thắng trước Bồ Đào Nha khi Amiri sút bóng chệch cột dọc trong gang tấc ở pha đối mặt với thủ thành Rui Patricio trong phút bù giờ. Những giọt nước mắt đau đớn của Iran cho thấy đội bóng này đã nỗ lực và xứng đáng nhận được những lời ngợi khen.

iran 13

Iran (áo đỏ) đã chơi cực hay ở World Cup.

Xứng đáng và ấn tượng nhất phải kể đến Nhật Bản. Dù hành quân đến Nga với lực lượng không được đánh giá cao và phải nằm cùng bảng với nhiều đội mạnh, các học trò của HLV Akira Nishino vẫn tạo địa chấn khi đánh bại Colombia trong trận ra quân và chơi kiên cường trong trận hòa 2-2 trước Senegal. Thua Ba Lan 0-1 trong trận đấu cuối, nhưng Nhật Bản vẫn có vé vào vòng trong khi có chỉ số fair-play tốt hơn đối thủ. Đội bóng xứ hoa anh đào sẽ viết tiếp câu chuyện tự hào của người châu Á ở World Cup.

Nỗi đau của người Đức

Thất bại của Đức ở vòng bảng là cú sốc lớn nhất ở World Cup năm nay. Lọt vào bảng đấu không quá nặng, song Đức đã chơi vô cùng bạc nhược, chỉ giành 3/9 điểm tối đa và phải về nước với vị trí bét bảng. 

Đến HLV Joachim Loew cũng phải thừa nhận Đức "không đủ chất lượng để vượt qua vòng bảng" hay "không xứng đáng là nhà vô địch" để thấy Toni Kroos cùng các đồng đội đã thua tâm phục khẩu phục, dẫu đối thủ chỉ là Mexico - đội bóng bị lên án với bữa tiệc thác loạn trước ngày lên đường hay Hàn Quốc - đội bóng bị cổ động viên hoài nghi vì thành tích yếu kém và thua trắng cả 2 trận đầu tiên.

Sau trận thua Hàn Quốc, Mesut Ozil còn để lại ấn tượng xấu khi đòi "ăn thua đủ" với cổ động viên nhà. Một thất bại toàn diện.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho thất bại của Đức: sự ngạo mạn, thiếu gắn kết trong lối chơi, thiếu vắng nhân tài cho những vị trí chủ chốt (tiền đạo, tiền vệ phòng ngự) hay không biết cách chắt chiu cơ hội. Đức dứt điểm nhiều thứ 2 World Cup song lại ghi được ít bàn thắng nhất, ngang với... Panama và Australia. Nỗi đau World Cup khiến người Đức sẽ phải làm cách mạng để thay đổi, bởi chu kỳ thành công với "Cỗ xe tăng" đã chính thức khép lại trên đất Nga.

3500-1530149698_680x0 5

Người Đức gục ngã trước thất bại của đội nhà.

Argentina thoát hiểm ngoạn mục

Giành vỏn vẹn 1 điểm/ 2 trận đầu tiên và có hiệu số bàn thắng/ bại... thảm hại, Argentina đứng trước nguy cơ phải sớm rời cuộc chơi. Phong độ tồi tệ của Lionel Messi cùng hàng loạt biến cố nhiễu loạn ở trại tập luyện cũng khiến tất cả phải nản lòng, nhưng khi bị đẩy vào thế khó, bản lĩnh của đội bóng xứ Tango đã được phát huy đúng lúc.

Không còn gì để mất, Argentina đã tràn lên "ăn tươi nuốt sống" và có bàn mở tỉ số vào lưới Nigeria sau bàn thắng mang tính giải tỏa của Messi. Dù để đối thủ gỡ hòa ngay đầu hiệp 2, Argentina vẫn bền bỉ tấn công và có pha lập công bằng vàng của Marcos Rojo trong những phút cuối. Chiến thắng kịch tính trước Nigeria cộng thêm việc Croatia không buông trước Iceland, Argentina lách qua khe cửa hẹp để vào vòng 1/8 đối đầu với Pháp.

messi argentina

Messi giúp Argentina lách qua khe cửa hẹp.

Các bảng đấu kết thúc kịch tính như phim

Cái kết kịch tính như phim hành động của các bảng đấu khiến tất cả mãn nhãn. Thứ tự các đội bóng thay đổi liên tục thậm chí trong những phút bù giờ và ranh giới đi tiếp/ bị loại chỉ được phán quyết bởi một bàn thắng hay đôi khi là một... thẻ vàng.

Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Morocco đã tạo nên cuộc rượt đuổi kịch tính như vậy ở bảng B. Ban đầu, Bồ Đào Nha dẫn trước Iran 1-0, còn Tây Ban Nha bất ngờ thua Morocco 0-1 nen ngôi đầu thuộc về Bồ Đào Nha. Tây Ban Nha lại gỡ hòa 1-1 rồi để thua 1-2 và tụt xuống vị trí thứ 2.

Với kết quả đó, Iran chỉ cần cầm hòa Bồ Đào Nha và chờ đợi Tây Ban Nha thua thêm để đi tiếp. Phút 90+3', Iran gỡ hòa 1-1, còn Morocco để Tây Ban Nha gỡ hòa 2-2 với bàn thắng bị phủ quyết trước đó, nhưng lại được trọng tài công nhận sau khi tham khảo công nghệ VAR.

Phút 90+5', Amiri bên phía Iran đối mặt với Rui Patricio và dứt điểm chệch cột dọc. Nếu Amiri ghi bàn, Iran sẽ thắng và vươn lên ngôi đầu. Nhưng điều đó không xảy ra. Iran phải về nước trong cay đắng, còn Tây Ban Nha lấy lại ngôi đầu và tránh được "nhánh đấu tử thần".

ronaldo bo dao nha maroc (2) 8

Bồ Đào Nha gặp nhiều may mắn ở bảng B.

Cục diện bảng F cũng khó lường không kém khi cả 4 đội đều có khả năng đi tiếp/ bị loại trước lượt trận cuối. Trong khi Mexico bất ngờ thua 0-3 trước Thụy Điển, Đức chỉ cần thắng Hàn Quốc 1-0 là đủ để đi tiếp. Dẫu vậy, "Cỗ xe tăng" không những không ghi được bàn, mà còn để đối thủ xuyên thủng mành lưới 2 lần trong khoảng thời gian bù giờ để kết thúc giải với vị trí cuối cùng.

Argentina cũng lách qua khe cửa hẹp khi thắng kịch tính 2-1 trước Nigeria, còn Nhật Bản phải so đọ hiệu số fair-play với Senegal. Một cái kết quá chất lượng với những ai yêu thích sự bất ngờ trong bóng đá.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn