Vốn cho vay bất động sản vẫn chưa bị siết

Kinh tếThứ Bảy, 28/05/2016 05:46:00 +07:00

Trái với lo lắng của nhiều người, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thông tin cho thấy vốn cho vay bất động sản vẫn chưa bị siết trong năm nay.

Cuối ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động  ngân hàng những tháng cuối năm 2016; Thông tư cho vay ngoại tệ và Thông tư về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong Chỉ thị có khá nhiều nội dung nhưng đáng chú ý nhất vẫn là tiến độ siết cho vay bất động sản. Trái với lo lắng của nhiều người, Chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước cho thấy vốn cho vay bất động sản vẫn chưa bị siết trong năm nay.

bat-dong-san-02

Vốn cho vay bất động sản vẫn chưa bị siết 

Cụ thể, đến hết năm nay tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn của ngân hàng thương mại cho vay trung và dài hạn tại Thông tư 06 vừa ban hành vẫn giữ nguyên ở 60% như quy định cũ. Sau đó, tỷ lệ này giảm xuống 50% trong năm 2017 và 40% trong năm 2018.

Như vậy, thời hạn nguồn vốn này bị siết đã được lùi đáng kể. Điều đó đồng nghĩa với việc vốn cho vay nói chung và vốn cho vay bất động sản nói riêng vẫn chưa siết.

Với riêng bất động sản, Ngân hàng Nhà nước giãn quá trình siết vốn bằng cách quy định hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản cũng chỉ tăng từ 150% lên 200%. Ban đầu, mức tăng này được dự kiến là 250%. Việc tăng hệ số rủi ro này cũng được thực hiện theo lộ trình và đến đầu năm sau mới áp dụng.

Mặc dù chưa siết nguồn vốn vay nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn rất cẩn trọng với tín dụng. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng.

Vốn vào bất động sản chưa bị siết nhưng bất động sản không phải lĩnh vực ưu tiên. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khởi sự doanh nghiệp; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Cẩn trọng với tín dụng đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước muốn hạn chế nợ xấu. Vì vậy một trong các giải pháp điều hành trọng tâm được Ngân hàng Nhà nước nhắc đến là chủ động triển khai các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu gắn với việc triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, phấn đấu duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống dưới 3%.

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn