Võ sỹ MMA lên đời, kiếm hàng triệu đôla mỗi năm

Thể thaoThứ Hai, 08/05/2017 17:43:00 +07:00

Xét ở góc độ kinh tế, chắc chắn rằng MMA vượt trội hơn các môn võ khác lẫn nhiều môn thể thao ở khả năng… kiếm tiền.

Đối với Từ Hiểu Đông, người đánh bại Thái cực tông sư hệ phái Lôi Công là Ngụy Lôi thì MMA là loại võ có tính thực chiến vượt trội hơn cả. Đây là quan điểm có thể gây tranh cãi. Tuy nhiên, xét ở góc độ kinh tế, chắc chắn rằng MMA vượt trội hơn các môn võ khác lẫn nhiều môn thể thao ở khả năng… kiếm tiền.

Minh chứng rõ nhất là Ultimate Fighting Championship (UFC) – giải đấu lớn nhất trong giới MMA. Đến cuối năm ngoái, giá trị của UFC cũng đã ngang ngửa với Giải đua xe công thức 1 (F1) với một xuất phát điểm khiêm tốn.

UFC có trận đấu đầu tiên vào cuối năm 1993. Mãi đến 2001, sau một giai đoạn khốn khó, giải đấu này được bán lại cho hai anh em Lorenzo và Frank Fertitta với mức giá 2 triệu đôla. Tại thời điểm mua lại, hai anh em nhà Fertitta cho rằng đây là một mức giá “quá hợp lý”. Gần 2 thập niên sau, doanh thu và giá trị của UFC liên tục tăng qua từng năm.

nganh-cong-nghiep-ty-dola-cua-vo-mma

Cháy vé tại các trận đấu của UFC là tình trạng thường xuyên.  

Năm 2005, UFC tung ra chương trình truyền hình thực tế Ultimate Fighter, gây sôi sục những người hâm mộ. Chương trình tập hợp các ứng viên MMA, cùng luyện tập, thử thách và thi đấu với nhau. Nhờ chương trình này, doanh thu của UFC tăng 1.258% sau hai năm. Trong đó, doanh thu pay-per-view (PPV), tức doanh thu loại hình xem bao nhiêu trả bấy nhiêu trên truyền hình trả tiền tăng đến 1.700%.

Một thập niên sau, năm 2015, UFC ghi nhận doanh thu 600 triệu đôla, gấp 12 lần doanh thu của năm 2005. Các trận đấu của UFC được theo dõi tại 1,2 tỷ hộ gia đình ở 158 nước với hơn 28 ngôn ngữ khác nhau.

UFC còn có hệ thống UFC Fight Pass, cho phép xem và xem lại các trận đấu với giá thuê bao khoảng 8 đôla đến 10 đôla mỗi tháng, thông qua các thiết bị và nền tảng như: Apple TV, iPhone, Android, Xbox, Roku và Google Chromecast.

Giải đấu UFC London từng bán hết vé chỉ trong 27 phút. Thậm chí UFC Dublin từng ghi nhận kỷ lục cháy sạch vé chỉ sau 60 giây mở bán. Tháng 7/2015, giải đấu ký được một hợp đồng tài trợ trong 6 năm trị giá 70 triệu đôla với Reebok.

Hinh anh Nganh cong nghiep ty dola cua vo MMA 3

 Jack Ma tập Thái Cực quyền và quan tâm đến trận đấu giữa Từ Hiểu Đông và Ngụy Lôi.

Ông chủ Lorenzo Fertitta nhận định, sau một thập kỷ, cả UFC và môn võ MMA đã cùng nhau phát triển. Riêng môn võ này đã phát triển 20%, về tỷ lệ người xem và tỷ lệ tham gia. Không chỉ còn là một môn thể thao được ưa chuộng tại Mỹ và châu Âu, đến năm 2015, UFC đã tổ chức các sự kiện đầu tiên tại hàng loạt thành phố khác trên thế giới như Seoul, Melbourne, Krakow, Manila, Monterey và Glasgow.

Mua lại chỉ 2 triệu đôla, đến năm ngoái, anh em nhà Fertitta chính thức gật đầu bán lại UFC với mức giá 4 tỷ đôla, được The New York Times đánh giá là thương vụ có giá trị lớn nhất trong lịch sử thể thao chuyên nghiệp quốc tế. Chủ mới của UFC là Công ty WME, tập hợp một số nhà đầu tư chủ chốt như KKR, Silver Lake Partners và quỹ MSD Capital của tỷ phú Michael Dell. Tất nhiên, anh em nhà Fertitta và lãnh đạo kỳ cựu từng lèo lái UFC là Dana White cũng giữ lại một ít cổ phần.

Video: Các đòn đánh knock-out trong MMA

Tuy nhiên, không chỉ có UFC mới làm giàu nhờ MMA. Niềm đam mê với môn võ này mở ra cơ hội kinh doanh cho nhiều đơn vị khác như Bellator FC hay ONE FC. Tại châu Á, ONE Fighting Championship (ONE FC) chính là cái tên giữ thị phần không nhỏ.

“MMA có triển vọng trở thành một thể thao số một châu Á”, Victor Cui - Giám đốc điều hành ONE FC từng tuyên bố và cho biết có thời điểm ông nhận hơn 200 email của các võ sĩ và huấn luyện viên bày tỏ mong muốn được tham gia các sự kiện của ONE FC.

nganh-cong-nghiep-ty-dola-cua-vo-mma-1

Một trận đấu của ONE FC. 

Có nhiều lý do giúp MMA phát triển và ngày càng hốt bạc. Các tổ chức như UFC và Bellator FC tập trung  quảng bá MMA thông qua các chiến dịch quảng cáo đa kênh, quảng cáo trả cho mỗi lượt xem (PPV). Instagram, Facebook, Twitter và các trang mạng xã hội khác được đổ không ít tiền để quảng cáo cho MMA. Môn võ này nhờ thế luôn giữ được “độ nóng” trên thị trường.

Các võ sĩ hàng đầu của các giải vô địch MMA như UFC là một trong những vận động viên có mức lương cao nhất trong ngành thể thao. Lương trung bình của 10 võ sĩ MMA hàng đầu thế giới trong hệ thống UFC là 4 triệu đôla một năm, chưa kể các hợp đồng làm đại sứ thương hiệu hay quảng cáo cho các nhãn hàng. Một con số đáng quan tâm cho những ai mê kiếm tiền từ võ thuật.

Đối với các phòng tập, MMA cũng là một thể loại rèn luyện thể chất được ưa chuộng bởi khả năng giảm cân tốt. Nhiều đơn vị tuyên bố MMA là biện pháp giảm cân hiệu quả hơn hẳn chạy bộ, giúp đốt cháy 590-600 calo mỗi 45 phút.

Phòng tập Arena MMA tại San Diego, Mỹ còn có chương trình tập giảm cân với các bài tập lấy cảm hứng từ MMA.

Triển vọng của võ MMA sẽ tiếp tục xán lạn, ít nhất là trong mắt các nhà kinh doanh thiết bị. Theo nghiên cứu thị trường của Technavio, thị trường trang thiết bị cho võ MMA sẽ phát triển 6% trong giai đoạn 2016 – 2020. Găng tay, thiết bị bảo vệ và thiết bị luyện tập là 3 nhóm sản phẩm chính. Trong đó, găng tay chiếm 50% thị phần.

(Nguồn: Vnexpress)
Bình luận
vtcnews.vn