Vỡ sông băng ở Himalaya, 150 người nghi thiệt mạng

Thời sự quốc tếChủ Nhật, 07/02/2021 20:03:31 +07:00
(VTC News) -

Ngày 7/2, hàng trăm người bị cho là đã chết khi sông băng ở Himalaya vỡ và đổ vào một đập thủy điện ở Ấn Độ.

Ông Om Prakash, Chánh văn phòng bang Uttarakhand, cho biết hiện có 150 người mất liên lạc trong thảm họa sông băng. Những người này bị nghi là đã chết, tuy nhiên “con số thực tế vẫn chưa được xác nhận”.

Ông Ashok Kumar - Cảnh sát trưởng bang Uttarakhand cho biết hơn 50 người làm việc tại đập thủy điện Rishiganga có khả năng thiệt mạng. Chính quyền bang sơ tán các đập khác ở khu vực lân cận.

Vỡ sông băng ở Himalaya, 150 người nghi thiệt mạng  - 1

Sáng 7/2, sông băng ở Himalaya vỡ và đổ vào một đập thủy điện ở Ấn Độ. (Ảnh: AP)

Một nhân chứng cho biết thảm họa này “xảy ra quá nhanh”, vì vậy người dân cùng các nhân viên đập Rishiganga không kịp sơ tán.

Hiện các huyện quanh nơi xảy ra vụ việc bao gồm Pauri, Tehri, Rudraprayag, Haridwar và Dehradun đều trong tình trạng báo động ở mức cao.

Tờ Times of India dẫn lời Thủ tướng Narendra Modi cho biết ông đang theo dõi sát sao tình hình ở Uttarakhand. Theo chính quyền bang Uttarakhand, lực lượng không quân Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ công tác cứu hộ. Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah cũng nhấn mạng các đội cứu hộ đang được điều động để hỗ trợ cứu trợ và cứu nạn người dân tại nơi xảy ra thảm họa.

Nơi xảy ra vụ việc trên dãy Himalaya vốn rất dễ xảy ra lũ quét và lở đất. Hồi tháng 6/2013, lũ lụt kinh hoàng cướp đi sinh mạng của gần 6.000 người tại nơi này. Thảm họa năm 2013 được gọi là “sóng thần Himalaya”.

Bà Uma Bharti, cựu Bộ trưởng Tài nguyên nước của Ấn Độ, chỉ trích việc xây dựng dự án thủy điện trong khu vực nguy hiểm này: "Khi còn là Bộ trưởng, tôi yêu cầu không xây dựng các dự án thủy điện trên sông Ganga và các phụ lưu chính của nó vì Himalaya là một nơi rất nhạy cảm".

Các chuyên gia môi trường cũng kêu gọi ngừng xây dựng các dự án thủy điện lớn ở bang Uttarakhand.

Thảm họa này đòi hỏi sự giám sát nghiêm ngặt đối với các đập thủy điện đang xây dựng ở khu vực có môi trường nhạy cảm. Chính phủ không nên phớt lờ cảnh báo từ các chuyên gia”, Ranjan Panda, tình nguyện viên của tổ chức Chống biến đổi Khí hậu tại Ấn Độ nói.

Trần Trang(Nguồn: Al Jazeera)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp