Vỡ mộng sau khi thành thủ khoa đại học

Diễn đànThứ Năm, 10/06/2021 11:53:09 +07:00

Liu Jiasen từng tự tin vào tài năng lẫn khả năng kiếm tiền của mình khi đỗ đại học với điểm số đáng mơ ước, nhưng những gì diễn ra ở đại học không như anh nghĩ.

Năm 2015, Liu Jiasen như sống trong giấc mơ khi thành thủ khoa kỳ thi gaokao của Trung Quốc và được nhận vào khoa Ngôn ngữ và Văn học tại Đại học Bắc Kinh danh tiếng, theo Sixth Tone.

Gaokao được ví như “đấu trường sinh tử” trong mắt sĩ tử Trung Quốc, vậy nên thành tích của cậu học sinh đến từ Trác Châu (một thành phố nhỏ ở tỉnh Hồ Bắc) càng vẻ vang.

Bản thân nam sinh khi đó cũng đắm chìm trong cảm giác sung sướng. Liu nghĩ về tương lai tươi sáng phía trước. Nhưng những gì diễn ra ở đại học khác hoàn toàn so với mường tượng màu hồng của anh.

Vỡ mộng sau khi thành thủ khoa đại học - 1

Liu Jiasen (đến từ Trác Châu, Hồ Bắc) được tung hô sau khi đỗ gaokao với điểm số cao.

Vỡ mộng ở đại học

Sau kỳ thi gaokao, bố mẹ đưa Liu ra ngoài để mua điện thoại. Ở cấp 3, Liu hoàn toàn không tiếp xúc với Internet, anh thậm chí vẫn nghĩ điện thoại giờ vẫn sử dụng loại bàn phím to.

Khi điền vào đơn đăng ký đại học, Liu không chọn ngành kinh tế giống như những sinh viên hàng đầu khác. Thay vào đó, anh quyết định theo đuổi ngành văn học Trung Quốc vì tự tin mình "giàu sáng tạo về nghệ thuật" và sẽ kiếm tiền tốt.

Tại buổi hướng dẫn sinh viên đầu tiên, anh tự giới thiệu tên tuổi kèm danh xưng “thủ khoa gaokao” song phản ứng của mọi người không nhiệt tình như mong đợi. Về sau, Liu cũng ngưng đề cập chuyện mình là thủ khoa vì nhận ra mọi người chỉ hưởng ứng cho anh bớt xấu hổ.

Điều quan trọng hơn, phong cách viết và kiến thức văn học giảng dạy ở đại học khác với lối viết sáng tạo mà Liu muốn theo đuổi. Sau khi nhìn thấy các sinh viên cùng khoa dành cả ngày ở thư viện nghiên cứu, Liu bắt đầu bối rối.

“Tôi không hiểu việc cống hiến cả đời để nghiên cứu vấn đề học thuật, người ngoài không mấy quan tâm. Làm thế nào họ cảm thấy ổn định và hạnh phúc khi biết rằng không có danh hoặc lợi từ nghề nghiệp này. Tôi hoảng sợ”.

Vỡ mộng sau khi thành thủ khoa đại học - 2

Vì tấm vé vào đại học, học sinh Trung Quốc quen cảnh ôn thi ngày đêm, không có ngày nghỉ.

Mặc dù là sinh viên của đại học top đầu cả nước, Liu nhận ra không có nhiều thứ cho anh để xây dựng sự nghiệp sau khi ra trường.

“Không” là câu trả lời thẳng thắn Liu từng nhận được từ cố vấn học tập với câu hỏi “liệu có thể kiếm được mức lương hàng triệu nhân dân tệ sau khi tốt nghiệp”.

Kiếm tiền nhờ câu chuyện ôn thi

Vào năm nhất, cơ hội kiếm tiền đến với Liu sau khi một giáo viên cấp 3 liên hệ mua lại các ghi chú ôn thi của anh. Một năm sau, Liu nhận lời mời phát biểu kinh nghiệm thi gaokao cho sĩ tử cuối cấp.

Thù lao nhận về ở mức hàng chục nghìn tệ, Liu ngay lập tức đồng ý.

Trong những ngày tháng tiếp theo ở đại học, Liu vẫn sống nhờ thành tích quá khứ. Ngoài giờ lên lớp, anh trở lại làm “thủ khoa gaokao”, đến các trường cấp 3 trên cả nước và truyền cảm hứng, động lực thi cử.

Tuy nhiên, sau hàng trăm bài phát biểu, Liu nói rằng mình đang lặp lại một công việc đơn điệu.

Chúng đều có một mẫu số chung: hiệu trưởng giới thiệu anh, hàng trăm học sinh ngồi dưới im lặng nghe anh nói, rồi đặt ra những câu hỏi giống nhau như “Tôi nên học Toán/ tiếng Anh/ tiếng Trung như thế nào?".

Xung quanh trường là những tấm băng rôn nổi bật quảng bá cho tài năng của Liu, với dòng chữ “Học giả số 1 trường cấp 3 Hành Thủy và nhân tài của Đại học Bắc Kinh”.

Vài năm trở lại đây, ngôi trường cấp 3 của Liu nổi tiếng với phong cách luyện thi theo kiểu quân đội và còn mở thêm lò luyện ở tỉnh khác. Những khẩu hiệu như "Tăng 1 điểm, bỏ lại 1.000 người về sau" được nhà trường ra sức nhắc nhở.

Tại trường, học sinh đầu tư thời gian để đạt điểm số tốt và điều này trở thành tiêu chí đánh giá hiệu quả của giáo viên. “Từng có thầy giáo nói thẳng rằng nếu các em đạt điểm cao, tôi có thể mua ôtô mới”, Liu kể.

Vỡ mộng sau khi thành thủ khoa đại học - 3

Thất vọng vì những gì diễn ra ở đại học không suôn sẻ như mình tưởng tượng, Liu chuyển sang công việc khác - diễn thuyết về cách mình ôn thi gaokao cho các lứa sĩ tử sau.

Liu nhớ lại việc từng phải làm hết hơn 100.000 câu hỏi thực hành. Anh từng cố gắng tiết kiệm thời gian bằng cách không thay quần áo trong 21 ngày, cho đến khi bị nhiễm trùng móng.

Việc dành bớt thời gian tắm rửa, giặt giũ để giải quyết 40 bài tập nhỏ và 8 bài toán lớn giờ trở thành câu chuyện truyền cảm hứng trong các bài phát biểu của anh.

Mâu thuẫn

Nỗi hoang mang về việc kiếm tiền sau khi ra trường dần nguôi ngoai trong những năm qua khi sự nghiệp diễn thuyết của anh cất cánh.

Dù vậy, Liu ban đầu vẫn lo lắng về tiền bạc. Điều này vốn xuất phát từ khi anh vẫn còn là đứa trẻ, khi gia đình không khá giả, trong khi các bạn học chủ yếu là con nhà có điều kiện.

Một lần hồi năm nhất đại học, Liu tìm kiếm giá nhà ở gần Đại học Bắc Kinh, anh choáng váng khi thấy 1 m2 trong một khu phố ở thủ đô xây dựng từ những năm 1990 được bán với giá 100.000 nhân dân tệ, cao gấp 10 lần so với giá nhà ở quê hương anh.

Thu nhập 1-2 năm đầu đi diễn thuyết của Liu không đủ mua 1 m2 đất kể trên, song ít nhiều Liu vẫn dư dả hơn nhiều sinh viên khác. Dần dà, theo thời gian cùng sự chăm chỉ, Liu đã có thể thoải mái chi tiêu hơn.

Vỡ mộng sau khi thành thủ khoa đại học - 4

Học sinh tại một trường cấp 3 lắng nghe Liu chia sẻ về cách anh đỗ đại học.

Anh từng chi cả nghìn tệ để mua một chiếc áo khoác, ăn vận như một doanh nhân thành đạt khi đi diễn thuyết hay đãi bạn bè cùng phòng những bữa ăn ngon.

Công việc đem lại cho Liu mọi thứ anh ấy muốn mà bằng cấp đại học không thể hứa hẹn: danh tiếng, sự nghiệp và tiền bạc. Ở tuổi 24, Liu đã kiếm được 2 triệu nhân dân tệ.

"Ở mọi ngôi trường tôi ghé qua, tôi đều cố gắng quảng bá cuốn sách viết về phương pháp ôn thi của mình để chạy doanh số. Càng bán được nhiều sách, tôi càng nhận về nhiều tiền hơn".

Nhưng khi các chuyến thăm đến trường cấp 3 vẫn tiếp tục, Liu mâu thuẫn về việc có nên cổ vũ học sinh sống chết ôn thi ngày đêm hay khuyên đúng như những gì anh chứng kiến ngoài thực tế.

"Tôi tự hỏi có nên nói sự thật rằng chuyện thi đại học với điểm số cao không thể đảm bảo sự nghiệp tốt đẹp và cuối cùng họ có thể vỡ mộng hoặc tệ hơn là thất nghiệp. Ít ra, tôi vẫn còn may mắn". “Đây là tình huống khó xử khi học sinh chưa trải nghiệm cuộc sống, họ chỉ nghe lời hứa hẹn về tương lai qua lời kể của người lớn”, anh nói.

(Nguồn: Zing/Sixth Tone)
Bình luận
vtcnews.vn