Vỡ đập thủy điện: 'Quả bóng trách nhiệm' trong chân ai?

Thời sựThứ Hai, 30/09/2013 03:12:00 +07:00

(VTC News) - Những hồ đập đã, đang và sẽ vỡ, đe dọa tính mạng của hàng chục ngàn hộ dân đến nay trách nhiệm chưa rõ thuộc về bộ nào.

(VTC News) - Những hồ đập đã, đang và sẽ vỡ, đe dọa tính mạng của hàng chục ngàn hộ dân sống ở vùng hạ lưu đến nay trách nhiệm chưa rõ thuộc về bộ nào.

Khoảng 15h30 ngày 29/9, kênh dẫn dòng thủy điện Sêrêpốk 4A thuộc Công ty cổ phần Thủy điện Buôn Đôn, Đắk Lắk đã bất ngờ vỡ hai bên, cuốn trôi hàng chục hecta lúa và hoa màu của người dân.

Đoạn kênh bị vỡ dài khoảng 50 mét mỗi bên khiến hàng chục ha lúa, hoa màu của người dân ở dọc 2 bên kênh là thôn 1, buôn N’Drếch A và buôn Giang Pông (thuộc xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) bị ngập, hư hại.

Tại hiện trường, đến hơn 18 giờ cùng ngày, 2 bên đoạn kênh bị vỡ, nước vẫn chảy tràn ra bên ngoài. Mực nước trong lòng kênh dẫn đã hạ gần 3mét so với mực nước ban đầu. Trên thân đê, đơn vị thi công huy động công nhân cùng 1 máy ủi, 3 máy múc và 5 chiếc xe tải chở đất, khẩn trương đắp 2 đoạn kênh bị vỡ.

vỡ kênh thủy điện, vỡ đập, vỡ kênh dẫn thủy điện, trách nhiệm, thủy điện Sêrêpốk 4A
Đoạn kênh bị vỡ dài khoảng 50 mét mỗi bên. Ảnh: Tri thức 
Vụ vỡ kênh, không chỉ gây ngập hoa màu, mà còn khiến nước tràn ngập một đoạn dài tỉnh lộ 1 (đoạn thuộc xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn). Đến hiện tại, cơ quan chức năng huyện Buôn Đôn vẫn chưa thống kê được thiệt hại do vụ vỡ kênh dẫn dòng gây ra.

Ông Dương Văn Sanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Buôn Đôn thản nhiên, nói: "Nguyên nhân vụ vỡ kênh là do nước lũ đột ngột chảy về từ phía sông Sêrêpốk".

"Đơn vị thi công không kịp kéo phay chèn cống dâng nước lên để xả lũ, vì thế nước đã chảy qua cống dẫn nước (đoạn thuộc thôn 1, buôn N’Drếch A), chứ không phải bị vỡ. Thiệt hại cũng chỉ khoảng 2 sào lúa và 1 sào bắp”, ông Sanh nhận định.


Lời giải thích này cho thấy việc thiệt hại của người dân dù thế nào cũng là đương nhiên xảy ra, còn thiệt hại nhiều hay ít cũng là do may rủi.
vỡ kênh thủy điện, vỡ đập, vỡ kênh dẫn thủy điện, trách nhiệm, thủy điện Sêrêpốk 4A
Hàng chục hecta lúa, hoa màu của người dân thôn 1, buôn N’Drếch A và buôn Giang Pông (thuộc xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) bị ngập, hư hại.Ảnh: Tri thức
Trước đó, vụ ba công nhân bị nạn do lũ từ thủy điện La Hiêng 2 (Phú Yên) tràn vào đường hầm hay vụ vỡ đập thủy điện La Krêl 2 là những ví dụ về sự "thí mạng" của người dân cho vấn đề an toàn hồ đập.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng, hiện cả nước có hơn 6.500 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích 11 tỷ m³ nước, trong đó có hơn 560 hồ chứa lớn, còn lại đều là loại hồ chứa nhỏ.

Chất lượng của hầu hết các hồ chứa nhỏ đều đáng báo động vì không đảm bảo, đã được xây dựng từ vài chục năm nay, trong khi trình độ khảo sát thiết kế hạn chế, đập thi công bằng vật liệu tại chỗ và đắp thủ công. Sau nhiều năm khai thác, các hồ chứa vừa và nhỏ hầu như bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Tại nhiều hồ chứa, cống lấy nước đã mất khả năng vận hành, không tràn xả lũ được, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.
Đập thủy điện Sông Tranh 2, công trình có chất lượng chưa đảm bảo, gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Đập thủy điện Sông Tranh 2, công trình có chất lượng chưa đảm bảo, gây bức xúc dư luận thời gian qua. Ảnh: SGGP 
Còn theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 260 công trình thủy điện đang được khai thác và 211 công trình đang thi công xây dựng. Mặc dù đã có tiêu chuẩn thi công thiết kế rõ ràng, vật liệu xây dựng hiện đại, nhưng thời gian qua nhiều sự cố của hồ thủy điện vẫn xảy ra liên tục, đem lại nỗi lo cho nhiều hộ dân sống ở hạ du.

Điều đáng bàn hiện nay là việc giao trách nhiệm quản lý các hồ chứa như thế nào cho các cơ quan chức năng vẫn chưa rõ ràng nên khi sự cố xảy ra, "quả bóng trách nhiệm" cứ được đá từ nơi này qua nơi khác...
Theo kết quả vừa rà soát, cả nước hiện đang có xấp xỉ 7.000 hồ chứa, trong đó những hồ chứa lớn thuộc quyền điều hành của liên bộ như Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng hoặc chịu sự điều hành của địa phương. Còn những hồ chứa nhỏ hơn đang giao cho chủ đầu tư tự điều tiết.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú nhận định: “Trong quản lý an toàn đập thủy điện, đến nay vẫn chưa phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành trong việc phê duyệt phương án phòng chống lụt bão”.
Những nguy cơ từ sự mất an toàn hồ đập thủy điện đã được cảnh báo từ lâu. Thiệt hại cả về người và của từ những vụ vỡ đập thủy điện là điều được nói tới rất nhiều, ngay cả trên diễn đàn Quốc hội. Tuy nhiên, sau mỗi sự cố xảy ra, "quả bóng trách nhiệm" vẫn theo đà lăn, được "đá" từ nơi này sang nơi khác. Hậu quả cuối cùng vẫn chỉ người dân gánh chịu.



Diệp Vy
(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn