Phóng sự

Võ cổ truyền Bình Định: Nỗi lo bí kíp thất truyền

Thứ Hai, 26/09/2022 09:34:00 +07:00

(VTC News) - Các tài năng võ học như cố danh sư Hương Kiểm Mỹ, Hồ Ngạnh… có những độc chiêu của riêng mình. Những vị này mất đi đã mang theo không ít vốn quý của võ cổ truyền…

Video: Nữ võ sĩ biểu diễn Hùng kê quyền

Theo chia sẻ của Đại võ sư Bùi Trung Hiếu - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Bình Định, võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm và thể hiện rõ nét vào thời Tây Sơn Nguyễn Huệ thế kỷ XVIII.

Được hình thành từ các yếu tố địa lý, lịch sử, xã hội và sự giao lưu văn hóa cùng với sự hội nhập của các dòng võ đã hình thành nên dòng võ cổ truyền Bình Định, bao gồm: Võ lý, võ đạo, võ thuật, võ y, võ nhạc, võ phục... Chính những đặc trưng và nội dung cơ bản của võ cổ truyền Bình Định đã tạo nên sự khác biệt trong nền võ học dân tộc.

Võ cổ truyền Bình Định không đơn thuần rèn luyện kỹ năng, thể chất, nâng cao khả năng tự vệ, hướng tới sự hòa hợp về thể chất và tinh thần của con người, mà thông qua việc tập luyện võ nghệ còn khơi dậy lòng yêu nước, tự hào với truyền thống thượng võ của dân tộc.

Nét riêng biệt mang lại những nét độc đáo của võ cổ truyền là việc truyền bá, phổ biến, dạy dỗ võ học. Tuy nhiên, đây cũng là điểm yếu chí tử khiến võ cổ truyền khó phát triển rộng rãi, thậm chí mai một dần.

Đó là việc mỗi võ đường, mỗi dòng họ đều có cách chọn môn sinh để truyền lại khác nhau. Có võ đường nếu chọn được người có đầy đủ các phẩm chất Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín thì mới truyền lại tất cả tuyệt kỹ, bất kể là người ngoại tộc hay là trong dòng họ. Nhưng hầu hết các võ đường ở Bình Định đều cùng một quan điểm “truyền gia chứ không truyền đa”.

Võ cổ truyền Bình Định: Nỗi lo bí kíp thất truyền - 1

 

Đại võ sư Bùi Trung Hiếu còn cho biết: Hiện nay, trước những biến động của đời sống, xã hội các tư liệu quý, sách sử về võ học, các di chỉ, hiện vật, làng võ, dòng tộc uyên bác về võ ở Bình Định đã có những mai một, thất truyền và thất lạc theo thời gian.

Phần hồn cốt của võ cổ truyền Bình Định chỉ còn lưu giữ được chủ yếu theo cách truyền khẩu qua các đời, có thể cũng ít nhiều biến dạng hoặc pha trộn vì chưa được bảo tồn và chưa xây dựng được hệ thống lý luận cơ bản, đảm bảo tính khoa học. Cùng với đó, những võ sư, võ nhân danh tiếng có nền tảng võ thuật phong phú, dày dặn thì đã dần ít đi.

Hầu hết, các võ đường ở Bình Định đều gắn liền với ruộng vườn, ngành nghề chính là làm nông nên việc để đầu tư làm một võ đường, một sân tập đầy đủ tiện nghi là điều rất khó khăn và xa xỉ.

Trước những biến động của đời sống, xã hội phát triển, với sự lên ngôi của nhiều môn thể thao mới, võ cổ truyền Bình Định dần không còn thu hút sự quan tâm của các thành phần xã hội mà chỉ duy trì ở một số địa bàn, các lò võ danh tiếng từ trước đến nay.

Điều đó, đã phần nào làm mai một đi tinh hoa bản sắc võ cổ truyền Bình Định. Dần dần các lớp trẻ không còn quá mặn mà với võ thuật mà thay vào đó là những cái máy vi tính, điện thoại… các em dần quên đi bản sắc, quên đi lịch sử hình thành và phát triển của võ cổ truyền Bình Định.

Võ cổ truyền Bình Định: Nỗi lo bí kíp thất truyền - 2

 

Qua tìm hiểu về vùng đất võ Bình Định còn có quá nhiều điều chúng ta chưa khám phá hết những cột mốc lịch sử quan trọng, qua các thời kỳ từ vương triều Chămpa Bình Định thành đất phên dậu của Đại Việt, thời Tây Sơn, thời nhà Nguyễn, rồi đến thời kháng chiến giành độc lập, thời kỳ sau giải phóng đến nay.

Trải qua hàng trăm năm tích hợp, qua những cuộc chiến tranh giành độc lập võ cổ truyền Bình Định vẫn còn đó những thế hệ vàng đang cố gắng từng ngày gìn giữ lại kho tàng đồ sộ mà cha ông để lại.

Những cây cao bóng cả của võ học Bình Định vẫn luôn nung nấu ý nghĩ phát triển võ Bình Định hơn nữa, làm rạng danh những gì ông cha để lại cho mình. Họ vẫn cố gắng từng ngày, tận dụng từng giờ, còn sức lực thì vẫn còn truyền dạy cho các lớp trẻ sau này.

Võ cổ truyền Bình Định: Nỗi lo bí kíp thất truyền - 3

 

Các vị đại võ sư, võ sư lớn tuổi như: Lý Xuân Hỷ, Trương Văn Vịnh, Hồ Sừng, Lâm Ngọc Ánh… đến bây giờ đáng ra có thể an phận dưỡng già, nhưng trong lòng họ vẫn còn đau đáu nhiều nỗi lo, lúc nào cũng nghĩ tới chuyện mai sau võ cổ truyền sẽ tồn tại và phát triển như thế nào.

Để lưu giữ, phát huy võ cổ truyền Bình Định đây được xem là trăn trở lớn nhất của các đại võ sư, võ sư: Luyện võ không còn là sự ưu tiên của con em Bình Định nữa, mà thay vào đó là những bộ môn thể dục, thể thao khác, chương trình giải trí thích thú hơn như: game online, mạng xã hội…

Để giữ gìn và phát triển võ cổ truyền Bình Định các võ đường đều cố gắng giữ gìn nếp cũ. Trước khi kết nạp một môn sinh vào võ đường để truyền dạy họ đều phải trải qua các bước kiểm tra rất nghiêm khắc.

Thông thường khi mới bắt đầu học võ, môn sinh sẽ được học về võ lễ, sau đó là võ đạo, tiếp tới là các bài kiểm tra. Đây là các bước quan trọng và cũng là nét đặt trưng trong võ cổ truyền Bình Định. Thực hiện xong các bước trên thì sẽ tiến hành làm lễ nhập môn cho đệ tử, ra mắt Tổ. Trên mâm cúng tổ sẽ bao gồm: hương, hoa, rượu, trà, quả.

Đặc biệt, hằng năm vào ngày 14/12 âm lịch các Đại võ sư, võ sư tụ họp tại Trung tâm Võ cổ truyền Bình Định để tổ chức lễ Tổ là Hoàng đế Quang Trung. Ngài được sự thống nhất suy tôn của Giám đốc Trung tâm Võ cổ truyền Bình Định và tất cả các Đại võ sư, võ sư.

Còn mỗi võ đường, mỗi môn phái sẽ thờ tổ khác nhau. Bình Định là nơi hợp lưu của 3 dòng võ lớn là: Đại Việt, Trung Hoa và Chămpa cùng nhiều các môn phái lớn nhỏ khác nhau kết hợp mới tạo nên được võ cổ truyền Bình Định như hiện nay. 

Võ cổ truyền Bình Định: Nỗi lo bí kíp thất truyền - 4

 

Qua những ngày rong ruổi trên đất võ Bình Định tôi càng thực sự thán phục bởi nơi đây đã trải qua mấy trăm năm thăng trầm, biến cố mà vẫn giữ được những nét bản sắc riêng là niềm tự hào của người dân nơi đây.

Trực tiếp gặp mặt các võ sư cao tuổi tới các môn sinh, tôi được nghe những câu chuyện kể về các huyền thoại võ thuật, các bài võ bí truyền của võ cổ truyền Bình Định, càng thấy được giá trị độc đáo của nền võ học lâu đời.

Tuy nhiên, đằng sau những thành công của những thế hệ lão thành đã làm được trong quá khứ, là những trăn trở khó khăn về mọi mặt của các võ đường, làm sao duy trì phát huy được võ cổ truyền Bình Định, không để di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia này cứ mãi dậm chân tại chỗ, thậm chí là tụt dốc.

Võ cổ truyền Bình Định: Nỗi lo bí kíp thất truyền - 5

 

Cùng suy nghĩ, võ sư Phan Minh Hải - Chưởng môn võ đường Phan Thọ - cũng đang có nỗi lo khi phát triển võ đường và làm tròn danh xưng đồ tôn của cố võ sư Phan Thọ. Những áp lực ấy đè nặng lên đôi vai của chàng võ sư trẻ tuổi mang trong người sứ mệnh của cả dòng tộc.

“Thấy võ đường không có đủ kinh phí để mua bao cát, đệm, tạ,… các môn sinh cũng hăng hái phụ tôi làm thủ công, tự chế, tự đúc, tận dụng mọi thứ có thể. Các em nhiệt tình như vậy cũng làm tôi vơi bớt một phần khó khăn” - Võ sư Phan Minh Hải chia sẻ.

Và vì thế, dòng chảy võ cổ truyền vẫn còn mạnh mẽ và được hun đúc bởi nhiều thế hệ võ sư dày công, tâm huyết trao ngọn lửa đam mê cho các võ sinh, những người yêu võ.

Trải qua nhiều biến động, thăng trầm võ cổ truyền Bình Định  không thể mất đi vì đã ăn sâu vào tâm trí của người Bình Định để tồn tại và phát triển linh hoạt trong đời sống xã hội.  

Video: Võ sư Nguyễn Thanh Viện biểu diễn Song ngân thương

Võ cổ truyền Bình Định: Nỗi lo bí kíp thất truyền - 6

 

Bình luận
vtcnews.vn