Vợ chồng nghèo 11 năm nuôi con bị bệnh cho người lạ

Đời sốngThứ Ba, 15/10/2019 11:49:00 +07:00

Gửi con gái đi giúp việc cho nhà người ta, bà Tám không ngờ nhận về một đứa trẻ không máu mủ, ở nhà bà 11 năm qua.

Hai giờ sáng, trong phòng cấp cứu của BV Ung bướu Bắc Giang, bà Tám gà gật ôm đứa trẻ xanh rớt, chờ nó ngủ mới dám chợp mắt. "Bà ơi, cháu đau ở đây", Lê Văn Long, 12 tuổi, thì thào chỉ vào bắp đùi - nơi những cục u đang rỉ máu, bà Vũ Thị Tám, 65 tuổi, ở Yên Sơn, Lục Nam, Bắc Giang, vội lấy khăn thấm, thổi thổi, "đây đây, một tí là hết đau ngay". Rồi bà để thằng bé gục đầu vào vai mình, xoa lưng cho nó.

Gần 12 năm trước, khi đón cậu bé Long từ tay con gái, bà Tám không thể ngờ mình sẽ phải "trường kỳ kháng chiến" như vậy.

Năm 2007, con gái bà là Phùng Thị Hồng trông trẻ cho cặp vợ chồng giáo viên một trường cấp 3 ở Lục Nam: Một bé trai hơn 3 tuổi khỏe mạnh và cu Long - hơn 7 tháng tuổi, bị u xơ thần kinh bẩm sinh. Một buổi sáng tháng 9, bà Tám đang đi cấy được nhà trường cấp 3 nọ gọi lên, thông báo cha bé Long phải ngồi tù vì sát hại tình địch, mẹ đã tự vẫn, bà giật bắn mình.

"Thầy hiệu trưởng nói ông bà nội cháu không còn, Hồng đã quen chăm bọn trẻ nên nhờ gia đình tôi đón về nuôi. Nhà trường sẽ kêu gọi ủng hộ tiền để nuôi cháu. Thấy chẳng còn cách nào hơn, vợ chồng tôi đồng ý", bà Tám kể.

Bà vớ lấy cái nón đặt ở góc văn phòng đội lên đầu, đón thằng bé từ tay con gái rồi đi trước, Hồng dắt đứa lớn theo sau.

Từ ngày đón hai đứa bé về, bữa cơm nhà bà Tám chia thành hai ca. Ba người ngồi ăn, hai người còn lại bế trẻ. Thằng lớn nhớ bố mẹ khóc ri rỉ. Thằng nhỏ đặt đâu nằm đấy, khát sữa mẹ cứ thức suốt.

123

Nửa tháng qua, mặc kệ cơn đau loét dạ dày của mình, bà Tám ở lỳ tại viện chăm cậu bé Long.

Hai tháng sau, ông bà ngoại của Long đến đón cậu anh, còn bé Long thì gửi lại, vì "cháu đau yếu, hai vợ chồng già không biết cách nào để nuôi, nhờ ông bà nuôi giúp".

Vậy là bé Long ở lại một mình trong nhà bà Tám. Lúc bé một tuổi, những cục u ở dây thần kinh bắt đầu nổi lên, vỡ ra khi bé quẫy đạp. Vết thương khô lại thì sần sùi, ngứa ngáy. Một cục u ở bẹn cũng lớn dần, khiến Long hay sốt và đau nhức.

"Có những hôm Long chảy máu nhiều, mẹ và ba chị em tôi mỗi người dùng một cái khăn giữ thật chặt để cầm máu. Đến gần sáng, thì ngủ gục hết ở giường", chị Hồng nhớ lại.

Có đợt, gia đình đưa cu Long lên Bệnh Nhi trung ương điều trị. Ở quê, bà Tám bàn với chồng là ông Đắc bán rẻ con bò hơn 4 triệu đồng lấy tiền chi phí. Thấy thằng bé tập tễnh những bước đầu tiên, cả nhà họ nhào ra xem, háo hức như có cỗ. Họ mượn điện thoại về quay, in ra đĩa để lưu làm kỷ niệm.

Năm 2011, bố Long tại ngoại, đến đón con về nhà ở Mê Linh, Hà Nội. Long chưa biết nói, nhưng ngày hai lần, vợ chồng bà Tám gọi điện xuống "nói chuyện với cháu". Một tháng sau ngày Long đi, mới sáng tinh mơ, ông Đắc đã thấy vợ đeo túi ra ngõ. Hỏi đi đâu, bà bảo "Tôi đi thăm cu Long".

Nhìn thấy bà tới, thằng nhỏ cuống quýt sà vào lòng. Lúc ra về, nó khóc ngằn ngặt, cứ níu lấy. "Mỗi lần đến thăm nó về, tôi lại nhớ đến mất ăn mất ngủ", bà kể.

Đầu năm 2012, vợ chồng bà Tám nhận tin báo bố Long đã lập gia đình, bé sống "vất vưởng ở nhà ông chú họ, nhờ ông bà nuôi giùm", bà Tám đồng ý ngay. Vài ngày sau, bà đứng ở cầu vượt sân bay Nội Bài đón cháu. Thằng nhỏ ôm lấy bà ấm ức "bà đi đâu mà lâu thế". Bà Tám vỗ vỗ lưng nó "Từ nay Long sẽ ở với bà". Lúc ấy, Long gần 5 tuổi.

Về sống trong ngôi nhà ngói ba gian cũ kỹ, Long gọi Hồng là mẹ, gọi ông Đắc, bà Tám là ông bà ngoại. Cậu được đến trường, nhưng sức khỏe yếu nên chỉ học hết lớp một thì nghỉ.

Ba con gái lần lượt đi lấy chồng, bà Tám thôi làm ruộng để có thời gian chăm cháu nuôi. Cả nhà sống dựa vào hơn 2 triệu đồng tiền trợ cấp. Khối u ở bẹn to bằng cái cốc khiến Long đi lại vất vả, đau đớn. Mỗi lần đi vệ sinh, nặng nhẹ gì cũng một tay bà Tám bưng bô đổ.

"Bà Tám chân đau mà bệnh viện lớn nhỏ nào cũng bế thằng cu Long đi chữa", ông Dương Văn Loan, Phó chủ tịch xã Yên Sơn, huyện Lục Nam, cho biết. 

Nhưng bà Tám không nhận hết công lao ấy. "Một người bạn của bố Long lo kêu gọi tài trợ, còn tôi chỉ có công sức nuôi cháu thôi", bà cười. 

12

Long lúc nào cũng phải đeo gang tay để tránh cào xước vết thương. 

Hơn 3 năm trước, bố Long bị tuyên án 20 năm tù vì buôn ma túy. Long dần hiểu rõ bệnh và hoàn cảnh của mình nên tự ti, lầm lì, chỉ nói chuyện với người nhà. Chiều chiều, bà Tám đặt cậu lên xe lăn, đẩy ra nhà văn hóa thôn cho khuây khỏa.

"Nó ít nói nhưng cái gì cũng biết, thấy bà kêu đau hay ho khù khụ, nó lại quay sang hỏi ‘bà đã uống thuốc chưa?’", chị Hồng kể.

Đợt này khối u ở bẹn Long đau nhiều, bà Tám lại đưa cháu đi viện. Bà đang chờ kết quả xét nghiệm. Nếu thuận lợi, khối u này sẽ được cắt bỏ, nhưng các cục u máu ở hông, đùi vẫn bám riết em cả đời.

Quá trưa, các bệnh nhân trong phòng đã đi nghỉ, Long mãi không ăn xong cơm, bà Tám dụ: "Ăn cho khỏe rồi bà cho đi ôtô ra công viên chơi". Thằng bé ngước mắt: "Đi ôtô nhưng bà không được cho trả cháu về cho bố đâu nhé". Bà Tám gật đầu "Ừ, khổ quá, bao năm nay, bà có bỏ cháu ngày nào đâu mà phải dặn".

* Tên cháu bé đã được thay đổi

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn