Việt Nam sẽ bị cấm vận thương mại nếu không chống buôn bán động vật hoang dã

Kinh tếThứ Tư, 24/05/2017 10:46:00 +07:00

Nếu không đẩy mạnh đấu tranh chống buôn bán, tiêu thụ động, thực vật hoang dã, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với cấm vận thương mại từ CITES (Công ước về thương mại quốc tế với các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp).

Tại Hội thảo “Doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, không khoan nhượng đối với các hành vi tiêu thụ động, thực vật hoang dã” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức TRAFFIC (Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã) diễn ra tại Hà Nội ngày 24/5, đại diện của hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam đã cam kết thực hiện nghiêm túc việc cấm buôn bán động, thực vật hoang dã và coi đây là trách nhiệm bắt buộc đối với doanh nghiệp.

Hinh anh

Các báo cáo cho biết, Việt Nam hiện đang là nơi quá cảnh của các hoạt động buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã.

Nhiều đại biểu cũng nhận định, đây là một bước tiến quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTAs). Trong các điều khoản quy định của các FTA ao gồm cả các quy định về bảo vệ động thực vật hoang dã và yêu cầu mỗi quốc gia phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo công ước quốc tế về buôn bán các loài nguy cấp.

Hinh anh

Đại diện nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã tham gia ký kết cam kết không buôn bán động, thực vật hoang dã.

Trong những năm qua, dù đã nhiều nỗ lực nhưng Việt Nam vẫn chưa chặn đứng được các mạng lưới buôn lậu và truy tố những kẻ buôn bán bất hợp pháp.

Điều này có thể khiến Việt Nam phải đối mặt với cấm vận thương mại từ CITES (Công ước về thương mại quốc tế với các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp).

Hinh anh  3

Trong thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh công tác chống buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép. Nhiều vụ buôn bán sừng tê giác đã bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Khảo sát của Tổ chức TRAFFIC cho thấy nhóm đối tượng chính tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam là những doanh nhân thành đạt. Bởi vậy, sự tham gia của các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng và sẽ giúp những cam kết trên được thực thi hiệu quả. Hiện nay đã có hơn 11.000 đại diện của các doanh nghiệp trên toàn thế giới tham gia cam kết đấu tranh chống lại việc tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã, trong đó có sừng tê giác.

Bà Medelon Willemsen, Trưởng đại diện Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam cho biết: “Việc tham gia của các doanh nhân có tầm ảnh hưởng và đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các hành vi buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã. Chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp thể hiện thái độ không khoan nhượng đối với việc buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã trong đó có sừng tê giác và các sản phẩm khác trong chính sách trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mình”.

Trước đó, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã phát đi thông điệp kêu gọi Việt Nam phải mạnh tay hơn nữa với hoạt động buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt.

Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (hay Công ước Washington) là một hiệp ước đa phương có hiệu lực từ năm 1975. Công ước này nhằm đảm bảo rằng việc thương mại quốc tế các tiêu bản của các loài động vật và thực vật hoang dã mà không đe dọa sự sống còn của các loài này trong tự nhiên, và nó cũng đưa ra nhiều cấp độ khác nhau để bảo vệ hơn 34.000 loài động và thực vật.

Việt Nam tham gia vào Công ước CITES năm 1994 và trở thành thành viên thứ 121 trên tổng số 178 quốc gia tham gia Công ước.

Để thực thi CITES Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 82/2006/NĐ-CP về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nhập nội từ biển gây nuôi và trồng cấy nhân tạo các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.

Video: Báo đốm ra đòn sát thủ với trăn khổng lồ

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn