VN-Index lần thứ hai liên tiếp thoát hiểm ngoạn mục, tăng mạnh cuối phiên

Tài chínhThứ Tư, 27/04/2022 15:29:00 +07:00
(VTC News) -

Dù áp lực bán ngay đầu phiên sáng 27/4 khiến chỉ số VN-Index giảm sâu nhưng đến phiên chiều, chỉ số này lại ngược dòng, bật tăng mạnh mẽ.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (27/4), thị trường chứng khoán trong nước biến động tiêu cực khi cổ phiếu của hàng loạt nhóm ngành lùi xuống dưới mốc tham chiếu.

Các nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường như bất động sản, ngân hàng, dầu khí, chứng khoán...cũng đồng loạt lao dốc. SAB giảm 3,5%, TPB giảm 3%, VHM giảm 2,6%, GAS giảm 1,8%...

VN-Index lần thứ hai liên tiếp thoát hiểm ngoạn mục, tăng mạnh cuối phiên - 1

VN-Index giảm gần 21 ngay đầu phiên sáng. (Ảnh minh hoạ)

Tại thời điểm 9h38, chỉ số VN-Index giảm 20,64 điểm (1,54%) xuống 1.320,7 điểm. Trong nhóm VN30, chỉ có 2 mã giao dịch với sắc xanh là HPG và BID, các cổ phiếu còn lại đều chìm trong sắc đỏ.

Sau đó, lực cầu bắt đáy xuất hiện giúp thị trường thu hẹp phần nào đà giảm. Lúc 9h55, VN-Index giảm 13,83 điểm (1,11%) xuống còn 1.326,55 điểm. Trong rổ VN30 ghi nhận 3 mã tăng và 27 mã giảm.

Đến giữa phiên sáng, diễn biến thị trường không có nhiều điểm nhấn. Chỉ số VN-Index vẫn dao động trong mức giảm 14 - 16 điểm. 

Phiên giao dịch sáng khép lại với sắc đỏ bao trùm toàn thị trường. VN-Index giảm 21,23 điểm (1,58%) xuống 1320,11 điểm. UPCom-Index cũng giảm 0,39% xuống 100,76 điểm và chỉ có HNX-Index giữ được sắc xanh với mức tăng 0,71% lên 347,61 điểm.

Thanh khoản thị trường ở mức thấp với giá trị khớp lệnh chưa tới 10.000 tỷ đồng. Sáng nay, khối ngoại quay đầu bán ròng 330 tỷ trên HoSE.

Sang phiên chiều, dù phần lớn thời gian chìm trong sắc đỏ nhưng trong ít phút cuối ngày, lực cầu bất ngờ gia tăng, giúp thị trường đảo chiều tăng mạnh. Hàng loạt mã trong nhóm bất động sản, xây dựng tăng trần như HBC, DIG, CEO, QCG, ITA, DPG, TDH... Nhóm thủy sản cũng giao dịch khá tích cực với nhiều mã đóng cửa tăng trần như AAM, ACL, ANV, CMX, IDI, VHC.

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu lớn như FPT, BVH, DCM, DPM, VNM, PNJ...giảm điểm khi đóng cửa.

Kết thúc ngày giao dịch, VN-Index tăng 12,43 điểm (0,93%) lên 1.353,77 điểm. Toàn sàn HoSE có 299 mã tăng, 123 mã giảm và 58 mã đứng giá. VN30-Index giao dịch kém tích cực hơn khi chỉ tăng 5,13 điểm (0,37%) lên 14.02,03 điểm.

Chỉ số HNX-Index cũng tăng 11,92 điểm (3,45%) đạt 357,09 điểm. UPCom-Index tăng 0,22 điểm lên 101,37 điểm.

Tuy nhiên, trong phiên hôm nay thanh khoản rất thấp với giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt gần 17.000 tỷ đồng. Sau chuỗi phiên mua ròng gần đây, khối ngoại quay đầu bán ròng 270 tỷ đồng, lực bán tập trung vào VND, DXG, DIG...

Như vậy, hôm nay là ngày thứ 2 liên tiếp thị trường hồi phục ngoạn mục về cuối phiên. Hôm qua (26/4), VN-Index có sự lội ngược dòng gây bất ngờ, từ lúc lao dốc mất gần 50 điểm trong phiên sáng đã tăng mạnh hơn 30 điểm lúc kết phiên cuối ngày.

Trước sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán những phiên gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chỉ ra các nguyên nhân cụ thể.

Theo Bộ trưởng, trên thế giới, áp lực lạm phát tăng khiến các ngân hàng trung ương lớn đều có động thái thắt chặt chính sách và điển hình nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất điều hành sau 3 năm. 

Cùng với đó, tình hình xung đột Nga - Ukraine càng làm gia tăng rủi ro cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu nhất là khi giá năng lượng, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh,… 

Điều đó đã tác động tới nhiều TTCK trên thế giới, khiến nhiều thị trường giảm điểm mạnh.

TTCK Việt Nam cũng không ngoại lệ khi áp lực bán tăng dần vào cuối quý I và điều chỉnh giảm mạnh kể từ cuối tháng 3 sau quá trình dài liên tục tăng. 

Ngoài các tác động từ vĩ mô ngoài nước, TTCK còn một phần chịu tác động tâm lý khi các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý xử lý nghiêm các vụ việc trên TTCK và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. 

Do vậy, TTCK Việt Nam điều chỉnh giảm điểm mạnh cũng một phần tương đồng với nhịp giảm chung của thế giới, chẳng hạn như trong phiên giảm mạnh (hơn 68 điểm) ngày 25/4 thì các thị trường lớn trên thế giới cũng giảm điểm rất sâu. 

Bên cạnh đó, áp lực điều chỉnh sau quá trình tăng dài và tâm lý thận trọng trên thị trường trước các vụ việc đơn lẻ đã khiến thị trường biến động mạnh theo chiều hướng giảm.

Hành động xử lý nghiêm các sai phạm trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa qua chỉ là các sự vụ đơn lẻ, chỉ có tác động tới tâm lý của thị trường trong ngắn hạn. 

Việc kiên quyết xử lý các sai phạm có thể tác động tới tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn, khiến thị trường tăng trưởng chậm lại, nhưng là nỗ lực để thị trường tăng trưởng minh bạch, bền vững hơn”, Bộ trưởng khẳng định.

Bằng Lăng
Bình luận
vtcnews.vn